Thị trường

Chủ tịch VCCI đề xuất thành lập hội đồng liên kết vùng kinh tế Bắc Trung bộ

Với mong muốn kết nối các doanh nghiệp trong vùng Bắc Trung Bộ, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề xuất thành lập hội đồng liên kết vùng. Hội đồng này sẽ định hướng chiến lược của hệ thống sinh thái vùng, hỗ trợ cho vùng phát triển mạnh mẽ.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: Bùi Tư

Ngày 18/10, Báo Diễn đàn doanh nghiệp tổ chức diễn đàn vai trò doanh nghiệp trong phát triển kinh tế vùng Bắc Trung bộ.

Số lượng doanh nghiệp chỉ chiếm 5,5% so với cả nước

Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, vùng Bắc Trung Bộ là khu vực có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Đây còn là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu văn hóa, sở hữu nhiều kỳ quan không chỉ của Việt Nam mà của thế giới.

Xét về vị thế địa chính trị, đây là điểm kết nối quan trọng, gắn kết Việt Nam với các nước như Lào hay Campuchia.

Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn cho rằng, hiện nay, khu vực này vẫn là “vùng trũng” của kinh tế đất nước, mặc dù đã có những dự án về công nghiệp như Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, dự án về nông nghiệp của TH True milk... với khoảng 40.000 doanh nghiệp, số hộ kinh doanh khoảng 300.000 hộ. Xét về dân số, vùng Bắc Trung Bộ chiếm 15% dân số cả nước nhưng số doanh nghiệp chỉ chiếm 5,5%, điều này thể hiện trình độ phát triển của doanh nghiệp khu vực này bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Đây chính là điểm nghẽn trong phát triển của vùng Bắc Trung Bộ.

Diễn đàn thu hút đông đảo doanh nghiệp đến tham dự và tìm hiểu cơ hội đầu tư. Ảnh: Bùi Tư

“Thiếu doanh nhân là nguyên nhân của sự kém phát triển của kinh tế, điều này đúng ở mọi nền kinh tế”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Điệp - Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, về cơ bản vùng miền Trung chưa đạt các mục tiêu, phương hướng đề ra trong Quyết định số 1114/QĐ-TTg, mặc dù cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ; thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán các năm trong giai đoạn 2016-2018.

Theo bà Điệp, yếu tố thể chế cho phát triển kinh tế các tỉnh miền Trung và phát triển toàn vùng còn thiếu, chưa đồng bộ, đặc biệt là thể chế phân cấp, quản lý kinh tế, thể chế liên kết vùng.

“Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung chưa thể hiện được vai trò là hạt nhân tăng trưởng, đàu tàu dẫn dắt kinh tế. Thu ngân sách chưa bền vững, thu từ tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết và thuế, phí chiếm tỷ lệ cao trong tổng số thu nội địa”, bà Điệp nhấn mạnh.

Bà Điệp cũng chỉ ra nguyên nhân vẫn còn những tồn tại yếu kém là do chất lượng, môi trường kinh doanh chưa cao, năng lực quản trị nhà nước, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều địa phương còn yếu.

Ngoài ra, các vấn đề ô nhiễm môi trường, giảm nghèo bền vững, đồng bào dân tộc vùng cao, các gia đình chính sách, thế mạnh kinh tế biển và tiềm năng phát triển du lịch và cửa ngõ ra biển của các hành lang Đông - Tây chưa được khai thác tốt... cũng là những điểm đáng chú ý.

Đầu tư phát triển mạng lưới logistics

Để phát triển tiểu vùng Bắc Trung bộ, bà Điệp chỉ ra 4 trụ cột chính. Trụ cột thứ nhất là phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, tập trung nâng cấp tuyến giao thông nội vùng, giao thông nông thôn để tăng cường liên kết nội vùng và liên vùng.

Trụ cột thứ hai làphát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển kết hợp với khai thác du lịch nhân văn - thế mạnh của vùng Bắc Trung Bộ.

Trụ cột thứ ba là đẩy mạnh phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó tập trung phát triển cảng biển nước sâu tại khu kinh tế Vũng Áng và các dịch vụ logistics.

Trụ cột thứ tư làphát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó phát triển ngư nghiệp, tập trung vào đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản...

Đóng góp ý kiến tại diễn đàn, ông Nguyễn Dung- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất, đối với chính quyền các tỉnh Bắc Trung Bộ, trước hết giải quyết vấn đề về hạ tầng thông qua việc tiếp tục xúc tiến xây dựng hệ thống giao thông ven biển các tỉnh Bắc miền Trung, phục vụ doanh nghiệp phát triển du lịch, phát triển các khu đô thị ven biển.

Đồng thời, nâng cấp, phát triển mạng lưới logistics tại các cảng biển phục vụ xuất khẩu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

Đối với giải pháp về chính sách, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề xuất xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực Bắc miền Trung. Theo đó, mỗi tỉnh đề xuất 3-5 cụm ngành, sản phẩm mà địa phương có thế mạnh để tham gia cụm liên kết và kêu gọi đầu tư.

Với mong muốn kết nối các doanh nghiệp trong vùng, Chủ tịch VCCIVũ Tiến Lộc đề xuất thành lập hội đồng liên kết vùng. Hội đồng này sẽ định hướng chiến lược của hệ thống sinh thái vùng, hỗ trợ cho vùng phát triển mạnh mẽ.

Ngoài ra, Chủ tịch VCCI cũng đưa ra gợi ý hằng năm hội đồng liên kết vùng có thể tổ chức các diễn đàn kinh tế vùng.

“Trong diễn đàn kinh doanh vùng hàng năm sẽ bàn sâu về chính sách, các bài học trong kinh doanh, làm thế nào để các tỉnh có thể cải thiện chỉ số PCI. Hơn nữa, thời điểm này, không còn là thời của các tỉnh cạnh tranh, giành nhau từng dự án, mà dự án thu hút của tỉnh này sẽ thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ của các tỉnh lân cận. Do đó, việc thành lập hội đồng liên kết vùng sẽ giúp hỗ trợ vùng kinh tế Bắc Trung Bộ liên kết hơn, phát triển hơn", ông Lộc nói.

Theo Bùi Tư/Thời báo tài chính Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo