Thị trường

Chủ tịch VINASME: Rất cần giải pháp, ý tưởng đẩy mạnh liên kết - hành động vì hàng Việt

DNVN - Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với tốc độ thâm nhập và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, để không bị thua ngay trên sân nhà, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong thời gian tới đạt được như kỳ vọng?


Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân đã trăn trở như vậy tại Hội thảo Khoa học "Đẩy mạnh liên kết - hành động vì hàng Việt" do VINASME tổ chức chiều 15/11/2019 tại Hà Nội.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân cho biết: Cách đây 10 năm, Bộ Chính trị đã phát động Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" (Cuộc vận động) và vừa qua, được sự đồng ý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động đã tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc 10 năm thực hiện Cuộc vận động và tiếp tục triển khai thực hiện trong thời gian tới với những yêu cầu đòi hỏi cao hơn, mạnh mẽ, sáng tạo và thiết thực hơn, tiến tới mục tiêu hàng Việt Nam chính phục người Việt Nam, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong nước, thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.

Theo người đứng đầu VINASME, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Cùng với sự tăng nhanh về số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân nước ta đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp tích cực vào việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động và các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.


Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân phát biểu khai mạc hội thảo.

"Với tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân, nhà sản xuất kinh doanh đã phát huy bản lĩnh trí tuệ Việt Nam, đi đầu trong thực hiện Cuộc vận động và đã có những đóng góp quan trọng, nâng tầm và dần khẳng định vị thế các sản phẩm hàng Việt Nam. Nhiều thương hiệu Việt không chỉ chinh phục thành công thị trường nội địa mà còn vươn xa, khẳng định chỗ đứng vững chắc ở thị trường nước ngoài, trở thành niềm tự hào Việt Nam", ông Nguyễn Văn Thân phát biểu.

Có được thành công trên, theo Chủ tịch VINASME phải kể đến vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà ở đó mỗi doanh nhân, doanh nghiệp đã mạnh dạn đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh; ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến vào sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên thị trường; điều tra, khảo sát, nắm chắc thị hiếu tiêu dùng và nhu cầu sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên thị trường; thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Văn Thân cho rằng, với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có trên 96% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm hơn 62%. Trong lĩnh vực bán lẻ, tỷ lệ này còn cao hơn. Hạ tầng bán lẻ như: chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh... tăng nhanh nhưng phân bố không đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn, trong khi thị trường rộng lớn ở nông thôn, miền núi mạng lưới chợ còn quá mỏng, việc bố trí quỹ đất cho phát triển hạ tầng thương mại tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức; các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tín dụng còn nhiều hạn chế, nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Không những thế, các doanh nghiệp bán lẻ nhỏ và siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh như khả năng tiếp cận với nguồn vốn, mức thuế và phí cao, thủ tục hành chính và các chi phí khác để tiếp cận đất đai khi mở chuỗi siêu thị, chi phí xin cấp phép xây dựng, xin cấp phép dựng biển quảng cáo, thuê mặt bằng kinh doanh do giá bất động sản cao... Đó chính là những khó khăn, trở ngại lớn làm hạn chế đến kết quả thực hiện Cuộc vận động thời gian qua.

"Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với tốc độ thâm nhập và mở rộng thị trường của các hãng phân phối nước ngoài tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đã gây sức ép rất lớn cho các nhà bán lẻ nội địa. Nhiều hàng hóa sản xuất trong nước bị suy giảm thị phần, thiếu vắng thương hiệu Việt Nam. Để không bị thua ngay trên sân nhà, một câu hỏi lớn đặt ra là làm thế nào để Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong thời gian tới đạt được kỳ vọng như mong muốn?", ông Nguyễn Văn Thân trăn trở.

Chủ tịch VINASME cho rằng, trả lời câu hỏi này về cơ bản phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ và hành động của cả hệ thống chính trị, trong đó có những nhà hoạch định chính sách, các cơ quan chức năng cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Với tư cách là thành viên của TW MTTQ Việt Nam, thành viên Ban Chỉ đạo TW Cuộc vận động, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Đẩy mạnh liên kết - hành động vì hàng Việt" với hi vọng tìm kiếm được những ý tưởng, mô hình mới, cách làm hay nhằm phát huy cao nhất được tiềm năng, sự sáng tạo và nguyện vọng được cống hiến của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.

Qua đó, ông Nguyễn Văn Thân đề nghị các đại biểu tham dự tập trung thảo luận, hiến kế, đưa ra các đề xuất, giải pháp, kiến nghị với Đảng, Nhà nước tập trung rà soát, ban hành, bổ sung các cơ chế, bãi bỏ các thủ tục hành chính còn chồng chéo, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa nội địa nhằm tạo điều kiện cho sản xuất, lưu thông phân phối hàng hóa và tiêu dùng. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp; tăng cường xây dựng các hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, nông thôn; sản xuất hóa, dịch vụ có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng, góp phần thực hiện thắng lợi Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".


Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo