Gia tăng lừa đảo thương mại quốc tế, doanh nghiệp phải làm gì để phòng ngừa rủi ro?
DNVN - Lừa đảo trong thương mại quốc tế ngày càng gia tăng và phức tạp khiến doanh nghiệp (DN) đứng trước nhiều rủi ro, đòi hỏi phải có các giải pháp phòng ngừa.
Doanh nghiệp đứng trước nhiều rủi ro
Theo Hiệp hội Chuyên gia chống lừa đảo toàn cầu có trụ sở tại Mỹ, các DN toàn cầu thiệt hại khoảng 5% doanh thu mỗi năm vì lừa đảo. Giá trị trung bình một vụ lừa đảo là 1,7 triệu USD.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, trên toàn cầu, tỷ lệ DN cho biết họ là nạn nhân của lừa đảo và tội phạm kinh tế trong năm 2018, 2020 và 2022 lần lượt là 49%, 47% và 46%. Trong khi đó, kết quả một cuộc khảo sát năm 2022 cho thấy, 52% DN Việt Nam từng trải nghiệm lừa đảo hoặc tội phạm kinh tế, cao hơn mức 46% của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Tại hội thảo "Phòng tránh rủi ro trong giao thương quốc tế - Góc nhìn từ người trong cuộc" do Hội DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội (HAMI) phối hợp với Hiệp hội DN Italia Việt Nam (ICHAM) tổ chức chiều 7/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Công Cường - Phó Chủ tịch HAMI cho biết, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, các DN làm ăn với nhiều đối tác hơn. Nhiều sân chơi rộng hơn với những luật chơi khác nhau thì nguy cơ tranh chấp, lừa đảo cũng lớn hơn, phức tạp hơn. Lừa đảo trong thương mại quốc tế đang đặt DN đứng trước nhiều rủi ro, phòng tránh vấn nạn này, rất cần sự chủ động của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Công Cường - Phó Chủ tịch HAMI, DN đứng trước nhiều rủi ro khi lừa đảo trong thương mại quốc tế ngày càng phức tạp hơn.
Vụ lừa đảo trong thương mại quốc tế đối với DN Việt Nam gần đây là vụ việc 76 contener hạt điều của 5 DN Việt Nam xuất khẩu sang Italya bị mất bộ chứng từ gốc. Đến thời điểm này sự việc 76 container hạt điều đã cơ bản được giải quyết ổn thỏa. Nhưng đó cũng là “bài học kinh nghiệm” cho các DN ngành điều nói riêng và DN xuất khẩu của Việt Nam nói chung.
Dựa vào kinh nghiệm của người đi trước
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thách thức lớn nhất của DN Việt Nam hiện nay là chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng, ngừa và đối phó với các lừa đảo và tranh chấp rất dễ xảy ra. Rất nhiều DN chưa quen thuộc với văn hoá kinh doanh của từng nước, lạ lẫm với đối tác cho đến hệ thống cơ quan giải quyết tranh chấp và thủ tục giải quyết tranh chấp. Nhiều DN chưa quen sử dụng hình thức giải quyết tranh chấp thương mại phổ biến như trọng tài thương mại, hoà giải thương mại. Nhiều DN còn ít sử dụng luật sư thường xuyên…
Các diễn giả chia sẻ kinh nghiệm phòng ngừa rủi ro trong thương mại quốc tế.
Theo ông Nguyễn Công Cường, dự báo rủi ro trong thương mại quốc tế sẽ vẫn tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tới. Để phòng ngừa vấn đề này, các DN Việt Nam cần phải hoàn thiện mình, phải có nhân lực tốt, bộ máy tốt, hệ thống quản trị rủi ro tốt. Các DN phải có mạng lưới thông tin, thường xuyên liên hệ với cơ quan thương vụ Việt Nam và các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp tại các thị trường.
Đặc biệt, để phòng ngừa rủi ro trong thương mại quốc tế, các DN cần dựa vào các DN đi trước. Bên cạnh đó, tổ chức hội cũng là kênh hỗ trợ DN hội viên hiệu quả để hạn chế các rủi ro khi tranh chấp; những điều nên làm; những thứ cần tránh; những nơi, những ai cần cẩn trọng khi giao kết hợp đồng.
Xác định khách hàng mục tiêu
Với 30 năm kinh nghiệm xuất khẩu sang nhiều thị trường, ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty May 10 cho biết, giao dịch thương mại quốc tế luôn có nhiều rủi ro, nhiều khi không lường hết được. Do đó, trước hết, DN cần xác định thị trường và khách hàng mục tiêu. Từ xác định thị trường mục tiêu, DN lựa chọn lượng khách hàng vừa đủ lớn, có tiềm năng để đảm bảo chuỗi sản xuất liên tục cũng như nguồn hàng ổn định.
Thứ hai, khi làm thương mại với các đối tác quốc tế, nên cố gắng chọn đối tác lâu dài. Với những đối tác có mối quan hệ lâu dài thì độ tin cậy cao hơn, rủi ro ít hơn. Tuy nhiên, không phải lúc nào DN cũng có được khách hàng lâu dài, phải có những khách hàng đầu tiên mới có khách hàng lâu dài. Có nhiều cách giải quyết để đánh giá liệu đối tác có thể là khách hàng lâu dài hay không. Có thể thông qua đàm phán hợp đồng để nắm bắt được tín hiệu về mức độ an toàn của đối tác.
Ông Bạch Thăng Long - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty May 10 cho rằng, việc xác định khách hàng mục tiêu có ý nghĩa quan trọng.
Với những khách hàng mới, ngoài vấn đề làm tốt trách nhiệm của DN như đảm bảo chất lượng hàng hóa, thời gian giao hàng thì DN cần quan tâm đến điều khoản thanh toán. Đối với khách hàng mới, giao tiền - giao hàng là phương thức thanh toán an toàn.
Trên thực tế, trong thương mại quốc tế xảy ra nhiều trường hợp không mong muốn bắt nguồn từ lý do khách quan, không thể lường trước, từ đó ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa hai bên.
"Do đó, trong nội bộ DN phải có bộ phận chuyên tổng hợp, phân tích mức độ hợp tác của khách hàng và nhà cung cấp. Từ tổng hợp phân tích đó có thể có những kinh nghiệm gần như giáo trình sau này để đào tạo cho nhân viên trong DN", ông Long khuyến nghị.
Ông Long cũng lưu ý, nhiều khi rủi ro không chỉ xuất phát từ đối tác mà còn từ nội tại DN. DN phải đảm bảo tuân thủ đúng những điều khoản thuộc trách nhiệm của DN ký kết liên quan đến chất lượng sản phẩm, thời hạn giao hàng, kể cả tiêu chuẩn đòi hỏi quy định trong hợp đồng và pháp luật của nước nhập khẩu.
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu
Đề cập đến tranh chấp thương mại liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu, ông Trần Thanh Quyết - Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) cho biết, khi đưa sản phẩm ra nước ngoài, rất nhiều DN đã xảy ra việc tranh chấp nhãn hiệu dẫn đến không được bảo hộ tại quốc gia đó. Nguyên nhân là DN không đăng ký bảo hộ tại quốc gia đó, dẫn đến việc có thể bị mất nhãn hiệu của chính mình tại thị trường quốc tế.
Giám đốc ICHAM lấy ví dụ về nhãn hiệu cà phê Trung Nguyên đã bị một công ty tại Mỹ đăng ký trước. Sau 2 năm thương thảo công ty tại Mỹ cũng trao trả lại quyền bảo hộ và nhận làm đại lý phân phối sản phẩm cà phê Trung Nguyên của Việt Nam tại Mỹ. Trong khi đó, nước mắm Phan Thiết đã bị một công ty ở Mỹ đăng ký thương hiệu từ năm 1999. Hay thương hiệu thuốc lá Vinataba Việt Nam đã bị một công ty của Indonesia chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước trong ASEAN.
Để phòng tránh rủi ro thương mại, theo ông Trần Thanh Quyết, DN cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Việc kiểm tra kỹ lưỡng đối tác qua nhiều kênh; tìm hiểu các quy định về nguồn gốc xuất xứ, đặc thù thị trường là thực sự cần thiết. Thêm vào đó, cần có thói quen sử dụng các dịch vụ pháp lí, tùy vào quy mô DN mà có mức chi hợp lý bởi điều này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho DN...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chứng khoán Sen Vàng GLS bị phạt gần 400 triệu đồng
AEON mở cửa xuyên Tết Ất Tỵ
Giá vàng thế giới đạt đỉnh cao nhất trong hơn hai tháng
Giá ngoại tệ ngày 22/1/2025: USD lao dốc ngược chiều giá vàng
Giá heo hơi ngày 22/1/2025: Không biến động trên toàn quốc
Giá nông sản ngày 22/1/2025: Hồ tiêu và cà phê đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo