Đắk Lắk: Sầu riêng Krông Pách hướng tới thị trường xuất khẩu
Chuyện lạ Đắk Nông, 36 cây sầu riêng thu 500 triệu đồng / Gia Lai: Trở thành triệu phú nhờ trồng bơ sầu riêng xen trong vườn cà phê
Phát huy lợi thế để phát triển bền vững cây sầu riêng trong những năm tới, chính quyền và nông dân huyện Krông Pách đang triển khai các bước canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo đạt các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Đây là các điều kiện cơ bản cho việc xuất khẩu chính ngạch sầu riêng ra thị trường nước ngoài.
Hoàn tất khâu trang hoàng nhà cửa để chuẩn bị đón năm mới, ông Bùi Bá Dũng, ở buôn Jung, xã Ea Yông, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk liền chạy xe ra rẫy sầu riêng trồng xen cà phê cách nhà 2km để thăm vườn và khởi động hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây.
Ông Dũng cho biết, được hướng dẫn của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pách, tháng 3/2019, 2ha sầu riêng của gia đình ông đã được gắn chíp điện tử truy xuất nguồn gốc.
Cùng với đó, thực hiện xuất khẩu sầu riêng theo đường chính ngạch, bản thân ông và nhiều người trồng sầu riêng tại đây đã tham gia các lớp tập huấn và thay đổi phương thức canh tác đảm bảo đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAp.
“Sầu riêng VietGap về lâu dài thì chi phí đỡ tốn hơn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo an toàn hơn. Không chỉ vậy, giá cả tốt hơn, thương lái mua tốt hơn. Ví dụ như vụ này, nhà tôi được giá cao, mà chăm sóc cũng ít sâu bệnh”, ông Dũng nói.
Ông Dũng tưới nước cho vườn sầu riêng bằng điều khiển từ xa. |
Việc thay đổi phương thức canh tác sầu riêng không chỉ nâng cao giá trị kinh tế, mà còn tạo nên một thế hệ nông dân dám làm lớn, nghĩ lớn, biết ứng dụng giống mới, công nghệ mới để vươn tới thành công.
Với 30 tấn thu được từ hơn 1 ha sầu riêng, anh Y Siên A Yun, buôn Jung 2, xã Ea Yông cho rằng đây là một kỳ tích mà 5 năm về trước anh không dám mơ tới. Ngôi nhà mới xây trị giá hơn 1 tỷ đồng là trái ngọt mà anh có được từ vườn sầu riêng của mình.
“Ngày xưa trồng sầu riêng không biết các kỹ thuật chăm sóc, cũng tưới nước, bỏ phân nhưng không biết dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh cho cây. Sau khi được tham gia các lớp tập huấn và học hỏi cách làm sầu riêng từ những người có kinh nghiệm thì tôi đã thành công. Hiện nay không cần hỏi ai nữa, tôi tự làm được hết rồi. Từ khi thay đổi phương thức canh tác sầu riêng cuộc sống khá hơn, sắm sửa được các vật dụng trong nhà”, anh Y Siên chia sẻ.
Ông Y Ngăt Niê, Chủ tịch Hội nông dân xã Ea Yông, huyện Krông Pách cho biết, hiện toàn xã có 900 ha cây ăn trái, riêng cây sầu riêng chiếm 700 ha, trong đó có trên 500 ha đã cho thu hoạch. Vụ 2019, toàn xã bán được hơn 7.500 tấn sầu riêng, thu về hơn 300 tỷ đồng.
Cũng theo ông Y Ngắt, dù giá sầu riêng không đạt đỉnh như niên vụ 2018, nhưng với mức giá từ 45.000 - 55.000 đồng/kg cũng đã mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều hộ trồng sầu riêng, giúp cho các buôn làng nơi đây vươn lên mạnh mẽ.
“Từ khi có sầu riêng đem lại sự phát triển cho bà con người Êđê, như cuộc sống gia đình anh Y Thơm, Y Siên đã khá hơn rất nhiều... Nhiều gia đình biết cách bón phân, thuốc bảo vệ thực vật nên sầu riêng tươi tốt. Nhiều hộ trong 1 ha có 15-20 tấn”, ông Y Ngắt cho hay.
Người dân Krông Pách thu hoạch sầu riêng. |
Đắk Lắk hiện có hơn 5.000 ha sầu riêng, trong đó riêng huyện Krông Pách có đến hơn 2.000 ha, chiếm gần 1/2 diện tích của toàn tỉnh. Tổng sản lượng sầu riêng niên vụ 2019 của huyện đạt 33.000 tấn đã mang về lợi nhuận kinh tế rất cao cho người nông dân.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pách cho biết, để chủ động đầu ra cho sản phẩm tiến tới phát triển bền vững mặt hàng sầu riêng, năm 2019 huyện Krông Pách đã phối hợp với các đơn vị và người dân làm được gần 400 ha có giấy chứng nhận VietGap và gần 400 ha được truy xuất nguồn gốc từ sản phẩm sầu riêng. Tuy rằng diện tích không lớn nhưng bước đầu cũng thay đổi ý thức, tư duy của người dân trồng cây ăn quả nói chung và cây sầu riêng nói riêng.
“Đối với sản phẩm sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pách được người tiêu dùng đánh giá rất cao. Chúng tôi sẽ cố gắng cùng với bà con để sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn đặt ra đối với thị trường và kỳ vọng sẽ được xuất khẩu trong năm 2020 và những năm tới”, ông Hoàng thông tin thêm.
Một mùa xuân nữa lại về trên vùng đất đỏ bazan huyền thoại, với sự thay đổi tư duy canh tác của người trồng sầu riêng và sự vào cuộc mạnh mẽ của ngành nông nghiệp huyện Krông Pách hứa hẹn cây sầu riêng sẽ mang đến những mùa vàng thực thụ, góp phần mang lại sự no ấm cho người dân nơi đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng thế giới ngày 21/11: Tăng liên tục ba phiên, chạm đỉnh một tuần
Giá ngoại tệ ngày 21/11/2024: USD tăng mạnh, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp
Dự án Aeon Mall Cần Thơ được chấp thuận
Đề xuất ưu tiên doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Chủ trung tâm hội nghị Gem Center, White Palace bị xử phạt
Giá heo hơi ngày 21/11/2024: Biến động trái chiều tại miền Trung và miền Nam