Đồng Nai: Vị giám đốc phủ xanh đồi hoang bằng giống trái cây đặc sản
Là nông dân sản xuất giỏi, phủ xanh khu đồi hoang gần chục hécta bằng nhiều giống trái cây đặc sản cho lợi nhuận tốt, đến nay, ông Chí đã xây dựng cho mình căn nhà khang trang với phía trước là đường nhựa rộng, phía sau là khu đồi trái cây. Cả chục hécta đồi được chia thành nhiều khu, nơi trồng xoài, nơi trồng cam, quýt. Ông cho làm đường bê tông từ nhà lên tận ngọn đồi cao để tiện cho việc thu hoạch, vận chuyển trái cây.
Cải tạo đất hoang
Bỏ sức cải tạo đất hoang, thời gian đầu, người dân tại đồi Sabi chỉ trồng điều, khoai mì (sắn) vì nơi đây khó khăn về nguồn nước. Ông Chí là một trong số những nông dân đi đầu trong chuyển đổi sang trồng cây xoài ở vùng đất này. Thấy cây xoài phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng trái ngon nên nhiều người chuyển đổi theo.
Vùng đồi Sabi khô cằn dần được chuyển thành những khu vườn rẫy cây trái xanh tươi, nhiều hộ dân đã thoát nghèo nhờ trồng cây ăn trái. Ông Chí cho biết: “Vùng đất đồi từng bị bỏ hoang này hiện được phủ xanh bởi cây ăn trái như: Quýt, bưởi, xoài... nhờ những đôi tay lao động không ngại khó, ngại khổ. Lớp nông dân đầu tiên về đây khai hoang đã thành công khi bắt mảnh đất cằn sinh sôi những mùa trái ngọt. Giờ vùng đất khó này không thiếu những triệu phú, tỷ phú nông dân”.
Những mùa thu hoạch đầu tiên, người dân nơi đây rất vất vả tìm nguồn tiêu thụ nông sản. Giá trái cây tươi bán ra thường thấp hơn những vùng khác vì đây là vùng đất xa xôi, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn.
Để chủ động hơn về đầu ra cho cây ăn trái, ông Chí đã đầu tư xe tải, mở vựa thu mua nông sản cho nông dân trong vùng, tự đóng trái cây tươi xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc. Ông cũng là người đứng ra thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp cây ăn trái Đồi Sabi để liên kết nông dân, chủ động hơn trong việc mua chung, bán chung.
Cuối năm 2018, Giám đốc Lại Hồng Chí cùng một số thành viên của Liên minh HTX tỉnh Đồng Nai đã có chuyến đi Trung Quốc để tìm hiểu thị trường và bạn hàng. Ông đã đi các khu chợ đầu mối, gặp gỡ các đối tác bên Trung Quốc để tìm hiểu kỹ hơn những tiêu chuẩn, yêu cầu mới của họ trong giai đoạn hiện nay. Theo ông Chí, các đối tác Trung Quốc hiện đều yêu cầu trái cây nhập khẩu vào nước họ phải làm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận chất lượng.
Đáp ứng yêu cầu xuất khẩu
“Hai đoàn doanh nghiệp Trung Quốc về khảo sát vùng nguyên liệu xoài tại HTX và đặt một số đơn hàng xoài tươi nhưng số lượng ít và yêu cầu HTX phải làm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận, nhãn hàng. Hiện, trái xoài Đài Loan vẫn xuất được vào Trung Quốc nhưng sản lượng giảm hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước”, ông Chí cho biết thêm.
Do đa số nông dân Việt Nam vẫn chưa thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cũng như chứng nhận chất lượng cho mặt hàng này, nên trái xoài vẫn phải xuất theo đường tiểu ngạch. Vì vậy, khi Trung Quốc siết lại việc nhập khẩu qua đường này, lập tức giá xoài bị ép giảm xuống mức chưa từng thấy nhiều năm nay.
Vì thế, ông và các thành viên HTX bắt tay vào triển khai việc sản xuất theo hướng an toàn; làm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trái cây. Ông cũng tiếp tục vận động các thành viên tham gia chuỗi sản xuất an toàn vì chỉ liên kết các thành viên không đủ mà các HTX cũng cần bắt tay nhau để xây dựng được những vùng nguyên liệu đáp ứng yêu cầu cả về sản lượng và chất lượng cho thị trường xuất khẩu.
Từng được coi là “vùng đất chết”, vì ngay cả những cây dễ tính nhất như cây mì, cây điều… cũng không cho thu hoạch, đến nay, vùng đồi Sabi không còn một tấc đất bị bỏ hoang mà được phủ xanh bởi cây ăn trái.
Đó là cả một quá trình nỗ lực của ông Chí và các thành viên HTX, lấy phát triển sản xuất làm trọng tâm, phấn đấu đưa tất cả các mặt hàng nông sản vào chuỗi liên kết, có doanh nghiệp là đầu tàu, phát triển HTX để tập hợp nông dân…
End of content
Không có tin nào tiếp theo