Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản liêu xiêu, gồng mình chờ tín hiệu lạc quan trở lại sau “bão” Covid-19
TP.HCM: Hoa hậu Thu Thảo bị phát hiện mua hơn 5.000 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu về để bán online / Doanh nghiệp FDI duy trì sản xuất trong mùa dịch
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản “liêu xiêu” vì dịch
Đồng Nai hiện có nhiều loại cây ăn trái chủ lực với diện tích thuộc tốp đầu cả nước như: chuối hơn 10 ngàn ha, xoài gần 12 ngàn, sầu riêng gần 7 ngàn ha… Trong đó, 60-80% các loại cây ăn trái trên xuất khẩu tươi sang thị trường Trung Quốc. Cao điểm thu hoạch của các loại cây ăn trái trên từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm.
Từ đầu tháng 2/2020 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp điêu đứng, trong đó ngành nông sản xuất khẩu như: mít, xoài, thanh long vốn là thế mạnh kinh tế hàng đầu của tỉnh bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu nông sản gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã xoài Suối Lớn (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) cho biết, xoài vùng này rộ vụ thu hoạch vào cuối tháng 3, đầu tháng 4 đúng thời điểm Trung Quốc tạm đóng cửa khẩu vì dịch Covid - 19 bùng phát.
Điều này khiến thương lái không thể thu mua thể xuất khẩu được, nhu cầu tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng giảm theo, nhiều nhà vườn vì thế mà để xoài chín rụng đầy vườn.
“Nhiều nông dân trắng tay trong vụ thu hoạch này. Hiện Trung Quốc mở cửa nhập hàng trở lại nhưng nguồn xoài các nơi vẫn dồi dào nên giá bán ra vẫn đứng ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây”, ông Bảo xót xa.
Nhiều thương lái chuyên thu mua xoài tại Đồng Nai cho hay, nếu như giá xoài cát Hoà Lộc năm ngoái bán tại vườn trên dưới 50.000 đồng/kg thì nay chỉ chưa đến 15.000 đồng/kg; xoài Thái, Đài Loan còn chưa đến 10.000 đồng/kg; thậm chí xoài ba mùa mưa chỉ còn chưa đến 3.000 đồng/kg.
Không khá hơn giá xoài, vụ thu hoạch năm nay giá hạt điều cũng trượt dốc kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây với mức từ 16.000 - 18.000 đồng/kg (giảm cả chục ngàn đồng/kg so với mức bình quân mọi năm), khiến nông dân trồng điều phải bù lỗ sai cả năm chờ thu hoạch.
Ông Hoàng Văn Đức, nông dân trồng điều tại huyện Cẩm Mỹ so sánh: “Tôi đang thuê công thu hoạch điều là 220.000 đồng/ngày. Với mức giá bán dưới 20.000 đồng/kg, nông dân mất 25kg hạt điều để trả cho 1 ngày công thu hoạch. Tuy vụ này năng suất điều đạt cao hơn năm ngoái nhưng nông dân vẫn đang lỗ tiền công chăm sóc và thu hoạch”.
Chủ một doanh nghiệp chế biến điều tại Xuân Lộc cho biết từ tháng 2/2020 đến nay, doanh nghiệp này đã tạm đóng cửa ngừng hoạt động vì không cầm cự được trước khó khăn.
Theo chủ doanh nghiệp này, suốt thời gian qua, ngành chế biến, xuất khẩu điều gặp quá nhiều khó khăn. Cả năm qua, doanh nghiệp hầu như không có lợi nhuận, nhiều đợt thua lỗ vì giá điều xuất khẩu giảm mạnh, đơn hàng ngày càng ít. Nguyên nhân doanh nghiệp này ngưng hoạt động cũng vì từ đầu năm 2020 hầu như không có đơn hàng xuất khẩu, tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng giảm sút.
Số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt điều đạt trên 36,8 triệu USD, giảm hơn 35,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân xuất khẩu hạt điều trong quý I giảm mạnh là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng chung đến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, trong đó giảm mạnh nhất ở thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc. Xuất khẩu cao su cũng giảm 24% về lượng và giảm gần 15% về trị giá.
Hy vọng xuất khẩu lạc quan trở lại sau dịch
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp, cơ sở chế biến nông sản nói chung, trái cây tươi nói riêng trên địa bàn Đồng Nai hiện đang gặp khó khăn trong việc ổn định sản xuất.
Ông Đào Danh Huy, Giám đốc một công ty xuất khẩu trái cây tại huyện Long Thành cho hay: “Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn và doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng. Cái khó của các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay không phải không có thị trường tiêu thụ mà chính là người dân ở các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 không họp chợ hay đi mua sắm tiêu dùng nên hàng xuất đi bán không được. Chẳng hạn như thị trường Trung Quốc, từ tháng 2 đến nay đã giảm gần 90% lượng xuất”.
Theo ông Huy, chính khó khăn này, đã làm phát sinh hàng loạt các chi phí không đáng có. Cụ thể, để giữ chân công nhân và tạo mối quan hệ mua bán lâu dài với người trồng cây, doanh nghiệp xuất khẩu phải tiến hành thu mua trái cây đề phục vụ chế biến.
Khổ nỗi hàng làm ra nhiều, nhưng xuất khẩu không phải được phải đưa vào bảo quản, điều này khiến tiền điện của công ty tăng lên rất nhiều.
Nhiều doanh nghiệp chế biến điều cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay hầu như không có đơn hàng xuất khẩu, tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng giảm sút.
“Sản xuất hàng hóa nhiều nhưng không có thị trường tiêu thụ, cũng đồng nghĩa với việc đồng vốn vay của các doanh nghiệp xuất khẩu bị “đóng băng” không thể sinh lãi và đẩy nhiều doanh nghiệp vào cảnh nợ quá hạn, nợ xấu và mất khả năng thanh toán. Nếu tình trạng này còn kéo dài, Đồng Nai sẽ có hàng loạt doanh nghiệp phải tuyên bố phá sản vì nợ nần. Ngừng hoạt động thì người dân không biết cung cấp nông sản cho ai, còn tiếp tục duy trì thì doanh nghiệp phải “còng lưng” gánh thêm hàng loạt chi phí phát sinh mà không có khoản lợi nhuận nào có thể bù đắp nổi!”, ông Huy khẳng định.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng thị trường xuất khẩu nông sản sẽ khởi sắc khi dịch Covid - 19 được kiểm soát, ông Phạm Thanh Đồng, Giám đốc HTX thương mại, dịch vụ, nông nghiệp Quyết Tiến (huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ, thời gian gần đây, hoạt động giao thương với Trung Quốc đã có dấu hiệu khởi sắc, thương lái bắt đầu thu mua lại (dù chưa nhiều) các mặt hàng trái cây như: chuối, xoài, thanh long...để xuất khẩu.
Ông Phạm Thanh Đồng cho lời khuyên, hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc hiện nay đang dần hồi phục, nhu cầu về mặt hàng thực phẩm, trong đó có trái cây tươi của thị trường này rất lớn.
Tuy nhiên, xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch vẫn đang bị siết chặt và dễ dàng bị đóng cửa. “Doanh nghiệp, thương lái nên đầu tư để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch qua các cửa khẩu bằng đường biển sẽ ít rủi ro bị đóng cửa khẩu như các tuyến đường bộ”, ông Đồng nói.
Cùng quan điểm, ông Phạm Văn Tuấn, chủ Doanh nghiệp tư nhân Tuấn Sang (huyện Trảng Bom) hoạt động trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu hạt điều chia sẻ, các doanh nghiệp trong ngành chế biến hạt điều đều gặp khó khăn nhưng vẫn nỗ lực duy trì sản xuất chờ thị trường xuất khẩu khởi động trở lại.
“Doanh nghiệp vẫn cố gắng mua điều cho nông dân nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là về nguồn vốn. Mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để duy trì hoạt động” - ông Tuấn nói.
Theo ông Lê Văn Lộc - Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT và các địa phương trong tỉnh tổ chức đánh giá, rà soát về sản lượng các loại trái cây trên để có giải pháp ứng phó kịp thời, hạn chế thiệt hại cho nông dân. Trong thời gian qua, Sở Công thương cũng đã tổ chức cuộc họp các trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh nhằm kết nối với các đơn vị phân phối đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng, để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trong thời gian này, tỉnh yêu cầu các địa phương, sở, ngành liên quan cần phải nắm bắt cụ thể khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ.
Đồng thời cắt bớt các thủ tục hành chính không cần thiết, giúp doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh. Nếu cần thiết, phải kiến nghị các bộ, ngành trung ương đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay
End of content
Không có tin nào tiếp theo