Giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm
Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là tái cấu trúc, vượt lên cái bóng của mình / Bưởi đỏ tiến Vua hút khách ngày Tết
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạchphát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Nghị quyết 01 đã nêu ra 6 quan điểm trọng tâm chỉ đạo điều hành và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.
Năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Tình hình thế giới, khu vực sẽ còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; hậu quả của đại dịch COVID-19 còn tác động kéo dài. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưngkhó khăn, thách thức nhiều hơn.
Chính phủ đã xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, có 1 số nhiệm vụ, giải pháp chính để phát triển kinh tế như sau:
Giải pháp đầu tiên là "Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn". Nghị quyết 01 nêu rõ cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Với giải pháp này, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã thông báo đã giao toàn bộ hạn mức tín dụng cho các Ngân hàng thương mại ngay từ đầu năm mới, thay vì chia ra làm 2-3 đợt như trước. Với mục tiêu năm 2024 là tăng trưởng tín dụng khoảng 15%. Ước tính sẽ có khoảng 2 triệu tỷ đồng vốn được bơm ra nền kinh tế trong năm nay. Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Ông Lê Hoàng Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank:Động thái này rất tích cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, cầu tín dụng vẫn còn thấp. Nó thuận lợi cho tổ chức tín dụng trong việc là điều hành tăng trưởng tín dụng của mình, phù hợp với nhu cầu khách hàng cho cả năm và là tín hiệu tích cực cho doanh nghiệp chủ động nhu cầu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Ông Nguyễn Thế Dân, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, Ngân hàng Bản Việt BVBank:Chúng tôi có gói lãi suất 5,5%/năm để hỗ trợ cho doanh nghiệp và cá nhân vay bổ sung vốn kinh doanh hoặc tiêu dùng.
Ông Vũ Công Huân, Giám đốc CTCP Tập đoàn HDC:Các ngân hàng có vốn Nhà nước đang ưu đãi cho doanh nghiệp thủy sản chúng tôi là 5,5%/năm, tiết kiệm 3,5% so với chi phí vốn trước đây. Nó tăng biên độ lợi nhuận làm lợi thế để xuất khẩu. Chúng tôi đề xuất tiếp tục duy trì lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp thủy sản như chúng tôi vì năm 2024 thị trường vẫn còn khó khăn.
Nghị quyết 01 cũng nêu rõ cần quản lý thu ngân sách nhà nước chặt chẽ, hoàn thuế theo đúng quy định, nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Sau khi được giảm thuế GTGT 6 tháng cuối năm 2023, ngay từ 1/1/2024 người dân và doanh nghiệp đã tiếp tục được giảm thuế GTGT 2% cho đến hết 30/6.
Bà Phạm Thị Tuyết Lan, Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính:Tổng mức giảm là 25 nghìn tỷ đồng, giảm sớm từ 1/1/2024. Chúng tôi hy vọng đây là nguồn trợ lực quan trọng giúp cho doanh nghiệp cho thêm nguồn lực từng bước phục hồi, duy trì nguồn thu cho Nhà nước.
Ông Hà Ngọc Hoa, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang:Giảm VAT có tác dụng luôn vào giá thành của người tiêu dùng, để kích cầu tiêu dùng của nhân dân, tôi nghĩ rất là trúng và đúng đối với doanh nghiệp, hỗ rất tích cực, giúp chúng tôi phục hồi sản xuất.
Thúc đẩy nhanh tiến trình hoàn thuế cho doanh nghiệpcũng là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2024 bởi việc hoàn thuế kịp thời sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có nguồn vốn bổ sung, góp phần phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, Bộ đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 để hoàn thành mục tiêu "kép" vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách.
Ông Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết: "Ngành tài chính sẽ tập trung để tham mưu chính sách tài khóa phối hợp chính sách tiền tệ 1 cách có hiệu quả nhất. Thứ 2 tập trung để hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, người dân, để đảm bảo thực hiện 1 cách hiệu quả những nhiệm vụ của mình, tăng cường thu hút đầu tư, đối ngoại.
Năm 2024, Bộ Tài chính cũng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Giải pháp tiếp theo làtiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quy định kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để phục hồi và phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững các loại thị trường, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản.
Ngày 15/1 tới đây, Quốc hội khóa XV sẽ họp bất thường lần thứ 5 để xem xét thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Nếu các dự án Luật được thông qua, thì sẽ kỳ vọng tháo gỡ được những khó khăn vướng mắc, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Một giải pháp quan trọng cũng được Nghị quyết 01 nhắc đến đó làlàm mới các động lực tăng trưởng cũvà khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, trong đó có phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… bởi chỉ có sản xuất xanh mới tạo ra những sản phẩm chất lượng, có cơ hội tiếp cận những thị trường khó tính để tạo ra hiệu suất kinh tế tốt. Để làm được điều này, hiện nay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Bộ tiêu chí khoa học về phân loại xanh quốc gia, khung khổ pháp lý quan trọng trong triển khai thực hiện tăng trưởng xanh.
Nghị quyết 01 cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2024, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Dự báo tình hình trong thời gian tới còn nhiều khó khăn, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 là 6,5%, đòi hỏi nỗ lực rất lớn. Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo theo chủ đề "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững".
End of content
Không có tin nào tiếp theo