Thị trường

Đăk Lăk: Về hưu, cán bộ công an tỉnh lập nghiệp với HTX

Trước sự rớt giá của cà phê, nông sản, ông Y Căl Êban - Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công bằng Ea Kmat Hòa Đông (huyện Krông Pắc, tỉnh Đăk Lăk) đã nghiên cứu quy trình trồng cà phê hiện đại trên thế giới, áp dụng vào lối canh tác của đồng bào Êđê để nâng cao mức sống cho thành viên.

Y Căl Êban sinh năm 1957, dân tộc Ê Đê, là cán bộ công an tỉnh. Năm 1990, ông nghỉ hưu, trở về quê lập nghiệp. Y Căl luôn trăn trở vì sao ở vùng đất tươi tốt mà đồng bào mình vẫn nghèo khổ. Sau nhiều năm quan sát, Y Căl thấy nguyên nhân chính là do người dân còn sản xuất manh mún, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết.

Từ suy nghĩ đó, năm 2010, ông đã kêu gọi thành lập tổ Liên minh hợp tác Hòa Đông, EA Tu. Với mô hình này, sự liên kết của người dân vẫn rất lỏng lẻo. Năm 2014, ông đã vận động thành lập HTX Dịch vụ công bằng Ea Kmat Hòa Đông.

Sản xuất cà phê hiện đại

Ban đầu khi thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đồng bào vẫn có định kiến với HTX, họ lo rằng khi vào sẽ bị thu sổ đỏ. Tuy nhiên, Y Căl đã kiên trì giải thích cho các hộ dân, đây là HTX dịch vụ kiểu mới nên khi tham gia, các thành viên sẽ có điều kiện sản xuất lớn, áp dụng tốt hơn khoa học kỹ thuật và tranh thủ được thị trường, các hộ dân vẫn là chủ đất của mình.

Với sự giải thích tận tình cặn kẽ của Y Căl, ngay trong năm 2014 tại buôn Ea Kmat đã có 99 thành viên tham gia, trong đó 92 thành viên là người Ê Đê (chiếm 92%), 82 thành viên là nữ (chiếm 82%).

Ông Y Cal cho biết vai trò của HTX hiện nay thể hiện rõ nhất là trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. Nghiên cứu quy trình trồng cà phê hiện đại trên thế giới, ông Y Căl nhận thấy cách làm của họ có nhiều điểm tương đồng với lối canh tác của đồng bào Êđê trong buôn là hạn chế sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật.

Nếu kết hợp cách làm này với những ưu thế của quy trình sản xuất cà phê hiện đại là áp dụng KH-KT để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm thì sản phẩm làm ra sẽ bán được giá cao. Từ đó, ông vạch ra hướng đi cho HTX là nâng cao năng lực sản xuất cho nông dân, tạo sản phẩm chất lượng đủ tiêu chí xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Trên diện tích 144 ha, các thành viên đều thống nhất chung một quy trình sản xuất và đã được công nhận chứng chỉ Fairtrade (chứng chỉ do Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương Mại Công Bằng (FLO) cấp). Theo quy trình sản xuất này, khâu đầu tiên là cập nhật kỹ thuật mới, sau đó tập huấn cho các hộ dân, tiếp đến là cấp giống chất lượng cao, từ đó theo dõi cây từ trưởng thành ra hoa đến thu hoạch. Sau khi thu hoạch, cà phê được chế biến theo phương thức sản xuất hiện đại. Tiếp theo là khâu phân tích mẫu rồi mới đưa ra sản phẩm cuối cùng.

Ông Y Căl đã nghiên cứu quy trình trồng cà phê hiện đại trên thế giới, áp dụng vào lối canh tác của đồng bào Êđê

Phát triển thị trường

Khi đã chọn được mô hình sản xuất hợp lý, HTX thường xuyên mở lớp tập huấn KH-KT, dùng vốn tích lũy của HTX hỗ trợ phân bón vi sinh, hữu cơ 1 - 2 tấn/ ha/năm cho thành viên. Nhờ đó, năng suất cà phê của các hộ dân luôn ổn định ở mức 4 - 5 tấn/ ha, trung bình mỗi năm HTX thu được 500 tấn cà phê nhân có chứng nhận. Ngoài ra, HTX còn liên kết với nhiều hộ trong vùng sản xuất 297 ha cà phê theo tiêu chuẩn 4C (sản xuất cà phê sạch và bền vững).

HTX còn thuê các chuyên gia là kỹ sư từ Viện Nông lâm Tây Nguyên, Trường đại học Tây Nguyên… về tập huấn, tư vấn và giám sát. Bên cạnh đó, HTX cũng đầu tư mua máy móc hiện đại để sản xuất và chế biến cà phê. Cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, HTX nói chung và cá nhân Y Căl nói riêng còn chú trọng phát triển thị trường.

Năm 2015, Y Căl đã mạnh rạn bỏ tiền túi hơn 200 triệu đồng đi khắp các tỉnh trong cả nước rồi sang cả Indonesia, Trung Đông tìm hiểu và phát triển thị trường. Hễ nghe nơi nào chuẩn bị tổ chức triển lãm, hội chợ nông sản, ông Y Căl đều tập trung chuẩn bị để tham gia.

Với ông, mỗi phiên hội chợ là cơ hội vàng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm cà phê Việt. Ông Y Căl khẳng định: Muốn chinh phục thị trường thế giới, đầu tiên ta phải chuẩn bị sản phẩm cho thật chất lượng, đáp ứng đủ tiêu chí xuất khẩu đến những thị trường khó tính; tiếp đến là khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm.

Hiện nay, sản phẩm của HTX đã xuất khẩu tương đối ổn định tại Anh và một số nước Trung Đông. Nhờ vào HTX nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo bền vững, như hộ H’ Ven trước đây là hộ cận nghèo nay đã khá giả.

Theo Hoàng Lê/Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo