FiinRatings: Thắt chặt cá nhân tham gia trái phiếu doanh nghiệp là hợp lý
Giá dầu phục hồi nhẹ sau một tuần giảm sâu / Tăng cường hợp tác 'xanh' Việt Nam - EU
Chủ trương hạn chế nhà đầu tư cá nhân là hợp lý
Giới chuyên gia dự báo, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) sẽ sôi nổi hơn khi bước sang quý 4 do nhu cầu vốn của doanh nghiệp phục hồi trong bối cảnh thị trường bất động sản bắt đầu ấm dần cũng như nhu cầu mở rộng sản xuất kinh đang tích cực theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Trong khi đó, ở góc độ pháp lý, Dự thảo Luật sửa đổi Luật Chứng khoán sửa đổi nhiều quy định quan trọng liên quan đến TPDN riêng lẻ; trái phiếu phát hành ra công chúng như: sửa quy định về nhà đầu tư (NĐT) cá nhân chuyên nghiệp, dự kiến cấm cá nhân đầu tư TPDN riêng lẻ, bổ sung quy định TPDN phát hành ra công chúng phải có tài sản bảo đảm.
Dự thảo đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo; dự kiến được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV diễn ra từ 21/10 đến 30/11.
Liên quan đến vấn đề hạn chế NĐT cá nhân, Điều 11 dự thảo quy định: NĐT chứng khoán chuyên nghiệp tham gia mua, giao dịch, chuyển nhượng TPDN riêng lẻ là tổ chức, ngoại trừ TPDN riêng lẻ do tổ chức tín dụng phát hành.
Theo đó, Dự thảo luật đề xuất nhà đầu tư cá nhân không tham gia thị trường TPDN riêng lẻ, ngoại trừ trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành.
Bàn luận về chủ trương hạn chế nhà đầu tư cá nhân, công ty xếp hạng tín nhiệm FiinRatings đánh giá, việc hạn chế sự tham gia của NĐT cá nhân được như hiện nay vào thị trường trái phiếu riêng lẻ là một chủ trương hợp lý, bởi trái phiếu riêng lẻ bản chất có tính chuẩn hóa không cao và phần lớn dựa trên sự đàm phán, thỏa thuận. Những NĐT tổ chức là định chế tài chính có khả năng xử lý các rủi ro từ TPDN riêng lẻ tốt hơn.
Dẫn thông lệ tại một số nước châu Á, FiinRatings cho biết, tại Trung Quốc, NĐT cá nhân hầu như không tham gia sở hữu trực tiếp TPDN. Thay vào đó, họ đầu tư qua việc ủy thác và mua chứng chỉ quỹ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ.
Ngoài ra, tại Thái Lan, tỷ lệ tham gia của NĐT cá nhân ở mức cao do áp dụng định nghĩa NĐT giàu có “High-net-worth investors” (có tài sản ròng 30 triệu bath, tương đương khoảng 22 tỷ VND trở lên; thu nhập hàng năm ít nhất 2,2 tỷ đồng) hoặc tổng danh mục chứng khoán 8 triệu bath, tức khoảng 6 tỷ đồng).
"Để hạn chế sự tham gia của NĐT cá nhân chuyên nghiệp, Việt Nam nên sớm rà soát những hạn chế đầu tư và phân bổ tài sản vào TPDN của nhà đầu tư tổ chức (công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư, quỹ hữu trí…) để mở cơ hội cho các NĐT này tham gia thị trường nhiều hơn. Ngoài ra, đẩy mạnh xếp hạng tín nhiệm trái phiếu để hỗ trợ các NĐT tổ chức phân bổ tài sản theo rủi ro", FiinRatings đề xuất.
Cần khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài
Liên quan đến quy định tại Điều 11 về bổ sung NĐT chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân nước ngoài, FiinRatings cho rằng, sự tham gia của NĐT nước ngoài trên thị trường trái phiếu riêng lẻ Việt Nam còn hạn chế.
Tại cuối năm 2023, tỷ lệ nắm giữ TPDN của NĐT nước ngoài chỉ khoảng 3% tổng giá trị trái phiếu lưu hành. NĐT nước ngoài chủ yếu đầu tư trái phiếu của các doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đang có nhu cầu lớn về vốn dài hạn trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hướng đến việc nâng hạng lên “thị trường mới nổi” để thu hút dòng vốn nước ngoài.
"Tiềm năng mở rộng quy mô thị trường TPDN Việt Nam từ dòng vốn nước ngoài là rất lớn. NĐT nước ngoài thường có kinh nghiệm đầu tư, trình độ, năng lực tài chính và khả năng chấp nhận rủi ro cao. Các quỹ đầu tư nước ngoài có nguồn lực và quy mô lớn hơn rất nhiều so với tổ chức trong nước. Do đó, với tiềm năng thị trường vốn nợ Việt Nam còn rất lớn, việc khuyến khích NĐT nước ngoài tham gia thị trường là cần thiết", FiinRatings nhấn mạnh.
Để tăng cường niêm tin của NĐT nước ngoài nhằm khuyến khích tham gia thị trường TPDN Việt Nam, FiinRatings khuyến nghị, ngoài chính sách công nhận NĐT nước ngoài là NĐT chứng khoán chuyên nghiệp, cần nâng cao tính minh bạch thị trường và chất lượng công bố thông tin. Trong đó, bao gồm đẩy mạnh áp dụng xếp hạng tín nhiệm, phát triền cơ sở dữ liệu về đường cong lãi suất và lịch sử chậm trả…. Qua đó tạo điều kiện cho NĐT tiếp cận thông tin và định giá trái phiếu một cách thuận lợi, hiệu quả.
Theo kế hoạch phát hành trái phiếu mới cập nhật ngày 9/10/2024 từ FiinProX, một số doanh nghiệp đã công bố các đợt phát hành sắp tới. Cụ thể, Ngân hàng Bắc Á dự kiến phát hành 1.800 tỷ đồng cho ba mã trái phiếu kỳ hạn 7 và 8 năm vào ngày 28/10/2024. Ngân hàng Bản Việt (BVBank) dự kiến phát hành 700 tỷ đồng vào ngày 31/10/2024, trong khi BIDV sẽ phát hành 3.000 tỷ đồng vào ngày 30/10/2024. HDBank và DIC Corp đều lên kế hoạch phát hành 1.000 tỷ đồng và 2.100 tỷ đồng vào ngày 31/12/2024. Công ty Đầu tư và Thương mại TNG cũng dự kiến phát hành 400 tỷ đồng vào cuối năm. Ngoài ra, BVBank còn có kế hoạch phát hành thêm 2.800 tỷ đồng vào năm 2025, với ba đợt vào các ngày 31/1, 30/9 và 30/11. Công ty Du lịch Vietravel cũng dự định phát hành 500 tỷ đồng vào ngày 31/12/2025. Dự báo cho thấy, các ngân hàng sẽ cần huy động lượng lớn trái phiếu để tăng vốn cấp 2. Ngoài các ngân hàng đã công bố kế hoạch phát hành, nhiều ngân hàng khác như Vietinbank (8.000 tỷ đồng), LPBank (6.000 tỷ đồng), SHB (5.000 tỷ đồng) và MBBank (3.000 tỷ đồng) cũng dự kiến tham gia vào các tháng còn lại của năm 2024. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Trình Quốc hội kế hoạch cải cách tiền lương vào năm 2025
Cần chính sách công nghiệp đột phá
Lễ hội mua sắm tại Sóc Sơn: Đặc sản vùng miền và sản phẩm xanh 'lên ngôi'
Nhà bán lẻ Nhật Bản lên kế hoạch tuyển 5000 nhân sự tại Việt Nam trong năm 2025
Dự báo tác động từ chính sách của tân Tổng thống Mỹ đến kinh tế Việt Nam
Việt Nam - Nhật Bản bắt tay mở rộng thị trường, vượt qua thách thức toàn cầu