Thị trường

Giá lúa gạo tăng do nguồn cung đang bị thu hẹp

Giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tăng nhẹ do nguồn cung lúa hàng hóa đang bị thu hẹp với phần lớn diện tích lúa Thu Đông ở khu vực ĐBSCL đã được thu hoạch và tiêu thụ hết. Đồng thời, thị trường xuất khẩu gạo có nhiều tín hiệu tốt.

Theo phân tích của Cục Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong nước, giá lúa, gạo tại khu vực ĐBSCL tăng nhẹ trong tháng qua do nguồn cung lúa hàng hóa đang bị thu hẹp với phần lớn diện tích lúa Thu Đông ở khu vực ĐBSCL đã được thu hoạch và tiêu thụ hết. Trong khi gần đây hoạt động thu mua lúa cũng được nhiều tiểu thương và doanh nghiệp đẩy mạnh để đảm bảo nguồn hàng phục vụ các đơn hàng , cũng như phục vụ nhu cầu tại thị trường nội địa trong các tháng cuối năm.

Ảnh minh họa.

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 500 đồng/kg, từ 4.300 đồng/kg lên 4.800 đồng/kg; lúa OM4218 tăng 200 đồng/kg lên mức 4.900 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 10.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao ở mức 13.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.000 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa Thu Đông tại huyện Vũng Liêm tăng 200 đồng/kg lên mức 4.300 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo jasmine ở mức 14.000 đồng/kg…

Cùng với đó, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10/2019 ước đạt 499 nghìn tấn với giá trị đạt 228 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2019 ước đạt 5,56 triệu tấn và 2,43 tỷ USD, tăng 6,1% về khối lượng nhưng giảm 9,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Trong 9 tháng năm 2019, Philippin đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,1% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Senegal, Bờ Biển Ngà , Úc, Hồng Kông và Irắc…

Cũng theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, vào tháng 9/2019, Bộ Nông nghiệp Philippines đã khởi xướng điều tra sơ bộ việc tự vệ đối với gạo nhập khẩu. Tuy nhiên đến tháng 10/2019, Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công thương Philippines) đã chính thức thông báo nước này sẽ không áp thuế nhập khẩu gạo bổ sung đối với gạo nhập khẩu trong thời gian tới...Thông báo này là tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam vào thị trường này.

Bên cạnh đó, Philippines cũng đã đưa ra dự báo về nhu cầu tiêu thụ gạo nội địa của nước này đến năm 2030 với mức tăng dần đều. Trong khi Philippines là quốc gia khó có thể tự cung tự cấp về lương thực, do đó, mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu gạo, đặc biệt là từ các quốc gia Đông Nam Á trên cùng khu vực, trong đó có Việt Nam, sẽ dần tăng lên trong tương lai.

Theo Liên đoàn Gạo Campuchia (CFR), xuất khẩu gạo của nước này sang Trung Quốc đã tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay. Theo một số doanh nghiệp, việc Campuchia tăng cường xuất khẩu gạo sang Trung Quốc, ngược lại có thể sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Campuchia. Nguyên nhân chính là mức sản xuất của Campuchia khó có thể đáp ứng ngay được mục tiêu xuất khẩu của nước này. Tuy nhiên, không phải loại gạo nào cũng có thể xuất khẩu mà sẽ chỉ tập trung vào các loại chất lượng cao và tương đồng với gạo Campuchia.

Chương trình “Kết nối giao thương mặt hàng gạo giữa doanh nghiệp Việt Nam – Hong Kong năm 2019” do Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức sẽ diễn ra vào sáng ngày 4/11/2019 tại TP.Hồ Chí Minh với sự tham của 30 doanh nghiệp nhập khẩu gạo đến từ Hong Kong và 30 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam.

Theo Khánh Linh/Thời báo tài chính Việt Nam
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo