Đừng để COVID-19 cản đà cải thiện môi trường kinh doanh
Úc xác định doanh nghiệp ống thép Việt Nam không bán phá giá / Qatar nới lỏng quy định đầu tư nước ngoài
Tại hội thảo về cải cách môi trường kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa tổ chức, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho hay dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực rất lớn tới cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp gắn liền với nguồn nguyên liệu rộng lớn như ngành thủy sản. Và trong bối cảnh khó khăn, vai trò của cải cách điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính rất quan trọng.
Chùng xuống vì dịch?
Theo đó, trong tuần qua, đại diện VASEP cho biết đã gửi 2 văn bản tới Chính phủ, bộ ngành để kiến nghị về các giải pháp phục hồi sản xuất kinh doanh. "Muốn phục hồi sản xuất để một ngành hàng không bị "chết yểu, đứt gãy", thì hàm lượng quy định cải cách hành chính, kinh doanh chiếm tỷ trọng lớn, chỉ sau vấn đề vắc xin", ông Nam nói.
Việc ưu tiên chống dịch COVID-19 được xem là số 1 thì cải cách môi trường kinh doanh cũng cần được xem là ưu tiên số 2. |
Vì vậy, ông Nam kiến nghị Chính phủ cần đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn về cải cách thủ tục hành chính. Dù có thể không ưu tiên nhất trong giai đoạn này, nhưng cũng cần đưa cải cách môi trường kinh doanh là ưu tiên thứ hai sau phòng chống dịch COVID-19.
Đồng thời, VASEP cũng mong muốn trong bối cảnh này, các cơ quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), CIEM góp tiếng nói nhiều hơn giúp cộng đồng doanh nghiệp trong việc giải quyết các vướng mắc về thủ tục hành chính.
"Không phải doanh nghiệp yếu kém hay không nói được tiếng nói của mình, mà các "mắt xích" của tổ chức phát triển như CIEM, VCCI rất quan trọng", ông Nam chia sẻ.
Đánh giá về quá trình cải cách thủ tục hành chính giai đoạn vừa qua, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI), nhìn nhận Việt Nam đã có nhiều chương trình cải cách điều kiện kinh doanh diễn ra quy mô lớn như chương trình bỏ toàn bộ điều điện kinh doanh cấp thông tư năm 2016, đồng thời chuyển toàn bộ thông tư lên Nghị định. Kết quả của chương trình này khó có thống kê đầy đủ nhưng đã có hàng nghìn điều kiện kinh doanh được bỏ, thay đổi, chuẩn hoá. Đây là nỗ lực lớn để thực hiện Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi năm 2014.
Chương trình thứ hai phải kể tới là rà soát, cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh năm 2018. Đây là chương trình để các Bộ, ngành đơn giản hoá điều kiện kinh doanh. Cùng với đó là mục tiêu nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam gắn liền với Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 nhằm đưa Việt Nam vào tốp 4 ASEAN...
Vì vậy, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho rằng xu hướng cải cách này cần phải được tiếp tục duy trì, đẩy mạnh, dù trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp.
Băn khoăn về chất lượng thực thi
Thêm vào đó, ông Tuấn lưu ý, điều quan trọng của cải cách môi trường kinh doanh là chất lượng thực thi. Một số bộ ngành cho rằng chỉ ban hành văn bản là xong nhưng người dân, doanh nghiệp cần hiệu quả trên thực tế.
"Thời gian qua, vẫn xảy ra tình trạng kế hoạch, chương trình hành động nào cũng hay, những ngôn từ đẹp nhất đều được sử dụng, nhưng trên thực tế là nhà đầu tư, doanh nghiệp có được thụ hưởng trực tiếp hay không thì có sự khác biệt lớn giữa trên giấy tờ và thực tiễn", do vậy, đại diện VCCI cho rằng chất lượng thực thi cải cách mới là thước đo cuối cùng của thành quả cải cách.
Gắn bó với quá trình này nhiều năm qua, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM, nhìn nhận chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Tuy nhiên, cá nhân ông thấy còn nhiều việc chưa làm được. Cụ thể, một số bộ trưởng, lãnh đạo địa phương vẫn chưa thực sự quan tâm đến cải cách. Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, quá trình cải cách cũng có sự chùng xuống.
Theo đó, ông Cung cho rằng cải cách môi trường kinh doanh cần có tư duy tiến cùng thời đại, áp dụng bảng xếp hạng quốc tế để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh cũng phải được ban hành liên tục, kế thừa, năng động, quyết đoán để tạo áp lực cải cách.
Về định hướng cải cách trong thời gian tới, nguyên Viện trưởng CIEMđề xuất cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, đẩy mạnh Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Thêm vào đó, những điểm mới là trọng tâm của cải cách thể chế là tính đồng bộ thị trường, phân bổ sử dụng hiệu quả nguồn lực theo nguyên tắc thị trường để loại bỏ cơ chế xin - cho.
Theo ông Cung, mục tiêu cắt giảm 1/3 danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là dư địa có thể làm được trong giai đoạn tới, để Việt Nam có được thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của thế giới.
Trong đó, ông Cung đặc biệt nhấn mạnh tới việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nhất là cần xây dựng cộng đồng những người khởi nghiệp. Hiện nay, địa phương nào cũng có hệ sinh thái nhưng không có đội ngũ đông đảo người khởi nghiệp cũng như quá trình thu hút vốn vào khởi nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
"Chúng ta cần phải dứt khoát, mạnh dạn bỏ các thủ tục hành chính để thu hút vốn đầu tư vào khởi nghiệp, sáng tạo. Từ đó, khuyến khích các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển hơn nữa", ông Cung nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024