Thị trường

Cú “sập sàn” kinh điển của một cổ phiếu, “dân chơi kỳ cựu” ôm đau thương

28 phiên giảm giá, 25 phiên giảm sàn liên tục của FTM đã cuốn phăng gần 84% giá trị cổ phiếu này, nhà đầu tư mắc kẹt không thể “thoát hàng” và đáng nói là tới 13 công ty chứng khoán, những đơn vị dày dạn kinh nghiệm “chinh chiến” có thể thiệt hại tới 200 tỷ đồng.

Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam / Giá xăng, dầu (19/9): Tiếp tục giảm mạnh

Cổ phiếu FTM đang trong chuỗi lao dốc thảm hại

Cổ phiếu FTM đang trong chuỗi lao dốc thảm hại

Cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân (Fortex) ngày hôm qua (19/9) tiếp tục giảm sàn xuống mức giá 3.980 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên giảm sàn thứ 25 của mã này và là phiên giảm giá thứ 28 liên tục.

Chuỗi giảm của FTM diễn ra từ ngày 12/8 đến nay từ mức giá 24.200 đồng xuống 3.980 đồng, tương ứng đánh mất gần 84% giá trị. Đáng nói là thanh khoản tại mã này rất yếu, trong vòng 1 tháng qua, khối lượng giao dịch bình quân chỉ đạt hơn 72 nghìn đơn vị/phiên và có phiên chỉ có 60 cổ phiếu được giao dịch (phiên 4/9).

Trong phiên hôm qua, FTM hoàn toàn trắng bên mua trong khi dư bán giá sàn vẫn cón hơn 4 triệu đơn vị. Những số liệu này cho thấy tình trạng bất lực của giới đầu tư khi muốn “thoát hàng” nhưng không thể bán ra.

Cũng trong hôm qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ra thông cáo cho biết, “cơ quan quản lý đã nắm được thông tin liên quan tới diễn biến cổ phiếu FTM của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân”.

Hiện tại, UBCKNN, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và các đơn vị chức năng liên quan đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật để xác minh, làm rõ thông tin.

Do sự việc mới đang trong quá trình triển khai nên chưa có thông tin chi tiết, cụ thể, nên khi có thông tin chính xác sẽ cung cấp kịp thời, đầy đủ tới các cơ quan thông tấn, báo chí theo quy định.

 

“Đây là sự việc nhận được sự quan tâm của thị trường và dư luận, do đó, lãnh đạo UBCKNN đã quán triệt tinh thần với các đơn vị chuyên môn là tiến hành một cách nghiêm túc, cẩn trọng, tuân thủ các quy định pháp luật và xử lý nghiêm nếu phát hiện các sai phạm” - theo nhận định từ UBCKNN.

Lãnh đạo UBCKNN cũng bày tỏ rất mong muốn nhận được sự phối hợp của các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền thông chính xác, kịp thời, minh bạch tới nhà đầu tư và thị trường.

Báo Đầu tư chứng khoán cho biết, hiện đã có hơn 10 công ty chứng khoán bị mất khả năng thu hồi vốn cho vay ký quỹ sau khi FTM bị mất thanh khoản. Các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay cầm cố cổ phiếu FTM đã không thể bán giải chấp thu hồi vốn dẫn đến thiệt hại ước tính lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất vốn đến 80 tỷ đồng.

Những diễn biến bất thường tại FTM đang đặt ra nghi ngờ về tình trạng làm giá cổ phiếu để rút tiền nhà đầu tư, đặc biệt là công ty chứng khoán.

Thông tin đưa ra tại một cuộc họp giữa một nhóm các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay ký quỹ với cổ phiếu FTM hồi đầu tháng 9, có 10 cá nhân mở tài khoản và có dư nợ margin lớn tại 13 công ty chứng khoán với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng. Các tài khoản này có hiện tượng bị kiểm soát giao dịch, giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo với cổ phiếu FTM trong giai đoạn trước.

 

Các công ty chứng khoán cho biết, các cá nhân có mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường - nguyên Chủ tịch HĐQT Fortex.

Đáng nói là chủ tài khoản không biết về các giao dịch đã được thực hiện trên tài khoản mang tên họ được mở tại các công ty chứng khoán nêu trên. Hầu hết các chủ tài khoản đều có địa chỉ cư trú tại Thái Bình và có liên quan trực tiếp tới ông Lê Mạnh Thường, cụ thể là người thân, bạn bè, nhân viên tại công ty FTM.

Theo Mai Chi/Dân trí
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm