Thị trường

Gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá trong liên kết vùng Đồng bằng sông Hồng

DNVN - Với mục tiêu đến năm 2030 Đồng bằng sông Hồng trở thành vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

Hàn Quốc điều tra chống bán phá giá thép không gỉ cán nguội từ Việt Nam / Đà Lạt: Ngành chức năng “tuýt còi”, một cửa hàng Bách Hoá Xanh vẫn ngang nhiên bán thực phẩm

Chưa hình thành chuỗi giá trị và các cụm liên kết ngành

Thông tin được Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh tại hội nghị "Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Đồng bằng Sông Hồng" ngày 5/6 tại Hà Nội.

Thời gian vừa qua, vùng Đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh. Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế, sau vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn vùng đạt trên 260,88 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, giảm gần 12,25 tỷ USD so năm 2022 do tác động chung của bối cảnh ngoại thương toàn cầu khó khăn.

Thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất nước ước đạt 17,382 tỷ USD, trong đó 5/11 địa phương trong vùng thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước...


Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, vùng đang đối mặt với những vấn đề cần giải quyết như: kinh tế vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động.

Chưa hình thành được những chuỗi giá trị và các cụm liên kết ngành cũng như chưa có những đột phá về phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu thương mại tự do. Vùng cũng chưa hình thành các cụm liên kết ngành, các vùng sản xuất nông sản tập trung.

Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đánh giá, hoạt động liên kết phát triển chuỗi giá trị xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp hỗ trợ của vùng Đồng bằng sông Hồng tại Hà Nội tính liên kết còn chưa cao.


Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.

Lý do là chưa có các hướng dẫn cụ thể về tiêu chí và phương pháp đánh giá hoạt động của các cụm liên kết ngành công nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cơ chế phối hợp giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng.

Trong khi đó, đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết, cơ chế, chính sách phát triển liên kết các vùng còn chưa đồng bộ, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng.

Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng vẫn còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương. Hầu hết tập trung ở các dự án hạ tầng giao thông; các hoạt động liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của các địa phương còn chưa được triển khai sâu rộng, dẫn tới sự hạn chế giữa vùng nguyên liệu và vùng sản xuất, tiêu thụ.

Cần các giải pháp thúc đẩy phát triển vùng

Theo Quyết định số 368 ban hành ngày 4/5 vừa qua của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đồng bằng sông Hồng được định hướng là vùng đi đầu về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao. Phấn đấu đến năm 2030 trở thành vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc phát huy vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng, cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp.

"Muốn vậy, vùng Đồng bằng sông Hồng cần phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá", Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Thứ trưởng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ trao đổi về phương pháp hoặc hướng tháo gỡ các vấn đề các địa phương trong vùng đang còn vướng mắc đối với hoạt động liên kết phát triển xuất nhập khẩu, tận dụng các cơ hội thị trường nước ngoài và xúc tiến thương mại.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh đề xuất triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, xuất nhập khẩu theo các chương trình, kế hoạch của thành phố, các chương trình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu, kết nối hợp tác phát triển cụm liên kết ngành với doanh nghiệp các tỉnh, thành phố và cả nước…

Còn theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, cần quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu theo nhu cầu thị trường, các điều kiện lợi thế tự nhiên để hình thành phát triển các vùng sản xuất hàng hóa lớn được ứng dụng khoa học tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ sinh học, thông minh, hữu cơ, phát triển kinh tế tuần hoàn…

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm