Thị trường

FED tăng lãi suất và sự ảnh hưởng tới chứng khoán Việt Nam

Ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư S-Talk đã có những chia sẻ quan điểm về tác động của việc FED tăng lãi suất tới thị trường chứng khoán và cơ hội đầu tư.

Hàng trăm doanh nghiệp lữ hành Hàn Quốc xem xét lên kế hoạch đưa khách du lịch tới Đà Nẵng / Tận hưởng khuyến mãi “khủng” trong Chương trình kích cầu du lịch “Enjoy Đà Nẵng”

Mới đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ FED kết thúc kỳ họp 2 ngày và chính thức tăng lãi suất cơ bản 0,25% lần đầu tiên sau 4 năm. Công cụ tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát là khá phổ biến trong suốt 30 năm qua. Tuy đã chứng minh là khá hữu hiệu, nhưng thường sau đó để lại những hệ lụy không mong muốn. Nếu nền kinh tế được ví như cơ thể sống, mọi biến động xảy ra như chiến tranh, dịch bệnh hay lạm phát đều được coi là hành động và sự thay đổi của cơ thể, thì việc áp những biện pháp giống như đi bác sỹ để chữa bệnh vậy. Có nghĩa là lạm phát không hẳn bắt nguồn từ việc bơm tiền mạnh suốt 2 năm qua, mà còn bởi nhiều yếu tố khác như chi phí đẩy tăng cao, nhu cầu hàng hóa sau đại dịch tăng,....Lạm phát là không tốt, nhưng thực sự nó không nguy hiểm cho nền kinh tế bằng giảm phát. Chính vì vậy, việc áp dụng các chính sách tăng lãi suất, đồng nghĩa với việc kiềm chế kích thích tăng trưởng luôn tiềm ẩn nguy cơ giảm phát sau này.

FED sau nhiều tháng cân nhắc rồi mới quyết định tăng lãi suất ở mức độ thấp nhất có thể là 25 điểm phần trăm. Điều này một mặt trấn an giới đầu tư, làm ổn định các thị trường như Chứng khoán, hàng hóa, BĐS và trái phiếu, mặt khác cũng đưa ra thông điệp kiên quyết chặn đà tăng thẳng đứng của lạm phát. FED cũng đã rất rõ ràng trong chính sách khi dự kiến sẽ tăng 7 lần trong năm nay, 3 lần trong năm 2023 để đưa lãi suất cơ bản lên mức 2,5%-3,0%. Việc tăng lãi suất theo kiểu nhỏ giọt vậy là tốt hay xấu? Cái gì cũng có hai mặt, tăng nhanh, sốc, chấp nhận sự ảnh hưởng lên TTCK ngắn hạn, rồi cân bằng trở lại, cũng là một ý kiến. Nhưng nếu tăng kiểu mang tính ổn định, thận trọng nhưng lại tăng nhiều lần cũng có rủi ro "thuốc" yếu, không làm lạm phát giảm được, gây ra những tâm lý bất ổn lơ lửng kéo dài trên đầu của giới đầu tư. Cho nên việc thông điệp sẽ tăng 10 lần nữa tổng cộng trong 2 năm tới chưa hẳn sẽ trở thành hiện thực. Biết đâu FED sẽ "quay xe", sẽ có ít lần tăng hơn nhưng vẫn đảm bảo đạt được mục tiêu đưa lãi suất cơ bản lên ít nhất 2,5%.

Tăng lãi suất sẽ tác động đến những gì đầu tiên? Đầu tiên là thị trường Trái phiếu, rõ ràng rủi ro các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sẽ có khả năng vỡ nợ, trả nợ chậm. Tiếp đến là thị trường Bất động sản. Đa số thị trường BĐS là đầu cơ bằng tiền vay, một khi lãi suất tăng cao sẽ làm giảm tính hấp dẫn của dòng tiền đầu cơ. Ngoài ra, việc tăng lãi suất cũng ảnh hưởng chi tiêu của một số nước (ngoại trừ Việt nam) do văn hóa người dân có thói quen chi tiêu bằng tín dụng. Bên cạnh những mặt tiêu cực này, tăng lãi suất cũng có những mặt tích cực như đẩy giá trị đồng dollar Mỹ lên, làm cho những nước xuất xuất khẩu vào Mỹ có lợi hơn. Tăng lãi suất về cơ bản cũng sẽ kiềm chế được lạm phát khi giá trị đồng tiền được chú trọng hơn, các nhà băng có cơ hội thu hút được tiền nhàn rỗi trong dân nhiều hơn. Từ đó lại có cơ hội chuyển ngược vào sản xuất kinh doanh.

FED tăng lãi suất và sự ảnh hưởng tới chứng khoán Việt Nam - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hồng Điệp - Giám đốc CTCP Tư vấn đầu tư S-Talk

Đối với TTCK thì chúng ta phải phân biệt thật rõ ràng 2 bức tranh khác nhau. Dù thế giới phẳng, mọi biến động của chứng khoán Mỹ đều sẽ tác động lên toàn cầu, nhưng dù sao TTCK Việt nam vẫn có những nét riêng và bước đi khác. Nhất là Việt nam luôn có độ trễ trong khoảng 6-8 tháng. Tôi tin rằng lãi suất trong năm 2022 của Việt nam chưa thể thay đổi ngay vì lý do Chính phủ đang chú trọng bơm tiền phục hồi kinh tế sau dịch. Tỷ giá cũng chưa thể là mối lo do dự trữ ngoại hối của chúng ta đang rất dồi dào, đủ sức cân được bài toán ít nhất trong năm nay. Nhưng sang năm 2023 sẽ lại là câu chuyện khác, sẽ có những tác động phức tạp hơn. Xét về mặt điểm số cũng như tổng thể, TTCK Việt nam vẫn đang trong một chu kỳ tăng trưởng, một trend lớn mà đỉnh có thể ở vùng xấp xỉ 2.000. Kênh đầu tư chứng khoán gần như vẫn là kênh được ưu tiên, có tính hiệu quả nổi trội so với các kênh đầu tư khác.

Từ những phân tích trên, có thể đưa ra những dự báo như sau:

1. TTCK Việt nam sẽ ít bị ảnh hưởng bởi nhiều đợt tăng lãi suất của FED trong năm 2022. Những ảnh hưởng nếu có chỉ mang tính tâm lý nhất thời, và thường đó lại là cơ hội mua vào khi giảm sâu.

2. Một số lĩnh vực sẽ bị tác động tiêu cực trong dài hạn như các doanh nghiệp có nợ vay lớn, có kế hoạch triển khai mở rộng sản xuất muộn.

3. Nhiều lĩnh vực vẫn có cơ hội tận dụng tốt trong hoàn cảnh lãi suất tăng lên. Đầu tiên có thể kể đến là nhóm Ngân hàng, nơi trung chuyển của dòng tiền. Kế đến là các nhóm có số dư tiền mặt cao như Bảo hiểm, dịch vụ bán hàng (bao gồm cả bán lẻ và bán sỉ). Nhóm Bất động sản có dự án đã được triển khai từ trước, đang trong giai đoạn bán hàng cũng có thể hưởng lợi lớn.

 

4. Bắt đầu từ cuối năm nay cho đến hết năm 2023 sẽ ngấm dần việc tăng lãi suất. Biên lợi nhuận của một số doanh nghiệp sẽ bị giảm.

Nếu tin tưởng vào những dự báo trên, hành động của NĐT là gì? Theo tôi tại những thời điểm có tính chất hơi loạn lạc như hiện nay, phải vô cùng tỉnh táo và quyết liệt hơn trong các hành vi của mình. Nếu trước đây chúng ta có thể yên tâm nắm giữ cổ phiếu của một số doanh nghiệp tăng trưởng trong một chu kỳ tương đối dài, thì bây giờ cần phải rút ngắn các chu kỳ đó xuống hoặc phải review thường xuyên hơn danh mục đầu tư của mình. Lợi nhuận kỳ vọng cũng nên có những sự thay đổi trong năm 2022-2023 dù Index có thể tăng lên 2.000 điểm. Phòng thủ, quản trị rủi ro kỹ hơn, cắt lỗ và chốt lời nhanh hơn, đó là những hành động cần thiết vào lúc này.

Tôi vẫn khá lạc quan với TTCK Việt nam trong năm 2022, dù biết rằng thị trường sẽ ngày càng khó hơn, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, đòi hỏi tri thức đầu tư cao hơn. Thay đổi đế thích ứng mới có thể tiến lên, mới có thể thành công trong đầu tư.

https://cafef.vn/fed-tang-lai-suat-va-su-anh-huong-toi-chung-khoan-viet-nam-2022031817391214.chn
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm