Thị trường

Đơn giản hóa điều kiện, yêu cầu sản xuất, kinh doanh hóa chất

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất.

VEPR: Tăng trưởng GDP năm 2021 có thể giảm 1-1,5% / Bức tranh kinh tế Việt Nam 7 tháng đầu năm 2021

Ảnh minh họa
Bộ Công Thương cho biết, sau 4 năm thực hiện, Nghị định số 113/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi bổ sung để phù hợp tình hình thực tiễn.

Cụ thể, về điều kiện, yêu cầu sản xuất, kinh doanh hóa chất:Theo quy định tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp và Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp gồm nhiều nội dung trong đó có hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất. Hồ sơ huấn luyện nói trên gồm nhiều tài liệu, bao gồm: Bằng tốt nghiệp của giảng viên, bằng chứng về kinh nghiệm hoạt động an toàn hóa chất, giáo trình về huấn luyện an toàn hóa chất... gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Do vậy, để giản tiện cho doanh nghiệp, dự thảo đề xuất thay thế hồ sơ huấn luyện an toàn hóa chất bằng bản sao Quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hóa chất. Đồng thời dự thảo cũng bổ sung quy định Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp có thời hạn hiệu lực là 5 năm.

Theo Bộ Công Thương lý do của đề xuất này nhằm: Đơn giản hóa hồ sơ xin cấp Giấy phép sản xuất kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh hóa chất sản xuất kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệp mà không ảnh hưởng đến hiệu lực quản lý nhà nước. Bổ sung quy định về thời hạn Giấy phép theo Điểm đ Khoản 1 Điều 17 Luật Hóa chất và Điểm e Khoản 5 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung “Các trường hợp miễn trừ Giấy phép sản xuất, kinh doanh hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp” gồm:

1. Hoạt động pha loãng, phối trộn hóa chất tạo thành hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp để đưa vào quá trình sử dụng, sản xuất sản phẩm, hàng hóa khác của chính tổ chức, cá nhân.

 

2. Thành phần hóa chất trong hỗn hợp chất thuộc Danh mụchóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực công nghiệpcó hàm lượng trong hỗn hợp chất nhỏ hơn 0,1%.”

Tăng cường huấn luyện an toàn hóa chất

Về huấn luyện an toàn hóa chất và diễn tập Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất:Tại Nghị định số 113/2017/NĐ-CP, chương trình huấn luyện an toàn hóa chất hiện nay chưa quy định nội dung thực hành. Do đó, khi xảy ra sự cố hóa chất, nhiều tổ chức, cá nhân bị động, không ứng phó kịp thời dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản và ảnh hưởng đến môi trường.

Vì thế, dự thảo bổ sung quy định: Hàng năm các cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương trong trường hợp cơ sở hóa chất có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhưng dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.

Nội dung thực hành tại cơ sở hoạt động hóa chất gồm: Nhận biết, thao tác đặc tính nguy hiểm và thực hành quy trình xử lý một số sự cố hóa chất điển hình. Thời gian thực hành tối thiểu là 4 giờ…

 

Việc bổ sung các bài tập thực hành tình huống nhằm tăng cường chất lượng huấn luyện an toàn hóa chất đúng với thực tế, tránh các trường hợp lúng túng khi sự cố hóa chất xảy ra trong thực tế, gây hậu quả nghiêm trọng.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm