Thị trường

Chủ tịch tỉnh Bình Định: Doanh nghiệp xuất khẩu ‘không nên bỏ trứng vào một giỏ’

DNVN - Để ứng phó với mức thuế quan mới của Mỹ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Tuấn Anh khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng hóa thị trường, “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

Gần 800 du khách đến Bình Định bằng tàu hoả miễn phí / Trình UNESCO vinh danh di sản võ cổ truyền Bình Định

Ngày 4/4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn tổ chức “hội nghị bàn tròn” với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp, để đánh giá tình hình ảnh hưởng và đề xuất giải pháp ứng phó với chính sách áp thuế mới của Mỹ đối với các ngành hàng của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn trao đổi với doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn trao đổi với doanh nghiệp.

Theo chính sách thuế quan mới của Mỹ, từ ngày 5/4, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ và từ ngày 9/4, mức thuế “có đi có lại” cao hơn sẽ áp dụng cho hơn 60 quốc gia. Trong đó, Việt Nam chịu mức thuế 46%. Chính sách này còn kết hợp rào cản phi thuế quan và cáo buộc thao túng tiền tệ, trong đó Việt Nam bị nhắc đến liên quan đến chính sách tiền tệ.

Ngành chức năng tỉnh Bình Định và các doanh nghiệp cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh các mặt hàng dệt may, gỗ, sản phẩm gỗ, sản phẩm từ chất dẻo, giày dép.

Hiện có 33 doanh nghiệp tại Bình Định xuất khẩu sang Mỹ, trong đó có 20 doanh nghiệp gỗ nội ngoại thất, 12 doanh nghiệp may mặc và giày dép, 1 doanh nghiệp thủy sản.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 604 triệu USD, tăng 9,6% so với năm 2023, chiếm 34,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh (1,752 tỷ USD). Kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ ước tính 11,6 triệu USD, xuất siêu 592,4 triệu USD.

Theo các doanh nghiệp, việc Mỹ áp dụng mức thuế 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam sẽ tác động sâu rộng đến doanh nghiệp. Hiện nay, có một số đối tác đến từ Mỹ đã yêu cầu doanh nghiệp Bình Định đàm phán lại đơn hàng đã ký hoặc tạm hoãn việc ký kết đơn hàng mới.

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cam kết tiếp tục đồng hành để cùng vượt khó. Đồng thời khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh cần phải đa dạng hóa thị trường, “không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ”.

“Doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức lại sản xuất, tính toán phương án khai thác thị trường trong nước. Đồng thời chờ đợi chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc để tìm cơ hội đàm phán”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ Bình Định.

Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của ngành gỗ Bình Định.

Chủ tịch tỉnh Bình Định cũng đề nghị Sở Công Thương phối hợp với doanh nghiệp dệt may, gỗ, thủy sản mở rộng thị trường nội địa, nhất là với ngành gỗ vốn chủ yếu xuất khẩu mà chưa khai thác thị trường trong nước.

“Sở Công Thương cần theo sát diễn biến chính sách thuế chi tiết cụ thể đến từng ngành hàng, mặt hàng, để hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư vào tỉnh”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ tác động tiêu cực ngắn hạn đến kinh tế Việt Nam và Bình Định, đặc biệt với các ngành chủ lực như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản và nhựa giả mây.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để đa dạng hóa thị trường, tận dụng 17 FTA như EVFTA, CPTPP, RCEP, và hướng tới các thị trường Trung Đông, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi.

Doanh nghiệp được khuyến khích đầu tư công nghệ, chuyển đổi số, xanh hóa sản xuất, nghiên cứu phát triển để nâng cao giá trị gia tăng, giảm phụ thuộc vào Mỹ và vượt qua thách thức thuế quan trong dài hạn.


Kim Cương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm