Thị trường

Doanh nghiệp than "không ở đâu chi phí logistics cao như Việt Nam"

Theo Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, hạ tầng giao thông còn yếu khiến chi phí logistics tăng cao đang khiến sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Giá vàng tại Việt Nam năm 2023 có thể vẫn duy trì ở mức cao / Bất động sản kỳ vọng được "tiếp sức" khi ngân hàng nới room

Phát biểu tại Diễn đàn Xuất khẩu 2022 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức chiều 8/12, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) Lý Kim Chi cho biết, TPHCM là nơi tập trung các doanh nghiệp sản xuất và chế biến, là thị trường tiêu thụ lớn, đầu mối xuất khẩu của cả khu vực phía Nam nhưng thực trạng kết nối, logistics còn nhiều vấn đề.

"So sánh với các nước trong vùng, chưa có ở đâu chi phí logistics cao như Việt Nam. Đường sá của chúng ta chưa đạt yêu cầu, kết nối vùng giữa TPHCM với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngoài một vài đường cao tốc thì rất yếu. Việc này làm cho chi phí logistics tăng cao, khiến sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu rất khó khăn", bà Chi phát biểu.

Ngoài ra, tỷ lệ tổn thất nông, thủy sản sau thu hoạch ở mức rất cao trong bối cảnh khâu chế biến, dự trữ, bảo quản nông sản kém vì thiếu hệ thống kho lạnh. Bà Chi dẫn số liệu khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ sở hữu khoảng 30% số lượng kho lạnh của phía Nam.

Chủ tịch FFA cho biết do việc xây dựng kho lạnh tại vùng nguyên liệu rất tốn kém, nên cần có giải pháp từ Nhà nước để thúc đẩy hình thành và phát triển chuỗi kho lạnh, kho bảo quản. TPHCM có thể liên kết với các tỉnh để có chính sách hỗ trợ về tiền thuê đất, lãi vay, quy trình cấp phép đối với các dự án kho lạnh.

Song song đó, một vấn đề khác theo bà Chi việc liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến thực phẩm tại TPHCM và vùng nguyên liệu ở những địa phương đồng bằng sông Cửu Long còn chưa phát huy tiềm năng vì các thông tin về diễn biến, dự báo thị trường, nguồn cung ứng, nhu cầu, chất lượng, giá cả còn rời rạc, thiếu và không kịp thời. Một thực tế khác là tình trạng thiếu cơ sở thông tin dữ liệu để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng.

Doanh nghiệp than không ở đâu chi phí logistics cao như Việt Nam - 1

Toàn cảnh Diễn đàn Xuất khẩu TPHCM ngày 8/12 (Ảnh: ITPC)

Vì vậy, bà đề xuất TPHCM kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đứng ra làm đầu mối xây dựng bộ cơ sở dữ liệu dùng chung giữa TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khi đó dữ liệu chính xác, kịp thời, đồng bộ, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tính toán được nguồn hàng, giá cả, xây dựng vùng nguyên liệu hiệu quả đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường nước ngoài.

Cũng tại diễn đàn, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng đánh giá nhiều doanh nghiệp vẫn còn ngại xuất khẩu nông sản sang các thị trường lớn như Mỹ vì cho rằng tiêu chuẩn rất khó. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm xuất khẩu trái cây của công ty mình, ông Tùng cho rằng tiêu chuẩn vào thị trường Mỹ dù cao, nghiêm ngặt nhưng luật chơi rất rõ ràng, doanh nghiệp nếu tuân thủ được thì sẽ có cơ hội.

Ông Tùng đánh giá nếu nói về tiêu chuẩn khó, cả thế giới đều khó, kể cả thị trường Trung Quốc vốn được nhiều người quan niệm là dễ tính. Theo ông, hàng nông sản bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch có thể dễ chứ xuất chính ngạch cũng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn của nước này.

Do đó, doanh nghiệp, người nông dân cần thay đổi quan điểm ngay từ lúc sản xuất, trồng trọt, làm thế nào để sản phẩm của mình đủ phẩm chất để bán ở đâu cũng được, dù là Trung Quốc hay Mỹ.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm