Dự báo ngành Ngân hàng năm 2019 có mức tăng trưởng cao hơn năm trước
Theo nguồn tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kết quả cuộc điều tra “Xu hướng kinh doanh” mới nhất do NHNN tiến hành vào tháng 9/2019, tình hình kinh doanh năm nay tiếp tục có cải thiện tốt, các tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng kết quả kinh doanh năm nay tăng cao hơn so với năm trước, huy động vốn đến cuối năm nay kỳ vọng tăng trưởng cao hơn so với cuối năm 2018.
Mức độ rủi ro của các nhóm khách hàng giảm, tình hình xử lý nợ xấu của các TCTD từng bước được cải thiện
Các TCTD đánh giá mức độ rủi ro tổng thể của khách hàng trong quý III/2019 có xu hướng giảm so với quý II/2019. Ở thời điểm cuối quý III/2019, 80,39% TCTD đánh giá rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức ”bình thường”; 15,69% TCTD nhận định rủi ro ở mức ”thấp”. Nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục được nhận định tiềm ẩn rủi ro cao nhất trong các nhóm khách hàng, nhưng mức độ rủi ro được đánh giá đã có xu hướng giảm so với quý trước. Trong khi nhóm khách hàng được đánh giá có rủi ro thấp nhất là các TCTD.
Dự báo trong quý IV/2019, 79,4% TCTD kỳ vọng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng “không thay đổi”; 12,8% TCTD quan ngại rủi ro “tăng nhẹ”; 7,8% TCTD kỳ vọng rủi ro “giảm”. Dự báo tổng thể năm 2019 so với năm 2018, các TCTD đã có sự điều chỉnh kỳ vọng theo hướng tích cực hơn với 60% TCTD nhận định rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng ở mức “ổn định”, 20% TCTD dự báo “giảm”.
Tình hình xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD từng bước được cải thiện với 27,6% TCTD nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của đơn vị mình “giảm” trong quý III/2019 và 28,9% TCTD kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu sẽ “giảm” trong Quý IV/2019 (cao hơn tỷ lệ tương ứng 27,4-26,9% ghi nhận tại kỳ điều tra tháng 6/2019).
Dư nợ tín dụng kỳ vọng tăng trưởng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 4,39% trong Quý IV/2019 và tăng 13,06% trong năm 2019, điều chỉnh giảm 0,42% so với mức kỳ vọng tại kỳ điều tra trước (nhưng vẫn cao hơn mức tăng thực tế 12,45% của năm 2018).
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý IV/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019, đã điều chỉnh giảm 0,72% so với mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước (thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018). Các TCTD liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% xuống còn 13,61% (tháng 9/2019), gần sát với mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019.
Năng lực tài chính của TCTD được đánh giá là cải thiện tích cực
Kết quả điều tra cho thấy, tình hình kinh doanh quý III/2019 theo nhận định của các TCTD tiếp tục có cải thiện rõ nét hơn so với quý II/2019 (76,5% TCTD nhận định tình hình kinh doanh cải thiện tốt hơn, trong đó 20,6% là ”cải thiện nhiều”). Dự kiến trong thời gian tới, 82,3% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ ”cải thiện” trong quý IV/2019 và 87,1% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 ”cải thiện” hơn so với năm 2018, trong đó 28,4-29,7% TCTD kỳ vọng “cải thiện nhiều” (cao hơn so với tỷ lệ 20-27,4% ghi nhận tại cuộc điều tra tháng 6/2019).
Dự kiến đến cuối năm 2019, 91% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương so với năm 2018, 3% TCTD kỳ vọng không đổi và 6% TCTD lo ngại suy giảm.
Các nhân tố khách quan và chủ quan được các TCTD đánh giá là có cải thiện hơn so với quý trước. Trong các nhân tố khách quan thì “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD” tiếp tục được đánh giá là cải thiện tốt hơn các nhân tố khác; trong các nhân tố chủ quan, “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của TCTD” và “Năng lực tài chính của TCTD” được đánh giá là cải thiện tích cực nhất trong quý III/2019.
Dự kiến cho năm 2019, hầu hết các TCTD thống nhất nhận định và kỳ vọng 2 nhân tố chủ quan “Năng lực tài chính của TCTD” cùng với “Chính sách và dịch vụ chăm sóc khách hàng của các TCTD” và nhân tố khách quan “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” sẽ tiếp tục được cải thiện rõ nét nhất. Tuy nhiên, nhân tố “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của TCTD” trong năm 2019 được đánh giá có dấu hiệu cải thiện với tốc độ chậm lại so với năm 2018.
Nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm dịch vụ tài chính – ngân hàng tiếp tục được nhận định tăng trưởng tích cực trong Quý III/2019, nhưng mức tăng thấp hơn so với kỳ vọng. Nhu cầu vay vốn tiếp tục được nhận định ở mức cao hơn nhu cầu thanh toán, thẻ và nhu cầu gửi tiền. 68-73% TCTD kỳ vọng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng (vay vốn, gửi tiền, thanh toán và thẻ) sẽ gia tăng trong quý IV/2019 và trong cả năm 2019 so với năm 2018.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng tại thời điểm cuối quý III/2019 tiếp tục ở trạng thái “tốt” đối với cả VNĐ và ngoại tệ. Dự báo trong quý tới và cả năm 2019, 45,6%-55% TCTD kỳ vọng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục cải thiện đối với cả VND và ngoại tệ. Dự báo cho năm 2020, 58% TCTD kỳ vọng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng tiếp tục cải thiện so với năm 2019.
Phần lớn các TCTD cho biết đã giữ ổn định (72%) hoặc điều chỉnh tăng nhẹ (20%) giá bình quân các sản phẩm, dịch vụ trong Quý III/2019. Dự kiến Quý IV/2019, cả năm 2019 và cả năm 2020, có tương ứng 74%; 59% và 60,6% TCTD dự kiến giữ “ổn định”; 3%; 6,9% và 7,1% TCTD dự kiến điều chỉnh “giảm” giá bình quân sản phẩm dịch vụ.
Theo kết quả điều tra, 22,55% TCTD cho biết ở thời điểm hiện tại (tháng 9/2019) đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc và 59,7% TCTD dự kiến tuyển thêm lao động trong Quý IV/2019. Tính đến cuối năm 2019 so với cuối năm 2018, 62,8% TCTD cho biết đã hoặc sẽ tuyển thêm lao động (thấp hơn tỷ lệ dự kiến 64,6% đưa ra tại cuộc điều tra tháng 6/2019); 28,4% TCTD dự kiến giữ nguyên số lượng lao động và có 8,8% TCTD dự kiến cắt giảm lao động.
Nhật Xuân
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Sản phẩm phục vụ thị trường ngày ông Công, ông Táo ưa chuộng 'combo'
Xuất khẩu cá ngừ cần động lực để tăng tốc trong năm 2025
Buồn vui với sản phẩm phục vụ Tết
Kiện toàn giải pháp thanh toán chạm: VPBank “xanh hóa” để bảo vệ môi trường
Người dân cần tỉnh táo trước thực phẩm không rõ nguồn gốc trong dịp Tết
Giá ngoại tệ ngày 23/1/2025: USD phục hồi nhẹ sau chuỗi ngày giảm