Thị trường

Giá dầu 'lao dốc', thu ngân sách không giảm nhiều

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, việc giá dầu thô thế giới lao dốc trong vài ngày qua và dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, song không ảnh hưởng nhiều đến số thu ngân sách trong năm 2020.

Giá xăng, dầu (10/3): Chạm đáy / Giá xăng, dầu (11/3): Tăng nhẹ

Giá dầu thế giới lao dốc, giá xăng bán lẻ giảm sâu, người tiêu dùng được hưởng lợi. Trong ảnh, người dân mua xăng tại Hà Nội chiều 15/3/2020 với giá hơn 16.000 đồng/lít Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Giá dầu thế giới lao dốc, giá xăng bán lẻ giảm sâu, người tiêu dùng được hưởng lợi. Trong ảnh, người dân mua xăng tại Hà Nội chiều 15/3/2020 với giá hơn 16.000 đồng/lít Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Theo lý giải của Bộ Tài chính, dự toán ngân sách xây dựng trên cơ sở giá dầu thô là 60 USD/thùng nhưng do số thu từ dầu thô hiện chỉ chiếm 3% tổng thu ngân sách (cách đây 5-7 năm thu ngân sách từ dầu thô ở mức 11%) nên mức tác động không nhiều.

Số liệu của Bộ Tài chính cũng cho thấy, nguồn thu trong 2 tháng từ dầu thô đạt 112.000 tỷ đồng, bằng 32% dự toán, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tác động của dịch Covid-19 nên giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm. Tuy nhiên, do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu của Việt Nam thanh toán bình quân 2 tháng vẫn duy trì ở mức 68 USD/thùng, cao hơn 8 USD/thùng so với giá dự toán.

Về giá dầu thế giới giảm sâu, Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc giá dầu sụt giảm tác động cả tiêu cực và tích cực đối với kinh tế Việt Nam. Một phần thu ngân sách nhà nước của Việt Nam đến từ dầu thô và xuất nhập khẩu xăng dầu. Giá dầu sụt giảm sẽ khiến các loại thuế ăn theo mặt hàng xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt giảm theo. Tuy nhiên, bên cạnh đó, giá dầu sụt giảm sẽ giúp một số doanh nghiệp trong các ngành như vận tải, phân bón hưởng lợi trong ngắn hạn.

“Giá dầu giảm sẽ góp phần làm nhiều mặt hàng giảm giá. Điều này giúp người dân có cơ hội được tiêu dùng hàng hóa với mức giá thấp hơn”, ông Long dự báo.

Xin giảm, chậm nộp thuế

Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ DN trong bối cảnh giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh. Thống kê của các DN trong hiệp hội cho thấy, do giá thế giới liên tục giảm từ đầu năm đến nay nên DN xăng dầu đầu mối phải đối mặt việc cứ nhập xăng về được một hai hôm là giá lại giảm. Càng nhập về giá càng giảm nên mức lỗ của các DN rất lớn. Giá giảm nhưng theo quy định DN vẫn phải đảm bảo nhu cầu trong nước nên dù biết lỗ cũng không thể ngừng nhập hàng. Nhiều DN đang gặp khó khăn rất lớn vì không biết cân đối nguồn thu nào để bù đắp mức lỗ ngày càng lớn.

Đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cũng cho biết đã kiến nghị Chính phủ có ý kiến chỉ đạo cho DN được gia hạn chậm nộp thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong 90 ngày. Đây là khoản thuế mà DN nộp hộ người tiêu dùng, nhưng theo quy định nếu nhập khẩu thì phải nộp tiền thuế này trước khi thông quan. Hiệp hội cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến với Bộ Tài chính sớm hướng dẫn giải quyết dứt điểm số tiền hoàn thuế lên tới hàng trăm tỷ đồng cho các DN xăng dầu nhưng đến nay, sau một thời gian dài vẫn chưa được giải quyết.

Trao đổi vớiPV Tiền Phong,Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, ông Trần Duy Đông cho hay, việc giá dầu thế giới giảm mạnh liên tiếp những ngày qua có lợi cho người dân và một bộ phận không nhỏ các DN sản xuất kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, với diễn biến giá xăng dầu từ đầu năm đến nay, một bộ phận không nhỏ các DN xăng dầu đầu mối đang “sống dở, chết dở” vì giá liên tục giảm.

“Đến nay Bộ Công Thương đã nhận được văn bản gửi cả Chính phủ của Hiệp hội Xăng dầu và các DN xăng dầu đầu mối “kêu cứu” vì gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết DN xăng dầu mong muốn ngân hàng hỗ trợ giãn nợ trong bối cảnh kinh doanh xăng dầu liên tục lỗ suốt thời gian qua. Cơ quan quản lý đã khuyến các DN phải cân đối lượng xăng dầu nhập khẩu theo từng giai đoạn, đồng thời hỗ trợ tiêu thụ hàng tồn kho cho hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Bình Sơn”, ông Đông chia sẻ.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho biết, sẽ kiến nghị Bộ Tài chính phải xử lý dứt điểm việc hoàn thuế thu nhập DN và giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, thuế môi trường, thuế cũng như các giải pháp hỗ trợ trước mắt khác cho DN xăng dầu. Cùng đó, Bộ Công Thương sẽ đề xuất một gói hỗ trợ tổng thể cho các DN phân phối, trong đó có cả cho các DN xăng dầu trong việc hỗ trợ tiền tồn kho xăng dầu, hỗ trợ về thuế, giảm thuế, giãn thời gian nộp thuế, chi phí tiền điện...

Giá xăng giảm còn hơn 16 nghìn đồng/lít

15h chiều ngày 15/3, sớm hơn một ngày so với lịch điều chỉnh giá thường kỳ, Liên bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định giảm giá bán lẻ xăng, dầu.
Theo đó, xăng E5 RON 92 giảm giá bán 2.290 đồng về 16.056 đồng/lít. Xăng RON 95 được điều chỉnh giảm 2.315 đồng xuống còn 16.812 đồng/lít. Mức giá bán mới của dầu hoả xuống còn 11.846 đồng/lít sau khi giảm 1.830 đồng. Dầu diesel và madut giảm lần lượt 1.750 đồng và 1.353 đồng/lít (kg), xuống không cao hơn 13.035 đồng và không quá 10.051 đồng/kg.

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối trích lập Quỹ Bình ổn giá đối với xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 800 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 100 đồng/kg. Cùng với đó, các doanh nghiệp ngừng chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng dầu.
Theo Bộ Công Thương, do ảnh hưởng của Covid-19, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới 15 ngày qua giảm rất mạnh. Mỗi thùng RON 92 giá giảm hơn 13,5 USD. Xăng RON95 có giá giảm gần 14 USD/thùng.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm