Điểm sáng thu hút FDI 2 tháng đầu năm
Dư địa hợp tác thương mại, công nghiệp với Australia còn rất lớn / Thanh trà đầu vụ được giá nhưng mất mùa
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 mới diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh chính yêu cầu tiếp tục tạo thuận lợi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; quyết liệt xử lý vướng mắc, tích cực hỗ trợ đẩy nhanh triển khai các dự án đầu tư; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án FDI.
Tại thời điểm này của năm ngoái thì đối với năm nay đã khác. Kết thúc tháng 2/2023, nhiều người không khỏi băn khoăn khi vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam giảm tới 38% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên năm nay, lượng vốn này đã lấy lại đà tăng. Tính đến ngày 20/02 vừa qua, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Một điểm đáng chú ý là chúng ta có tỉ lệ dự án mới rất cao, tăng hơn 55% so với cùng kỳ. Đây là cơ sở để kỳ vọng lượng vốn mới này sẽ tác động đến tăng trưởng của chúng ta trong những năm tới.
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm dến Việt Nam
Nhà đầu tư Hàn Quốc đang hoàn thiện nhà xưởng thứ 3 tại tỉnh Thanh Hoá với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD. Đây sẽ là dự án đưa vào vận hành nhanh nhất của công ty, giúp tăng gấp đôi sản lượng lắp ráp bộ dây điện cho các mẫu xe hơi đời mới của Hàn Quốc giữa năm nay.
"Chúng tôi đã sớm chọn được quỹ đất sạch, nhất là vị trí có hạ tầng giao thông được đồng bộ rất cao từ trục cao tốc mới, đến các cảng hàng không, cảng biển. Chính quyền cơ sở và tỉnh đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục đầu tư, thuê đất. Nhờ vậy chúng tôi có thể sản xuất kịp các đơn hàng đang tăng cao", ông Lee Kwang Ho - Tổng giám đốc Công ty TNHH THN Autoparts Việt Nam cho biết.
Tháng 2 vừa qua, Central Pattana - thương hiệu bất động sản bán lẻ lớn của Thái Lan đã lập pháp nhân tại Việt Nam. Động thái được đánh giá là bước mở rộng đầu tư sau khi tập đoàn mẹ thông báo sẽ rót thêm gần 1,5 tỷ đô la Mỹ vào thị trường bán lẻ Việt Nam trong giai đoạn đến năm 2027.
Số liệu của Tổng Cục Thống kê cũng cho thấy năm 2023, bán buôn - bán lẻ là một trong những lĩnh vực thu hút nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất của nước ta. Dẫn đầu về số giao dịch góp vốn mua cổ phần, tương ứng mức gần 42% số giao dịch.
Ông Matthieu Francois - Giám đốc Hợp danh, McKinsey Việt Nam nhận định: "Trong khu vực châu Á, Việt Nam nằm trong số các thị trường bán lẻ nhiều triển vọng lạc quan nhất mà chúng tôi quan sát, dù trong bối cảnh khó khăn đi nữa. Thu nhập của người tiêu dùng Việt ngày càng tăng, đặc biệt ở các khu vực ngoài các thành phố lớn. Vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng, chỉ là chúng ta sẽ phải chờ đợi lâu hơn để thị trường bật tăng trở lại".
Ngay tại thời điểm này, để chủ động tìm kiếm dòng vốn ngoại, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang chủ trì, tổ chức Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Hàn Quốc.
Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: "Mục tiêu là kết nối các dòng tài chính, các doanh nghiệp và các quỹ đầu tư tài chính của Hàn Quốc về đầu tư tại Việt Nam và tạo một niềm tin trong vấn đề các chính sách tài chính và pháp luật của Việt Nam chúng ta hết sức nhất quán, minh bạch".
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, những con số thu hút vốn ngoại của Việt Nam là rất tích cực, cho thấy niềm tin của nhà đầu tư ngoại với môi trường kinh tế vĩ mô ổn định và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua. Để tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại, 3 giải pháp đột phá đã được chỉ ra, bao gồm phát triển nguồn nhân lực, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và đặc biệt là hoàn thiện cơ sở hạ tầng.
Hoàn thiện hạ tầng để thu hút doanh nghiệp FDI
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: "Chúng ta tập trung tiếp tục hoàn thiện, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng quy mô lớn mà chúng ta đã đặt ra, và đặc biệt là triển khai ngay những văn bản hướng dẫn để thực hiện sớm được hiệu lực của Luật Đất đai mà chúng ta vừa mới được Quốc hội thông qua. Đây là điều không chỉ người dân Việt Nam mà cả các nhà đầu tư và các nhà đầu tư nước ngoài hết sức mong chờ và quan tâm. Bởi vì trong Luật Đất đai có nhiều điểm mới, tháo gỡ cho việc thúc đẩy thu hút đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh".
"Tỉnh Thanh Hóa cũng tiếp tục duy trì các chính sách và giải pháp để hỗ trợ nhà đầu tư đặc biệt hỗ trợ mở rộng các quỹ đất công nghiệp, hỗ trợ kết cấu hạ tầng, hỗ trợ đến chân hàng rào của dự án, để doanh nghiệp không chỉ mở rộng sản xuất kinh doanh từ tỉnh mà còn lôi kéo các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất của mình", ông Lê Minh Nghĩa - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá thông tin.
"Chúng ta cần quyết liệt hơn nữa trong công tác giải phóng mặt bằng các khu công nghiệp đã có Quyết định thành lập, sẵng sàng mặt bằng sạch để thu hút các nhà đầu tư. Thứ 2 là đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp như: điện, nước, giao thông.., tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến với Vĩnh Phúc", ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh.
Theo khảo sát gần đây được thực hiện bởi Eurocham, mức độ hài lòng của các nhà đầu tư châu Âu đã tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, hơn một nửa số doanh nghiệp được hỏi mong muốn bộ máy hành chính tiếp tục tinh giản. 45% ý kiến đề xuất tăng cường hệ thống pháp luật và môi trường pháp lý tại Việt Nam. Đây là những nền tảng cơ bản để chúng ta tiếp tục bứt tốc trên đường đua FDI. Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu năm, Chính phủ ban hành riêng Nghị quyết 02 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Và coi đây là trọng tâm ưu tiên.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - chìa khoá thu hút FDI
Trong 2 tháng đầu năm, các khu công nghiệp tại Hà Nội đã đón nhận 1 dự án FDI mới, với quy mô tương đối lớn, 66 triệu USD. Điểm đáng chú ý là thời gian giải quyết thủ tục hành chính được giảm rõ rệt.
"Có những thủ tục hành chính trước đây quy định là 13 ngày làm việc, thì giờ rút ngắn xuống còn 7 ngày. Đặc biệt trong năm 2023, cũng như dự án đầu năm 2024, sau khi có hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư, đã tiến hành cấp phép trong vòng 24 giờ", ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thông tin.
Còn với tỉnh Bắc Giang, ngay từ khi các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài có ý tưởng đầu tư, UBND tỉnh đã cho thành lập các tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ các điều kiện, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn.
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: "Thành lập các tổ công tác để thu hút các tập đoàn lớn. Từ đó sẽ thu hút các doanh nghiệp vệ tinh để tạo ra sản phẩm đồng bộ và hoàn thiện tại Bắc Giang".
Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá cao những cải cách của Việt Nam trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Hồng Huy - Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) cho biết
"Thể hiện rất rõ qua các chủ trương, chỉ đạo rất cụ thể của Chính phủ trong cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh bất hợp lý, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận và hấp thu nguồn vốn. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02 để cải cách môi trường kinh doanh. Đây là điều mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá rất cao".
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nhiều chính sách có tác động tích cực đến tăng trưởng, thu hút đầu tư như là Luật Đất đai, Luật Đấu thầu. Hay đơn giản hơn là các quy định về xuất nhập cảnh, các thủ tục, nội quy visa cũng tác động rất tốt đến tâm lý của nhà đầu tư khi đến Việt Nam.
Làm thế nào để thu hút và giữ chân các tập đoàn lớn trên thế giới đến đầu tư tại Việt Nam, nhiều người ví von đó là công cuộc "lót ổ đón đại bàng". Thực tế việc đi săn các "đại bàng FDI" không hề đơn giản. Nơi đó có sự cạnh tranh đến từ chính sách vĩ mô đến hành động vi mô, từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ, đến khâu thực thi tại từng địa phương. Để đón đầu dòng vốn chất lượng cao, Việt Nam đang xây dựng Chiến lược quốc gia và Đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn, với mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành đến năm 2030.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Dấu ấn 2024: Thúc đẩy hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới
Giá nông sản ngày 21/1/2025: Cà phê giảm nhẹ, hồ tiêu tiếp tục ổn định
Tạp chí The Global Economics vinh danh Home Credit
Tỷ giá ngoại tệ hôm nay 21/1: Ngân hàng điều chỉnh giảm giá bán USD, tỷ giá NDT tăng nhẹ
Giá vàng nhích nhẹ sau lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ của ông Donald Trump
Bình Dương 'khát' chung cư cao cấp