Thị trường

Giám đốc WB tại Việt Nam: Kinh tế số mang lại cơ hội cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ

DNVN - "Nền kinh tế số sôi động này hứa hẹn sẽ mang lại cơ hội cho nhiều doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có thể tham gia vào nền kinh tế Việt Nam".

Thủ tướng ký quyết định sửa đổi mức hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại / 2 tháng đầu năm 2019: Chưa có doanh nghiệp nào thoái vốn

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu khai mạc tại Hội thảo “Khía cạnh chính sách để phát triển nền kinh tế số của Việt Nam” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với WB tại Việt Nam tổ chức sáng ngày 07/3 tại Hà Nội.
Theo Giám đốc WB, sự phát triển kỹ thuật số đã và đang thay đổi các nền kinh tế trên toàn cầu, với tốc độ chóng mặt. Theo đó, các nền tảng thương mại điện tử đưa doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ đến với những thị trường lớn (cả trong và ngoài nước) và rút ngắn khoảng cách đến thị trường, đặc biệt là đối với những công ty nằm xa các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Ảnh ICT News

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Ảnh ICT News

"Nền kinh tế chia sẻ có nghĩa là người Việt Nam bình thường cũng có thể tham gia dễ dàng hơn vào nền kinh tế số bằng cách sử dụng nhà của mình để kiếm thêm thu nhập thông qua các nền tảng lưu trú số hoặc sử dụng xe máy và ô tô của mình trên các nền tảng gọi xe dựa trên công nghệ kỹ thuật số", ông Ousmane Dione nói.
Theo ông Ousmane Dione, 3 yếu tố thúc đẩy quan trọng là "chính sách, chính sách và chính sách". Bằng cách thiết lập một môi trường pháp lý thuận lợi, Chính phủ có thể thúc đẩy một cách có hiệu quả và đảm bảo lời hứa này trở thành hiện thực.
Cũng theo ông Ousmane Dione, để nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần xây dựng môi trường pháp lý khuyến khích đổi mới và cạnh tranh, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng thông qua điều tiết và phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan chính phủ.
Ngoài ra, các cơ quan chính phủ cần làm gương nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ số bởi không thể đạt đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà có nền hành chính chỉ “1.0”.
Bà Natasha Beschorner, chuyên gia cao cấp về chính sách công nghệ thông tin (WB) chia sẻ, Việt Nam nằm trong khu vực mà thị trường, phát triển doanh nghiệp số có tiềm năng tăng trưởng nhanh chóng như Google.
Tuy nhiên, theo bà điều quan trọng là lồng ghép áp dụng những dịch vụ số của Chính phủ và doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ thanh toán số thấp, thanh toán tiền mặt được ưa chuộng hơn.
Bà Natasha Beschorner cho rằng, Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để tăng tốc hơn nữa cũng như tăng cường khả năng cạnh tranh của mình. Do đó, một môi trường kiến tạo sẽ quyết định tốc độ và chất lượng phát triển kinh tế kỹ thuật số tại Việt Nam và lợi ích mang lại cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng được định hình bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 dẫn dắt bởi những thay đổi sâu sắc về công nghệ và số hóa, có tác động sâu sắc đến thương mại toàn cầu, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được xây dựng trên nền tảng của cuộc cách mạng kỹ thuật số với các công nghệ tiên tiến ngày càng giúp thu hẹp khoảng cách giữa thế giới thực và thế giới mạng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng. Ảnh TTXVN

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng. Ảnh TTXVN

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, hiện một nửa dân số thế giới đã kết nối trực tuyến, một phần ba trên mạng xã hội, 53% là qua điện thoại di động và bao phủ ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, địa lý và trình độ trên khắp hành tinh.
Ước tính kinh tế số khu vực Đông Nam Á đạt 72 tỷ USD năm 2018 và dự kiến đạt 240 tỷ USD năm vào năm 2025. Trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, kinh tế số được dự đoán có thể chiếm tới 60% GDP khu vực vào năm 2021. Nền kinh tế số rõ ràng hiện nay ngày càng bao phủ trong tất cả các khía cạnh kinh tế, xã hội.
Kinh tế số cho phép các doanh nghiệp trong khu vực hội nhập toàn cầu, phù hợp với xu hướng dài hạn hướng tới tự do hóa thị trường và giảm đi các rào cản thương mại.
Tuy nhiên, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân cũng phải đối mặt với nhiều thách thức trong việc hiện thực hóa các lợi ích tiềm năng của nền kinh tế số. Từ góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Công Thương đánh giá việc xây dựng, điều chỉnh chính sách để hỗ trợ kinh tế số phát triển là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm