Doanh thu tăng trưởng, thị trường bán lẻ tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, mặc dù giá hàng hóa trong tháng có biến động tăng nhưng tình hình thị trường giữ ổn định, nguồn cung hàng hóa được bảo đảm nên hoạt động thương mại dịch vụ tiếp tục tăng so với tháng trước.
Tính chung 10 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,8%), nhờ thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kích thích tiêu dùng của người dân.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, tại thị trường châu Á, ngành bán lẻ Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao bởi thu nhập bình quân đầu người tăng, kinh tế vĩ mô phát triển và hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết hứa hẹn sẽ mang lại điểm sáng nhất định.
Hơn nữa, hệ thống bán lẻ trong nước đã hỗ trợ tích cực cho các sản phẩm, hàng hóa nhờ tác động từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chính vì vậy, tỷ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, nhất là siêu thị được duy trì ở mức cao. Đơn cử, Coopmart từ 90 - 93%; Satra 90 - 95%; Vinmart 96%; Big C 90%... Tỷ lệ hàng Việt tại các chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên.
Thị trường đang là môi trường phát triển thuận lợi của các mô hình bán lẻ hiện đại, với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các điểm mạnh của mô hình truyền thống. Cùng với đó, sự rời đi của nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đã nhường miếng bánh thị phần cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước như Saigon Co.op mua lại chuỗi bán lẻ Auchan, VinCommerce (chủ đầu tư chuỗi Vinmart) mua lại hệ thống Shop & Go…cho thấy sức cạnh tranh mạnh mẽ của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước.
Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Savills, giai đoạn từ nay đến năm 2021, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng (10%/năm), cửa hàng tạp hóa hiện đại (9%/năm) và hàng may mặc (6%/năm).
Tuy nhiên, với xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, nhiều doanh nghiệp bán lẻ ngoại không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng tại thị trường hấp dẫn này cũng đặt ra thách thức đối với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa trong việc giành lại thị phần.
Theo ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền sản xuất và tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp cận những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp bứt phá, tận dụng các cơ hội nâng cao năng lực sản xuất.
Đáng lưu ý, Việt Nam là một thị trường rất tiềm năng của thị trường bán lẻ với lượng dân số lớn, trẻ và ưa thích kết nối. Hơn nữa, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, thu nhập gia tăng... là những yếu tố thuận lợi hỗ trợ tăng trưởng thị trường bán lẻ. Đây chính là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ tận dụng sự phát triển của công nghệ, đi tắt đón đầu, cạnh tranh thành công với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.
Để đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương tích cực triển khai Đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp mạng lưới phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng định hướng cho doanh nghiệp hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp cải thiện chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh.
Đặc biệt, tới đây Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ hàng Việt để cung cấp đầy đủ hàng hóa, tăng sức mua cho khu vực này, góp phần tăng trưởng thương mại nội địa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
HoSE xem xét huỷ niêm yết bắt buộc đối với Thiên Nam TNA
Xăng dầu tăng giá mạnh, RON 95 lên sát 21.000 đồng/lít
Đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp Canada với thị trường Việt Nam
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất