Thị trường

Giao dịch bất động sản “ấm” dần lên

Các doanh nghiệp đánh giá, giao dịch bất động sản quay trở lại phần lớn là nhờ hàng loạt chính sách tháo gỡ từ Chính phủ.

Sóc Trăng: Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp / Sản xuất nông nghiệp đạt khá nhưng tiêu thụ gặp khó

Lập tổ công tác gỡ vướng cho các dự án của Novaland

Hơn 1 tháng qua, thị trường bất động sản liên tục nhận được các "trợ lực", với hàng loạt chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trước hết là Nghị quyết số 33 về các giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Sau đó, Chính phủ tiếp tục ban hành văn bản số 178, Nghị định số 10 về "sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai".

Các chỉ đạo quan trọng đã cho thấy sự quyết liệt, nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản. Ngày 11/4, thị trường tiếp tục đón nhận một thông tin đáng chú ý. Đó là Văn phòng Chính phủ đã ký văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về giải quyết vướng mắc với 2 dự án của Tập đoàn Novaland tại tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Theo đó, Phó thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập Tổ công tác làm việc với UBND các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận để giải quyết các vướng mắc, khó khăn của Tập đoàn Novaland theo đúng quy định và báo cáo Phó Thủ tướng trước ngày 15/4.

Tác động từ việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản lớn

Như vậy có thể thấy, từ các chỉ đạo chung, lần này Chính phủ đã tập trung vào vào việc tháo gỡ, xử lý các dự án cụ thể, có quy mô lớn trên thị trường bất động sản.

Cách đây khoảng 2 tháng, tại hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản giữa tháng 2, đích thân Chủ tịch Tập đoàn Novaland đã kiến nghị chọn dự án Aqua City tại Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn trong 1 tháng. Đây là mấu chốt, là dự án sống còn của doanh nghiệp này.

Giao dịch bất động sản “ấm” dần lên - Ảnh 1.

Hơn 1 tháng qua, thị trường bất động sản liên tục nhận được các "trợ lực", với hàng loạt chỉ đạo từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo lập tổ công tác diễn ra trong bối cảnh Tập đoàn Novaland có 2 dự án tại tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là khi nhiều khách hàng đã đóng tiền vào các dự án này.

Một số chuyên gia đánh giá, nếu các điểm nghẽn của 2 dự án này được tháo gỡ sẽ tác động ko nhỏ tới thị trường. Thậm chí, đây là sẽ mô hình điểm để tháo gỡ cho hàng trăm dự án đang gặp vướng mắc pháp lý hiện nay.

"Tôi nghĩ đây là động thái tích cực, chỉ đạo quyết liệt, bởi vì khi nền kinh tế có những doanh nghiệp lớn gặp khó khăn thì đương nhiên ảnh hưởng nhiều đến những ngành nghề khác và cả vấn đề tâm lý của người dân. Khi ảnh hưởng đến tâm lý người dân cũng đồng nghĩa ảnh hưởng tâm lý thị trường. Tôi nghĩ yếu tâm lý quyết định rất nhiều trong vấn đề thị trường có tốt hay không", ông Trần Quang Trung, Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing, cho biết.

"Ở đây chúng tôi được biết Chính phủ đã xem xét các vấn đề khó khăn của doanh nghiệp Novaland và cũng có những yêu cầu khá quyết liệt để Novaland trước hết phải chủ động điều chỉnh cấu trúc, cân đối lại mọi hoạt động cũng như cấu trúc sản phẩm cho nó phù hợp với nhu cầu từng giai đoạn của thị trường", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho hay.

Trước đó, Tập đoàn Novaland cho biết, họ đang có 25.000 tỷ đồng đang bị phong tỏa tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện giải tỏa khi chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý. Nếu trong 1 - 2 tháng vấn đề này giải quyết thì doanh nghiệp có sẽ nguồn vốn để tiếp tục hoạt động bình thường.

 

Giao dịch bất động sảnđang "ấm" dần lên

Không chờ tới văn bản chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho một số dự án lớn, trong vài tuần qua, thị trường bất động sản đã rục rịch có giao dịch trở lại.

Hơn 1 tháng qua, thị trường bất động sản không hẳn có đột biến về giao dịch, mà những thương vụ mua bán thành công chủ yếu từ người cần mua nhà ở thật. Tuy nhiên, một tâm lý phấn khởi, chờ đợi, hy vọng, với gam màu tươi sáng đang phủ khắp thị trường.

Nhiều ý kiến đều cho rằng, nếu các chỉ đạo từ Chính phủ được thực hiện kịp thời, ráo riết, thì thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng tan băng. Tuy nhiên điều này còn phụ thuộc lớn vào bản thân các chủ đầu tư, từ việc chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn, đến việc cơ cấu lại sản phẩm với giá hợp lý hơn.

Ghi nhận tại một số sàn giao dịch bất động sản, 1 tháng trước, số lượng giao dịch đếm được trên đầu ngón tay, nhưng hiện, mỗi sự kiện bán hàng có thể chốt được từ 30 - 40 hợp đồng. Đại diện sàn giao dịch cho biết, dù tỷ lệ thanh khoản chưa phục hồi mạnh như trước nhưng cũng đã cho tín hiệu lạc quan từ thị trường.

 

"Phân khúc được giao dịch nhiều nhất trong thời gian qua chính là phân có giá trị sử dụng và sử dụng ngay, nhận bàn giao ở ngay và cho thuê được. Những phân khúc dành cho nhu cầu người ta ở thật thì người ta đã giao dịch trong thời gian vừa qua. Còn về phân khúc bất động sản đầu tư chưa thực sự sôi động trở lại", ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha, cho biết.

Các doanh nghiệp đánh giá, các giao dịch quay trở lại phần lớn là nhờ hàng loạt chính sách tháo gỡ từ Chính phủ. Đặc biệt là Nghị quyết 33, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành đã đi đúng hướng và ngấm dần vào thị trường bất động sản. Từ đây, các chủ đầu tư tiếp tục ra mắt sản phẩm mới, dòng vốn được bơm kịp thời giúp giao dịch xuất hiện nhịp nhàng trở lại và đang đà hồi phục.

"Sự tăng trưởng thời gian trở lại đây nó phản ánh, đầu tiên là những quyết sách Chính phủ hỗ trợ cho thị trường bất động sản rất kịp thời. Chính phủ đã đưa ra gói hỗ trợ cũng như các biện pháp làm minh bạch thị trường cũng như hỗ trợ các chủ đầu tư hoàn thiện các mặt pháp lý", ông Trần Văn Chinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Việt Á Land, nói.

Dù vậy, theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, thị trường hiện nay vẫn còn đối diện với nhiều điểm nghẽn về vấn đề pháp lý như: cơ chế giao đất, đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư, cách tính giá đất… Các doanh nghiệp cũng đang mong chờ các vấn đề này cần được giải quyết sớm trong thời gian tới.

Giao dịch bất động sản “ấm” dần lên - Ảnh 2.

Giao dịch trong hơn 1 tháng qua chủ yếu tập trung ở các căn hộ chung cư có thể ở ngay, nhà đất vừa túi tiền, dao động từ 2 - 5 tỷ đồng. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

 

"Chính quyền các địa phương có thể vận dụng để tháo gỡ những khó khăn, phê duyệt cho các dự án phát triển được khơi thông và họ lại phát triển. Như vậy nó lại có guồng quay kinh tế, thị trường sẽ có nguồn hàng, giao dịch sẽ quay trở lại và chúng ta cũng không sợ gì nền kinh tế của chúng ta trong tương lai", ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nhận định.

Các hiệp hội, doanh nghiệp đều tỏ ra vui mừng trước hàng loạt chỉ đạo gỡ khó từ Chính phủ. Cộng đồng doanh nghiệp mong ngóng các chỉ đạo sẽ được các bộ ngành liên quan, các địa phương thực hiện nhanh, quyết liệt, để sớm tháo gỡ các điểm nghẽn.

Theo ghi nhận, giao dịch trong hơn 1 tháng qua chủ yếu tập trung ở các căn hộ chung cư có thể ở ngay, nhà đất vừa túi tiền, dao động từ 2 - 5 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dù trong tình hình nào, nhu cầu nhà ở của người dân luôn rất lớn, nhưng quan trọng là cung với cầu phải gặp nhau, thuận mua - vừa bán, đánh trùng nhu cầu thật. Bởi vậy, các chuyên gia đồng tình rằng, việc cơ cấu lại sản phẩm với giá bán hợp lý, vừa túi tiền là giải pháp nhanh và tốt nhất lúc này cho các chủ đầu tư.

Hiện nay, nhiều chủ đầu tư đã bắt đầu quan tâm tới nhà ở xã hội vừa túi tiền và rất có thể sẽ bắt tay triển khai ngay, nếu các vướng mắc về cơ chế, chính sách, vốn được khơi thông.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm