Chính sách

Xây dựng Luật Thủ đô: Cần bãi bỏ quy định bất hợp lý cản trở mục tiêu phát triển

DNVN - Đề xuất cho hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Tọa đàm “Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô” ngày 12/4, các chuyên gia cho rằng cần bãi bỏ quy định bất hợp lý cản trở mục tiêu phát triển.

Hà Nội tố các bộ ngành vi phạm Luật thủ đô khi di dời trụ sở / Hà Nội tố các bộ ngành vi phạm Luật thủ đô khi di dời trụ sở

Thực tiễn còn nhiều bất cập

Theo đại diện Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội, chính sách phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường Thủ đô hiện còn nhiều bất cập.

Thành phố Hà Nội đã phê duyệt cơ chế chính sách Đề án dãn dân phố cổ (khu vực quận Hoàn Kiếm) từ năm 2014, tuy nhiên việc thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả do có nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách pháp luật.

Chính sách phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường Thủ đô hiện còn nhiều bất cập.

Hiện nay các nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử theo hướng bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử còn manh mún, chưa tập trung và chưa được chú trọng đầu tư trọng điểm.

Các khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị khác của trung tâm Thành phố cần có các giải pháp đồng bộ, huy động được nguồn tài chính và sự tham gia của người dân, doanh nghiệp để bảo tồn và gìn giữ cảnh quan, không gian văn hoá, lịch sử đặc sắc.

Cùng với đó, việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử còn thiếu cơ chế quản lý, mới chỉ tập trung vào các biện pháp để bảo tồn mà chưa chú trọng đến các giải pháp để phát huy giá trị của các công trình, biến các công trình có giá trị về kiến trúc, văn hóa lịch sử thành nguồn lực phát triển.

Hoạt động bảo tồn phục hồi kiến trúc không gian đô thị cảnh quan một số tuyến phố cổ, tuyến phố cũ (Pháp), không gian khu vực để bảo tồn phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử chưa được quan tâm.

Về phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm khu vực nội đô lịch sử, hiện tại mới chỉ chú trọng phát triển hệ thống giao thông động, đó là các hệ thống tầu điện ngầm, hầm chui, chưa chú trọng phát triển không gian ngầm để phục vụ phát triển giao thông tĩnh, dịch vụ thương mại bổ trợ công cộng và bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan tại khu vực nội đô lịch sử.

Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, quy hoạch giao thông thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đặt ra yêu cầu rất lớn về đầu tư xây dựng đường giao thông cũng như đầu tư phát triển mới các đô thị, đặc biệt là các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái.

Tuy nhiên, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư không thể áp dụng cho gói dự án bao gồm cả đầu tư hạ tầng giao thông và phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại. Vẫn chưa có quy định về đổi dự án lấy dự án và quá trình chuẩn bị hồ sơ đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất còn mất nhiều thời gian và nhiều thủ tục.

Nên rà soát và sàng lọc các chính sách, cơ chế

Đề xuất nội dung bổ sung trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội nhấn mạnh việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị phải gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử.

Phải quản lý nghiêm việc xây dựng, cải tạo, chỉnh trang theo quy hoạch, thiết kế đô thị (quá trình tái phát triển đô thị, tái cấu trúc đô thị), gắn kết biện chứng với đô thị hóa - phát triển đô thị mới tạo thành thực thể hữu cơ tương quan phát triển.

Tọa đàm “Phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng giao thông và bảo vệ môi trường của Thủ đô”.

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội cho rằng: Phát triển nhanh, bền vững, giải quyết các vấn đề tồn tại, phát huy lợi thế của Thủ đô nhằm phát triển đô thị và hạ tầng giao thông là yêu cầu rất quan trọng; có ảnh hưởng đến tương lai của Hà Nội.

Hà Nội cần chủ động thể hiện vai trò đầu tàu, liên kết và phát triển kinh tế trong vùng Thủ đô. Do đó, viện sẵn sàng tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Hà Nội hiện đại, văn minh, đáp ứng nhu cầu khẳng định tầm vóc, vị trí của mình.

Quy mô nghiên cứu rất rộng, bao quát nhiều lĩnh vực, mục tiêu và liên quan đến giá trị lịch sử, thực tại và tương lai, viện đã nghiên cứu một số nội dung quan trọng như phát triển nhà ở, hạ tầng kỹ thuật, thương mại, hệ thống công viên cây xanh cũng như không gian công cộng; bảo tồn khu phố cổ, cũ; các vấn đề về quy hoạch, phát triển chiến lược trong tương lai.

TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy học - Kiến trúc Hà Nội khuyến nghị: “Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội Hà Nội nên rà soát các chính sách, cơ chế để lọc ra những quy định cũ, kết hợp với tình hình và nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới để đưa ra những đề xuất phù hợp, tạo sức bật, hướng tới phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. Nên lưu ý việc nghiên cứu mối liên kết, lan tỏa của Hà Nội với toàn vùng đồng bằng sông Hồng”.

Chuyên gia Tô Anh Tuấn cho rằng, cần làm tốt công tác quy hoạch và chiến lược phát triển và cũng là việc phân bổ nguồn lực tổng hợp của Hà Nội. Trong đó, cần chắt lọc, đề xuất bãi bỏ những quan điểm, quy định mâu thuẫn, chồng chéo hoặc bất hợp lý làm cản trở mục tiêu phát triển thành phố theo hướng hiện đại, văn minh.

Vấn đề là bảo đảm lợi ích chung, với tầm nhìn xa, hài hòa giữa mục tiêu kinh tế và xã hội trên tinh thần nhân văn; xứng đáng với vai trò, vị trí của Thủ đô.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm