Đề xuất quản lý hoạt động thương mại điện tử với hàng hóa xuất, nhập khẩu
DNVN - Thương mại điện tử (TMĐT) là xu hướng tất yếu trong giai đoạn phát triển công nghiệp lần thứ tư của các nước trên thế giới và Việt Nam không thể đứng bên ngoài sự phát triển này. Bộ Tài chính đã và đang dự thảo Đề án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Kon Tum: Thu nhập 3 tỷ đồng/năm nhờ nuôi cá trên vùng đất ... cà phê / Trồng dưa trái vụ, nông dân Cẩm Lạc thu lãi hơn 10 triệu đồng/sào
Theo các số liệu thống kê, TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đóng góp 21% doanh thu tổng thương mại điện tử toàn cầu và tạo ra nhiều lợi ích cho cả người mua và người bán. Năm 2018 có 1,6 tỷ người trên toàn cầu mua sắm trực tuyến, dự kiến, năm 2019 kinh doanh thương mại điện tử toàn cầu ước tính 3,4 nghìn tỷ USD và con số này tăng lên 4,06 nghìn tỷ USD trong năm 2020.
Tại Việt Nam, sau hai mươi năm xuất hiện, Internet đã tác động sâu sắc và toàn diện tới kinh tế và xã hội. Sau giai đoạn hình thành và phổ cập, từ năm 2016 TMĐT nước ta đã bước sang giai đoạn phát triển. Theo số liệu công bố của Statista (Hãng nghiên cứu thị trường của Đức), năm 2018, doanh thu TMĐT Việt Nam đạt 2,269 tỷ USD và nằm trong top 6 nền TMĐT phát triển nhất năm 2018.
Qua báo cáo ba năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2019) về Chỉ số TMĐT Việt Nam (EBI) của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho thấy tốc độ tăng trưởng trung bình năm từ 25% đến 30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường TMĐT Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan.
Tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện các sàn TMĐT như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi, ... mà tốc độ tăng trưởng của các trang TMĐT này cao, điều này cho thấy người tiêu dùng Việt Nam không còn xa lạ trong việc mua hàng trên các sàn giao dịch TMĐT.
TMĐT phát triển là tất yếu, vì vậy các cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định cụ thể để thực hiện việc quản lý tránh trường hợp các bên tham gia giao dịch TMĐT muốn thực hiện đúng theo quy định nhưng không có quy định để thực hiện.
Với đặc điểm nổi bật của thương mại điện tử xuyên biên giới là thời gian để đưa ra các giao dịch là rất nhanh, thuận tiện trong việc thanh toán, nhận hàng do đó, cơ quan quản lý cũng cần thay đổi theo hướng đơn giản, nhất quán, minh bạch, không phân biệt và tìm ra những biện pháp quản lý nhằm giải phóng nhanh hàng hoá trong khi vẫn phải đảm bảo yêu cầu về tuân thủ pháp luật.
Bộ Tài chính cho rằng, hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu hiện nay đang chịu sự quản lý của Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính. Theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 15/5/2013 thì việc quản lý hoạt động TMĐT nói chung đang được Chính phủ giao Bộ Công Thương là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện, bên cạnh đó, trong việc quản lý đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu của hàng hóa đang được Chính phủ giao cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan).
Nhận thấy, việc nghiên cứu và đề xuất các giải pháp quản lý, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là cần thiết, cấp bách trong thời điểm hiện nay, vì vậy, tại Quyết định số 1254/QĐ-TTg ngày 26/9/2018 của Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu vào tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020 đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng “Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” với mục tiêu tìm được những giải pháp tốt nhất trong việc quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Mục tiêu của Đề án là đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu nhằm: Đảm bảo việc quản lý toàn diện của nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm đảm bảo việc kiểm soát chặt chẽ, đúng quy định pháp luật tránh việc lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để trốn thuế, vi phạm các chính sách mặt hàng, sở hữu trí tuệ, xuất xứ, vận chuyển hàng cấm vào Việt Nam và ngược lại.
Đối tượng điều chỉnh của Đề án gồm: Cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến hoạt động TMĐT: cơ quan hải quan, cơ quan thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành, cơ quan quản lý hoạt động TMĐT...; người mua hàng (tổ chức, cá nhân); người bán hàng; chủ các sàn giao dịch TMĐT; các doanh nghiệp thực hiện việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, doanh nghiệp là đại lý cho các sàn giao dịch TMĐT, website thương mại điện tử bán hàng, doanh nghiệp là đại lý làm thủ tục hải quan.
Đề án được chia làm 04 chương, trong đó Chương I tập trung nghiên cứu: khái niệm TMĐT, giao dịch TMĐT, thanh toán và nêu rõ các đối tượng trong giao dịch TMĐT.
Chương II tập trung vào nội dung thực trạng quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tại Chương này sẽ đề cập đến công tác quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại một số nước trên thế giới. Trọng tâm của Chương sẽ tập trung nghiên cứu công tác quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam, nêu rõ thực trạng, những bất cập, khó khăn, vướng mắc từ hoạt động thương mại điện tử của các đối tượng tham gia giao dịch đến công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, các cơ chế chính sách,…
Chương III là mô hình và giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Trên cơ sở thực trạng tại Chương II, Chương này tập trung nghiên cứu và đề xuất mô hình và giải pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo từng đối tượng tham gia hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam.
Chương IV là tổ chức thực hiện.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo