Chính sách

Xây dựng mạng lưới các tổ chức sản xuất rừng và trang trại: Cần đẩy mạnh liên kết nhà nông

DNVN - Phát biểu tại “Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mạng lưới các tổ chức sản xuất rừng và trang trại” sáng 2/8, đại diện cho Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại của Tổ chức Nông Lương (FAO) của Liên Hợp Quốc giai đoạn II nhấn mạnh trong việc xây dựng mạng lưới các tổ chức sản xuất rừng và trang trại, mấu chốt là liên kết "nhà nông".

Tốt nghiệp loại giỏi, cử nhân sư phạm về xứ núi trồng rừng, phát triển chăn nuôi / Thủ tướng yêu cầu quan tâm đến trồng rừng, phát triển công nghiệp chế biến gỗ

Thúc đẩy chính sách cho tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất rừng và trang trại

Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình Hỗ trợ Rừng và Trang trại của Tổ chức Nông Lương (FAO) của Liên Hợp Quốc giai đoạn II (Chương trình FFF II), Hội Nông dân cho biết chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Các cơ chế, chính sách liên quan tới các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) được thúc đẩy thuận lợi hơn thông qua các diễn đàn liên ngành, đa ngành.

Khả năng kinh doanh, tiếp cận thị trường và tài chính của các THT, HTX được tăng lên thông qua chuỗi giá trị gắn với bình đẳng giới và cung cấp dịch vụ cho các thành viên...

“Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng mạng lưới các tổ chức sản xuất rừng và trang trại”.
Ảnh: Hoài Anh.

Từ năm 2021-2022, tại địa bàn 5 tỉnh thực thi Chương trình FFF II (Yên Bái, Bắc Kạn, Hòa Bình, Sơn La và Thái Nguyên), đã có 876 THT chính thức, 1.375 hộ thành viên liên kết được thành lập.

Chương trình đã tổ chức 7 cuộc hội thảo tập huấn tại 4 tỉnh nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ hội và thành viên THT, HTX về tác động của biến đổi khí hậu và các biện pháp giảm thiểu, thích ứng trong sản xuất nông lâm nghiệp, tham quan học tập các mô hình thành công.

Cùng với 6 lớp tập huấn sản xuất nông lâm nghiệp hữu cơ (NNHC) cho 169 học viên nông dân và xây dựng 9 mô hình canh tác hữu cơ (bưởi, rau, cây ăn quả, lúa, thảo dược), chương trình đã xây dựng thành công 19 mô hình sinh kế phát triển rừng và cảnh quan rừng thích ứng với biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai.

Đồng thời, xây dựng 3 mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng dựa vào cộng đồng, nhóm hộ trồng rừng, giao rừng cho cộng đồng dân cư tại tỉnh Yên Bái và Bắc Kan, tổng diện tích 357ha.

Qua đó, chương trình đã giúp các thành viên tham gia tiếp cận các dịch vụ văn hóa và xã hội được cải thiện và bình đẳng; hỗ trợ 19 THT, HTX xác định, duy trì, phát huy các dịch vụ văn hóa xã hội cho thành viên.

Các chương trình đào tạo đã đáp ứng nhu cầu của các HTX, THT, nông dân làm rừng và trang trại, tập trung nâng cao năng lực, theo tiến trình, từng giai đoạn phát triển của các THT, HTX, tổ chức sản xuất rừng và trang trại, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số.

“Đối với các THT, HTX, họ dần hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm, sự hợp tác, các thành viên cùng nhau góp vốn đầu tư kinh doanh, chế biến tăng giá trị.

Năng lực và kỹ năng cán bộ Hội Nông dân các cấp đang từng bước được nâng cao từ đó họ cung cấp dịch vụ tốt hơn cho các THT, HTX cũng như hội viên nông dân.

Chính quyền địa phương và các sở ban ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn, có nhiều cơ hội làm việc với nông dân, Hội Nông dân; nghe tiếng nói trực tiếp của nông dân”, báo cáo của Hội Nông dân nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong ngành

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hà, Ủy viên Ban chấp hành TW Hội Nông dân Việt Nam, Phó Giám đốc Chương trình FFF II cho rằng, chương trình đã nâng cao năng lực cho THT, HTX sản xuất rừng và trang trại về phát triển tổ chức, cách thức quản lý, sản xuất kinh doanh rừng và trang trại theo chuỗi hiệu quả.

Khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm lâm nông nghiệp, phát triển rừng bền vững, gia tăng giá trị từ rừng và cảnh quan rừng, đồng thời giúp các HTX, THT khai thác tiềm năng về dịch vụ văn hóa, xã hội của địa phương để cung cấp cho các thành viên và cộng đồng.

Đồng thời, tăng cường năng lực cho tổ chức nông dân để hoạt động hiệu quả, cung cấp dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ tốt hơn cho hội viên và tham gia vào quá trình xây dựng, thực thi, giám sát và phản biện chính sách ở cấp địa phương, quốc gia cũng như quốc tế.

Liên kết "nhà nông" là mấu chốt quan trọng trong xây dựng mạng lưới các tổ chức sản xuất rừng và trang trại.

“Liên kết trong sản xuất và kinh doanh luôn là hướng được khuyến khích phát triển của nhiều nước trên thế giới. Ngành sản xuất nông lâm nghiệp Việt Nam với đặc thù là ngành sản xuất quy mô nhỏ, manh mún, sản xuất theo kiểu truyền thống. Vì vậy, sự hợp tác, liên kết trong ngành càng cần thiết hơn bao giờ hết”, bà Hà nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Chương trình Chương trình FFF II, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định liên kết 6 nhà (nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà băng và nhà phân phối) là rất quan trọng.

“Để làm được điều này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong mối liên kết này, với kinh nghiệm của chúng tôi, liên kết “nhà nông” - liên kết các hộ nông dân với nhau, các tổ hợp tác, hợp tác xã là mấu chốt nhất. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân Việt Nam cũng như Chương trình FFF đang nỗ lực thực hiện trong những năm gần đây”, bà Hà khuyến nghị.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm