Thị trường

Giám đốc Trung Nguyên Legend tại Trung Quốc: Đừng nghĩ thị trường 1,4 tỷ dân này "dễ tính", cứ mang hàng sang là bán được

DNVN - Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu đồ uống sang Trung Quốc, ông Lý Thanh Hải đến từ Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho biết, dù là thị trường tiềm năng với 1,4 tỷ dân nhưng nếu sản phẩm không có sự thay đổi và cải tiến sẽ rất khó thu hút được người tiêu dùng nước này, sản phẩm cũng sẽ khó tồn tại và phát triển bền vững.

Quả thanh long chất lượng cao của Việt Nam được quốc tế quan tâm / Hơn 200 mã chứng khoán giảm sàn, VN-Index lao dốc không phanh

Thị trường lớn
Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng cho nhiều mặt hàng của Việt Nam, trong đó có nhóm hàng đồ uống. Trà và cà phê của Việt Nam giữ một vị trí quan trọng tại thị trường Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ cà phê của Trung Quốc đang có xu hướng tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các khu vực thành phố phát triển. Tại thị trường Trung Quốc, cà phê hòa tan đang chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Bên cạnh đó, xã hội phát triển, lối sống thay đổi và sự chấp nhận các xu hướng văn hóa mới của người tiêu dùng Trung Quốc cũng góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ cà phê hòa tan tại nước này.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence, thị trường cà phê Trung Quốc được dự báo tăng trưởng trung bình 10,42%/năm trong giai đoạn 2022 – 2027. Trong khi đó, theo Hiệp hội Cà phê Trung Quốc (CCAB), tiêu thụ cà phê tại nước này đang tăng với tốc độ trung bình hàng năm là 15%.
Thị trường cà phê của Trung Quốc có nguồn cung đa dạng từ gần 80 thị trường các nước cung cấp. Các thị trường cung cấp cà phê chính cho Trung Quốc là Guatemala, Ethiopia, Việt Nam, Malaysia, Brazil...
Trung Quốc là một thị trường lớn nhưng lại có tính cạnh tranh cao. Giới chuyên gia cho rằng để xuất khẩu đồ uống Việt Nam sang thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực xúc tiến thương mại, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm và nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu đồ uống cần tập trung đẩy mạnh việc truyền thông sản phẩm và thương hiệu của doanh nghiệp.
Cần đầu tư dài hạn
Với nhiều thành công trong việc chinh phục thị trường tỷ dân này, ông Lý Thanh Hải - Giám đốc phát triển kinh doanh thị trường toàn Trung Quốc của Tập đoàn Trung Nguyên Legend cho biết, hiện tập đoàn đã có 15 nhà nhập khẩu, 300 nhà phân phối thứ cấp, 30.000 điểm bán kênh offline và hàng vạn cửa hàng trên kênh online. Đặc biệt đã có trên 15 triệu người người dùng thường xuyên cà phê G7 tại Trung Quốc
Chia sẻ kinh nghiệm tiếp cận thị trường, ông Hải cho rằng, doanh nghiệp có kế hoạch tham gia thị trường Trung Quốc quan trọng nhất là khâu chuẩn bị tâm lý. Có không ít các doanh nghiệp nước ngoài thường có tâm lý coi thị trường Trung Quốc là một thị trường dễ tính với hơn 1,4 tỷ dân, một thị trường rất tiềm năng mà doanh nghiệp chỉ cần tìm cách chuyển được mặt hàng của mình sang đây là hoàn toàn có thể bán được hàng với khối lượng lớn. Hoặc cũng có doanh nghiệp suy nghĩ rằng thị trường có sức mua to lớn sẽ dễ dàng có được 1% dân số Trung Quốc sử dụng sản phẩm của mình.

Ông Lý Thanh Hải - Giám đốc phát triển kinh doanh thị trường toàn Trung Quốc của Tập đoàn Trung Nguyên Legend đánh giá Trung Quốc là thị trường cạnh tranh khốc liệt.
Nhưng thực tế thị trường Trung Quốc hoàn toàn không phải vậy. Các thương hiệu nước ngoài cần biết rằng, Trung Quốc không chỉ là một thị trường khó tính, mà còn là một thị trường phát triển nhanh và xu hướng thay đổi rất thường xuyên. Người tiêu dùng Trung Quốc luôn mở rộng cánh cửa chào đón và thậm chí là yêu cầu khắt khe được trải nghiệm những thứ mới như bao bì sản phẩm phải được cải tiến, thay đổi thường xuyên, thương hiệu phải luôn tung ra sản phẩm có mùi vị mới theo xu hướng từng năm…
"Chính vì vậy nếu sản phẩm không có sự thay đổi và cải tiến sẽ rất khó để thu hút được người tiêu dùng Trung Quốc, sản phẩm cũng sẽ khó tồn tại và phát triển bền vững lâu dài", ông Hải nói.
Trung Quốc là một thị trường cạnh tranh khốc liệt nên các thương hiệu nước ngoài nếu vẫn giữ tư tưởng chỉ buôn bán thương mại đơn thuần và không đầu tư các hoạt động marketing, phát triển thị trường thì sản phẩm rất dễ dàng bị phớt lờ trước hàng triệu triệu các thương hiệu khác vốn rất tích cực trong các hoạt động quảng bá.
"Chúng tôi đã mất hơn 1 năm chỉ để xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các nguồn lực trước khi tham gia thị trường Trung Quốc và gần 5 năm trời chuẩn bị để triển khai hệ thống quán Trung Nguyên Legend tại đây", ông Hải cho hay.
Các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị một hành trình dài hơi, một khoản đầu tư dài hạn. Các kế hoạch kinh doanh, nguồn vốn, nguồn lực cần được lập và chuẩn bị đủ cho khoảng thời gian hoạt động tối thiểu là 3-5 năm. Trên thực tế, có những thương hiệu quốc tế khi tham gia thị trường Trung Quốc họ đã xây dựng kế hoạch 10-15 năm đầu hoàn toàn không có lợi nhuận.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp rất cần thiết phải trang bị kiến thức về thị trường bản địa, dễ nhất đó là thông qua việc đầu tư đội ngũ nhân sự địa phương.
"Chúng tôi hiện có trên 95% nhân sự là người bản địa và họ đều là những nhân sự chất lượng cao trong ngành. Sự tham gia của đội ngũ nhân sự bản địa đã giúp chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian triển khai dự án, kết nối được nhiều đối tác kinh doanh lớn và đạt được nhiều chính sách ưu đãi của địa phương", ông Hải nói.
Ngoài ra, ông Hải khuyến nghị doanh nghiệp nhanh chóng tham gia kết nối với các doanh nghiệp cùng ngành, các hiệp hội doanh nghiệp, các cơ quan đoàn thể của quốc gia mình tại Trung Quốc như Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Cục Xúc tiến thương mại, Thương vụ. Đây là những kênh rất tốt để doanh nghiệp có thể nhanh chóng mở rộng mạng lưới kinh doanh và tìm kiếm đối tác.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm