Dân vùng lũ cải thiện cuộc sống nhờ đánh bắt 'lộc trời cho'
Bí ẩn khả năng siêu nhiên của những động vật ít ai ngờ / Ngắm bộ sưu tập đồ sứ ngoại dát vàng của vua nhà Nguyễn
“Của trời cho”
Lũ đến, người dân vùng Đồng Tháp Mười lại tất bật chuẩn bị đồ nghề: Lọp, dớn, cần câu, ghe, xuồng,... đánh bắt “của trời cho”. Từ lâu, đặc sản mùa lũ được thị trường ưa chuộng, người tiêu dùng mua với giá cao nên đây được xem là mùa “ăn nên làm ra” của người dân vùng lũ.
Cá, cua, rắn,... - nguồn lợi thủy sản mang lại thu nhập đáng kể cho người dân vùng lũ.
Theo anh Nguyễn Văn Vẹn (xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), cá linh, lươn, chuột, rùa, rắn,... là những sản vật “trời phú” đặc trưng của vùng lũ. Đặc biệt, cá linh là loại cá chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong năm vào mùa lũ. Hiện loài cá này bắt đầu xuất hiện trên các cánh đồng ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu,... cá linh thịt ngọt, xương mềm, nhiều người ưa chuộng nên mỗi khi mùa lũ đến, người dân ở đây lại rủ nhau đi đánh bắt cá linh. “Cứ đầu mùa lũ là cả gia đình tôi chuẩn bị đặt lú bắt cá linh. Trung bình vài ngày, 10 miệng lú có thể bắt được vài chục kilôgam cá nếu trúng mùa. Với giá bán trên 100.000 đồng/kg như hiện nay, đến hết mùa lũ, kiếm được vài chục triệu đồng là chuyện bình thường. Không chỉ có cá linh, các loại cá khác: Rô, trê, lóc, bống, chạch hay ếch, lươn, chuột, rắn,... cũng được nhiều người đánh bắt bán cho các thương lái” - anh Vẹn cho biết.
Anh Ngô Bá Tòng (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) chia sẻ: “Mấy ngày nay, nước ở đầu nguồn đổ về và cao hơn bình thường. Với người dân ở đây, mùa nước về như tín hiệu ấm no, vì vậy nhiều gia đình đang hối hả chuẩn bị ghe, lưới đi đánh bắt cá, tôm,... Các loại cá nước, chim trời phía thượng nguồn thường theo nước lũ tràn về, nước càng nhiều, sản vật sẽ càng phong phú, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều người dân. Mùa lũ năm nay, ngoài giăng lưới bắt cá, tôi còn đặt cua để bán. Với 200 lọp, trung bình mỗi ngày tôi kiếm được 300.000 đồng”.
Lũ sớm, nước lên nhanh
“Lũ năm nay về nhanh, không kịp trở tay nên mất đứt mẻ dớn đón cá đầu nguồn” - ông Trần Văn Nghĩa (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) nói trong tiếc nuối.
Nông dân chuẩn bị dụng cụ để đánh bắt cá trong mùa lũ.
Ông Nghĩa là người có thâm niên trong nghề đặt lọp hơn chục năm. Theo ông, mọi năm, cá, tôm đầy đồng, con nước lớn nên chỉ cần một đêm thả lọp là sáng hôm sau phải gánh từng rổ về. Cá, tôm tươi ngon đem ra chợ bán một chút là hết, nhiều khi chưa kịp mang ra chợ đã bán sạch ở đầu ngõ. Trung bình 1 đêm, ông kiếm được vài triệu đồng. Tuy nhiên, năm nay lũ về sớm lại lên rất nhanh khiến cho việc đánh bắt cũng không thuận lợi. Bây giờ, cả gia đình ông với hơn 1.000 cái lọp giăng khắp từ đồng gần đến đồng xa nhưng thu nhập chỉ khoảng 1 triệu đồng/ngày. Ngoài làm lọp bắt cá, ông còn làm để bán cho người dân trong vùng. Trước đây, trung bình mỗi mùa lũ, ông bán được vài trăm cái nhưng năm nay số lượng bán ra ít hơn nên thu nhập giảm.
Nguồn lợi thủy sản mang lại thu nhập đáng kể cho người dân vùng lũ.
Theo anh Đỗ Văn Thiện (xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa), nghề đánh bắt cá mùa lũ thu nhập rất bấp bênh. Anh Thiện trầm ngâm: “Làm nghề này, mấy ai giàu có. Sau khi thu hoạch xong lúa Hè Thu, lũ về, nông dân không thể canh tác thì đành kiếm sống bằng nghề đánh bắt cá. Hễ đến mùa lũ, cha con tôi đặt lú, giăng lưới bắt cá. Được năm lũ lớn, chỉ vài con nước là kiếm cả chục triệu đồng. Còn năm nào lũ nhỏ, cá chạy ít thì kiếm cũng được dăm ba triệu đồng”.
“Những ngày qua, do đầu vụ nên giá cá, tôm cao. Trung bình mỗi ngày, cha con tôi kiếm được 500.000 đồng, đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình” - anh Thiện tâm sự.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
FPT mở thêm văn phòng tại Cần Thơ
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Thị trường nông sản: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục biến động