Thị trường

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi biến động thất thường

DNVN - Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), do giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi còn tương đối khó đoán định nên doanh nghiệp cần tính toán các yếu tố tác động đến thị trường nguyên liệu, khả năng huy động vốn... để quyết định việc có nên gia tăng nhập khẩu nguyên liệu trong thời điểm này hay không.

Thí điểm chính sách hỗ trợ, Đà Nẵng liên tiếp thu hút các đoàn du khách MICE / Phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của quốc gia

Tuy là nước sản xuất và xuất khẩu lương thực nằm ở Top đầu thế giới, song ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu từ nước ngoài. Nguyên nhân là do hiện Việt Nam sản xuất không đủ các loại nguyên liệu sản xuất thức ăn như ngũ cốc, đậu tương, khô dầu các loại, phụ gia... hoặc do giá thành quá cao so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại nên phải tăng lượng nhập khẩu. Trong đó, có nhập khẩu từ khu vực Mỹ La tinh.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, thị trường khu vực Mỹ La tinh là thị trường tiềm năng với các nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, nhất là nông sản. 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã nhập khẩu nhiều thức ăn chăn nuôi, nguyên liệu thực vật phục vụ chế biến thức ăn gia súc.

Ảnh minh họa.
Năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu từ 2 nước chính là Brazil và Argentina như ngô ta nhập khẩu 584 triệu USD; thức ăn gia súc 391 triệu USD, tăng trưởng 83%. Còn Argentina với 2 loại này là 3 tỷ USD. Điều này cho thấy khả năng cung cấp của thị trường này tương đối lớn.
"Thời gian qua, giá các nguyên liệu thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn gia súc giảm, tạo thuận lợi cho ngành chăn nuôi. Nhưng các nguyên liệu nói chung, kể cả nguyên liệu nông sản có tính chất biến động trên thị trường rất mạnh. Sự biến thiên các mặt hàng là điều khó lường nên việc dự đoán chính xác về việc giá cả nguyên liệu, thức ăn gia súc sẽ giảm bao nhiêu, trong thời gian bao lâu là rất khó khăn", ông Hải chia sẻ.
Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, trên tinh thần chung, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, doanh nghiệp cần tính toán, cân nhắc kỹ về các yếu tố tác động đến thị trường nguyên liệu, khả năng huy động vốn và khả năng lưu trữ để quyết định việc có nên gia tăng nhập khẩu nguyên liệu trong thời điểm này hay không.
Thời gian qua, có thông tin cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề xuất với Bộ Công Thương có thể đàm phán hoặc thương lượng với nước mà Việt Nam nhập khẩu ngũ cốc rất lớn như Brazil, Argentina, để nhận giá ưu đãi.
Về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải cho rằng, với khối Mercosur - bao gồm Brazil, Argentina, Uruguay, Paraguay, đây là tổ chức thương mại tự do tương tự như ASEAN, hiện có 4 nước thành viên chính là 1 quan sát viên, 5 thị trường còn lại đang trong quá trình đàm phán. Với một thị trường 295 triệu dân, tổng GDP 3.000 tỷ USD là thị trường tiềm năng, đáng để Việt Nam đàm phán FTA. Bộ Công Thương đã tiến hành báo cáo khả thi đánh giá nghiên cứu về lợi ích tác động khi đàm bán FTA với các nước này nhưng phía bạn chưa sẵn sàng. Để ký hiệp định cần sự đồng thuận, hai bên đồng thuận tham gia. Việt Nam đã có bước đi nhưng phía bạn chưa sẵn sàng nên ta cần đợi thời điểm thích hợp hơn để thực hiện FTA này.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm