Thị trường

Đảm bảo nguồn cung cầu điện: 5000 doanh nghiệp trọng điểm đang có tác động như thế nào?

DNVN - Ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp trọng điểm đang sử dụng 34% lượng điện tiêu thụ. EVN kêu gọi và phối hợp với các doanh nghiệp trọng điểm cùng vận hành đồng bộ để đảm bảo nguồn cung cầu điện.

Giảm giá điện, tiền điện đợt 4 ước khoảng 2.500 tỷ đồng / Cho phép tư nhân tham gia đầu tư truyền tải điện: Cần có quy định để quản lý chặt giá điện

Ông Võ Quang Lâm cho biết, để đảm bảo chỉ ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, EVN đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Theo đó, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,4 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 4/5/2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có tính toán kỹ lưỡng về mức ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp liên quan đến việc tăng giá điện này.

“Theo tính toán của EVN, giá điện tăng 3% chỉ tác động hơn 0,1% tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước. Tăng giá điện sẽ tác động đến các ngành sử dụng nhiều điện như xi măng (0,45% chi phí tăng thêm), sắt thép (0,18% chi phi tăng thêm)”, ông Lâm cho biết.

Việc điều chỉnh 3% giá điện là cân nhắc rất kỹ của Chính phủ. Trong bối cảnh hiện nay, khi nền kinh tế và người dân đang rất khó khăn thì từng doanh nghiệp, người dân cần chia sẻ với nhau những khó khăn để cùng đồng hành vượt qua. Phía EVN cũng bằng nỗ lực của mình để đảm bảo cung đủ điện.

EVN phối hợp với doanh nghiệp trọng điểm để đảm bảo nguồn cung cầu điện.

Ông Lâm cho biết, chi phí đầu vào lớn nhất hiện nay của ngành điện là chi phí nhiên liệu. Ngành điện đang phải bám sát diễn biến của giá nhiên liệu trên thế giới, tăng cường công tác dự báo, cân bằng mọi phía để đảm bảo có giá thấp nhất.

Việc dự báo được nhu cầu sử dụng điện cũng là việc rất khó vì liên quan đến sự bảo đảm thông tin kinh doanh của các doanh nghiệp. Quá trình trao đổi thông tin với các doanh nghiệp để doanh nghiệp cung cấp nhu cầu sử dụng điện của họ cho EVN không dễ dàng.

“Hiện nay, Việt Nam có khoảng 5.000 doanh nghiệp trọng điểm đang sử dụng 34% lượng tiêu thụ điện. Chúng tôi kêu gọi và phối hợp với các doanh nghiệp trọng điểm này cùng vận hành cho đồng bộ nhu cầu về nguồn cung và nguồn cầu”, ông Lâm nhấn mạnh.

Đối với điện gió, ông Lâm cho biết, có một vấn đề không phù hợp với nhu cầu là khi vào cao điểm mùa khô, cao điểm nắng nóng như hiện nay thì khả năng phát điện của gió là thấp nhất.

Theo Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường, trong trường hợp biến động giá thành cao hơn giá thành Chính phủ cho phép thì EVN sẽ phải báo cáo Bộ Công Thương để Bộ báo cáo với Chính phủ xem xét điều chỉnh giá điện. Bất cứ điều chỉnh nào về giá điện đều phải được phép của Chính phủ.

Hiện nay, Việt Nam có biên độ tăng giá điện kéo dài nhất. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã hơn 4 năm mới điều chỉnh giá điện (kể từ tháng 03/2019). Các nước trong khu vực đã điều chỉnh nhiều lần giá điện trong năm 2021, 2022. Mức độ điều chỉnh giá điện của Việt Nam cũng thấp nhất so với các nước trong khu vực.

Phó Tổng giám đốc EVN khuyến cáo người dân sử dụng các biện pháp để giảm chi phí giá thành về điện thông qua việc sử dụng điện tiết kiệm, khoa học. Đặc biệt là khi sử dụng điều hòa, người dân đặt nhiệt độ điều hòa không dưới 26 °C, khu vực chiếu sáng khu vực công cộng cần giảm bớt điện thắp sáng, tận dụng ánh sáng tự nhiên…


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm