Thị trường

Gói 120.000 tỷ đồng: Sẽ giải ngân ngay các dự án đủ điều kiện

120.000 tỷ đồng là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội, vì vậy không cần giải ngân gấp, nhưng những dự án đủ điều kiện thì sẽ được giải ngân ngay.

Bitcoin tăng giá kỷ lục: Hiện tượng đầu cơ hay đầu tư? / Thách thức với chiến lược xanh hóa ngành dệt may

Sẽ giải ngân ngay các dự án đủ điều kiện

Tại Hội nghị đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, đây là gói hỗ trợ phục vụ mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội vì vậy có thể kéo dài một vài năm không cần giải ngân gấp, nhanh, nhưng những dự án đủ điều kiện thì sẽ được giải ngân ngay.

Bất động sản luôn là vấn đề được Ngân hàng Nhà nước quan tâm trong chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ thị trường phục hồi và phát triển ổn định. Chính vì vậy, nhiều chính sách của Ngân hàng Nhà nước đều dành cơ chế thoả đáng cho lĩnh vực bất động sản, kể cả những cơ chế hỗ trợ như giãn hoãn nợ cho doanh nghiệp hay chính sách giảm lãi suất của các ngân hàng thương mại…

Đối với riêng Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, đó là nguồn vốn của các ngân hàng thương mại nên quan điểm cho vay, giải ngân là đúng mục tiêu, đúng đối tượng của gói hỗ trợ và hướng tới nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, với Chương trình 120.000 tỷ đồng đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án; trong đó, một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là: Hà Nội (6 dự án), Thành phố Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)...Trong số 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.

Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó, có 10 dự án có nhu cầu giải ngân bao gồm: 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng và đã được giải ngân 640 tỷ đồng; cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.

Gói 120.000 tỷ đồng: Sẽ giải ngân ngay các dự án đủ điều kiện - Ảnh 1.

Đẩy mạnh triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Vướng mắc trong quá trình triển khai

Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã đưa ra nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội như: rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD), tại một số thành phố lớn như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh các dự án nhà ở xã hội rất ít, quá trình thực hiện lại quá dài. Do đó, để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn 120.000 tỷ đồng thì các địa phương giao đất sạch cho dự án thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội để doanh nghiệp thực hiện đầu tư, từ đó giải ngân vốn mới nhanh.

Đối với các ngân hàng thương mại, hiện thủ tục vay vốn đang rất lâu vì phải trải qua quá trình thẩm định hiệu quả của dự án. Do đó, ông Nguyễn Tuấn Anh đề xuất nên bỏ qua quá trình này bởi đã là phát triển nhà ở xã hội thì dự án có hiệu quả, quy định rất rõ chủ đầu tư được 10% lợi nhuận trên tổng chi phí của dự án.

 

Nhìn nhận một cách thực tế hơn, đại diện Công ty cổ phần Đức Mạnh tại Đà Nẵng chỉ rõ thực trạng có cung thì mới có cầu, các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội còn nhiều vướng mắc. Lãi suất cho vay của gói 120.000 tỷ đồng còn cao. Bởi, hiện mức lãi suất cho vay bình thường từ 8-9%, nhưng lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng từ 7 -8,2%. Mức lãi suất này chênh lệch không lớn với mức lãi suất thông thường do đó ngân hàng xem xét giảm mức suất xuống thấp hơn nữa để doanh nghiệp mặn mà với việc vay vốn.

Trong khi đó, đại diện các ngân hàng thương mại lại cho biết: Khó khăn trong giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính, tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…

Qua thời gian triển khai chương trình, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận thấy nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa công bố danh mục này mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị. Ngoài ra, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn. Các tổ chức tín dụng qua tiếp cận, thẩm định các dự án nhận thấy, một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất…

Theo tổng hợp danh mục dự án đủ điều kiện tham gia Chương trình 120.000 tỷ đồng thì chỉ có 4 dự án (tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Nghệ An) trong tổng số 68 dự án là dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư.

Theo Ngân hàng Nhà nước, để đẩy mạnh Chương trình 120.000 tỷ đồng cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ. Từ đó, tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm