Thị trường

CPI tháng 10 sẽ không biến động

Trong tháng 10/2019, dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ không có biến động nhiều.

Các siêu thị tăng nguồn cung sản phẩm từ thịt, giảm áp lực nhu cầu lên mặt hàng thịt lợn.

Các yếu tố được cho góp phần kiềm chế giá cả trong tháng này, đó là: nhóm giáo dục đã qua chu kỳ tăng giá do đã tăng cao nhất trong tháng trước; giá xăng dầu thế giới hiện đang giảm; giá thịt lợn có thể biến động nhưng được theo dõi sát sao; việc triển khai bước 3 đối với dịch vụ y tế sẽ thực hiện trong 2 tháng cuối năm…

Qua chu kỳ tăng giá, dự báo nhiều mặt hàng ổn định

CPI bình quân 9 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm trở lại đây là một trong những yếu tố tạo thêm dư địa cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát trong tháng 10 cũng như cả năm 2019.

Trong nhóm hàng lương thực, thực phẩm, đáng chú ý nhất mà mặt hàng thịt lợn. Thời gian gần đây, mặt hàng này vẫn đứng ở mức cao. Giá thịt lợn hơi tại thị trường miền Bắc tăng cao, ở mức khoảng 60.000 đồng/kg; tại miền Nam khoảng 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, trong khi mặt hàng thịt lợn tăng thì giá gia cầm lại giảm và giá các thực phẩm tươi sống khác ổn định.

Thị trường thóc gạo khá trầm lắng, về cơ bản giá thóc gạo diễn biến theo chiều hướng giảm do sản lượng xuất khẩu gạo thấp, xuất phát từ sự thay đổi về chính sách của một số nước là thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam. Thời tiết hiện đang khá thuận lợi nên mặt hàng rau quả cũng không có biến động, giá cả hiện ổn định.

Nhóm vật liệu xây dựng, giá thép giữ ổn định do nguồn cung dồi dào, nhu cầu xây dựng thời điểm này không cao, do đó không có sự biến động về giá. Giá xi măng cũng tương đối ổn định. Nhằm hỗ trợ giá bán cũng như ổn định lại thị trường xi măng, từ đầu quý III/2019, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước đưa ra chính sách giảm giá bán cho các đại lý khoảng từ 20.000 – 30.000 đồng/tấn.

Nhóm giáo dục trong tháng 8 có mức tăng cao nhất với 3,15%, làm CPI chung tăng 0,18% do có đến 50 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện lộ trình tăng học phí cho năm học mới. Qua chu kỳ tăng giá, nên dự báo trong tháng này, nhóm giáo dục sẽ không tác động nhiều lên mặt bằng giá cả nói chung.

Giá xăng dầu dự báo sẽ không biến động nhiều, khi những ngày gần đây giá thế giới giảm, làm giảm áp lực lên giá xăng trong nước.

Có kịch bản hàng tháng cho giá thịt lợn

Thị trường không có nhiều biến động, công tác điều hành giá cũng ngày càng đi vào nề nếp và hiệu quả hơn. Minh chứng là sự quyết liệt trong điều hành của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá; sự chủ động của Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương.

Riêng đối với giá thịt lợn - một mặt hàng gần như không thể thiếu trong bữa cơm gia đình người Việt - dự báo do thiếu hụt nguồn cung, sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới giá cả mặt hàng này. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kịch bản chi tiết, cụ thể về tình hình sản xuất, dịch bệnh. Đồng thời, phải có đánh giá sát từng tháng tình hình cung - cầu và phối hợp với Bộ Công thương có biện pháp bảo đảm nguồn cung cho tiêu dùng trong nước, tránh tình trạng tăng giá đột xuất. Các địa phương cũng phải vào cuộc, chỉ đạo đơn vị chức năng nắm rõ thông tin nguồn cung - cầu, sớm có kế hoạch tạo nguồn hàng, dự trữ bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Đối với những mặt hàng có thể giảm giá, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát để giảm giá. Với mặt hàng thuốc chữa bệnh cho người, trong kết luận mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh đấu thầu thuốc tập trung, để giảm giá thuốc; thực hiện nghiêm và quy trách nhiệm cho các tập thể, cá nhân trong quy trình đàm phán giá thuốc. Về đấu thầu thuốc và đàm phán giá thuốc, thời gian qua đã tác động làm giảm hơn 2.800 tỷ đồng, góp phần giảm chi tiêu cho người bệnh.

Theo ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Bộ Tài chính), CPI năm 2019 chỉ xoay quanh ở mức 3% do không còn nhiều mặt hàng tạo áp lực lên mặt bằng giá nói chung. Ví dụ như giá xăng, sau khi “làm mưa làm gió” vào thời điểm giữa năm 2018, sang năm 2019 giá xăng dầu không quá gây áp lực lên mặt bằng giá. Do đó, CPI sẽ được kiểm soát tốt và dự báo thấp hơn trong năm 2018. Trong 3 tháng cuối năm, dự báo nguồn cung gạo trong nước dồi dào, giá gạo không có nhiều biến động; nhu cầu mua sắm cuối năm không quá lớn do tâm lý người tiêu dùng đã thay đổi, không tích trữ hàng hóa dịp lễ, tết; chính sách tiền tệ được điều hành ổn định… là những yếu tố sẽ kiềm chế lạm phát, không gây sức ép lên mặt bằng giá.

Tại kỳ họp gần đây của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Ban Chỉ đạo đã thống nhất cho rằng, dự báo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2019 ở mức từ 3,3 - 3,5%. Đây là mức dự báo thấp hơn so với mục tiêu đề ra trước đó.

Theo Minh Anh/Thời báo tài chính Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo