Thị trường

Hà Nội: 17.000 DN được vay mới 280.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi

DNVN - Tại Hà Nội, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 3.500 khách hàng với dư nợ gần 24 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 18.000 khách hàng với dư nợ trên 212 nghìn tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 280 nghìn tỷ đồng cho hơn 17.000 khách hàng.

Tiến sĩ Trần Đình Thiên: Nên tập trung nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, tạo ra một hệ thống mới thời hậu Covid-19 / Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh sản xuất hữu cơ để bảo vệ môi trường, giảm thiệt hại do dịch bệnh

Tại Hội nghị tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với UBND TP.Hà Nội tổ chức vào 14/5/2020 vừa qua, ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, sau khi có Thông tư 01 của NHNN thì toàn hệ thống ngân hàng đã trực tiếp hướng dẫn các doanh nghiệp (DN), hỗ trợ các DN nhỏ và vừa trên địa bàn TP HN các thủ tục, điều kiện vay vốn. Ban đầu, hệ thống ngân hàng chỉ ưu tiên các lĩnh vực, ngành nghề liên quan đến dịch vụ y tế, đồ bảo hộ, nhưng hiện nay thì đã mở rộng thêm các đối tượng, DN có thể thụ hưởng sau dịch Covid-19. Đối với hệ thống ngân hàng, ngoài việc tiếp cận các DN thì họ cũng thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo mà NHNN hướng dẫn. Quan trọng nhất là các gói giải ngân của hệ thống ngân hàng đã trực tiếp đến với các DN để tập trung, thúc đẩy các hoạt động về SX nội địa.

Thêm nữa, ông Mạc Quốc Anh cũng đánh giá hệ thống ngân hàng vừa qua đã giảm các chi phí quản lý, vận hành trong hệ thống ngân hàng. Do vậy, các chi phí về lãi vay đã được giảm tối đa cho hệ thống DN. Chi phí vận hành của các hệ thống ngân hàng là tương đối lớn. Đây là việc làm hết sức tích cực của hệ thống ngân hàng thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, ông Mạc Quốc Anh cũng cho rằng, hiện nay, các ngân hàng đang tiếp tục giảm các khoản lãi cũ mà các DN đang vay. Điều đó có nghĩa là ngoài việc đồng hành cùng DN thời gian vừa qua, NH đã có 2 gói hỗ trợ DN cùng lúc. Việc tiếp tục giảm lãi suất trong thời gian tới sẽ giúp các DN tái hoạt động sản xuất, kinh doanh. Sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội, cách ly xã hội, các hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã trở lại bình thường. Nhà nước đang kích thích các hoạt động nội địa nên các DN có nguồn trả gốc và lãi cho hệ thống ngân hàng. Nên việc giải ngân trong thời gian tới với các ngân hàng cho các DN là không gặp bất kể khó khăn nào.

Tuy nhiên, nói về các khó khăn của DN khi thực hiện các thủ tục vay vốn, ông Mạc Quốc Anh cho rằng, các chuyên viên, kế toán trong hệ thống DN chưa đọc, hiểu rõ và kỹ các thủ tục hướng dẫn, nên khi phối hợp với các bộ phận tín dụng trong hệ thống ngân hàng chưa xây dựng được bộ hồ sơ chuẩn. Do vậy sẽ ảnh hưởng đến việc giải ngân trong hệ thống ngân hàng.

Ông Trần Quốc Hùng – Phó Giám đốc NHNN TP Hà Nội.

Ông Trần Quốc Hùng – Phó Giám đốc NHNN TP Hà Nội.

Tại hội nghị, ông Trần Quốc Hùng – Phó Giám đốc NHNN TP Hà Nội cho biết, NHNN chi nhánh Hà Nội đã khẩn trương thực hiện Thông tư 01 và Chỉ thị 02, coi đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, xuyên suốt trong năm 2020. NHNN chi nhánh Hà Nội đã thành lập bộ phận thường trực, thiết lập 3 đường dây nóng để trực tiếp tiếp nhận thông tin, ý kiến, kiến nghị, phản ánh của các DN, cá nhân có quan hệ tín dụng với các NH, trả lời các kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội doanh nhân tiêu biểu Hồng Lam…

Đến nay, trên địa bàn TP Hà Nội, các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 3.500 khách hàng với dư nợ gần 24 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 18.000 khách hàng với dư nợ trên 212 nghìn tỷ đồng; cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1/2020 đến nay đạt trên 280 nghìn tỷ đồng cho hơn 17.000 khách hàng.

Về triển khai các gói hỗ trợ khách hàng của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) trên địa bàn Hà Nội, đã thực hiện các biện pháp gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ để tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội đã bổ sung thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH TP Hà Nội. Tính đến 31/3/2020, Chi nhánh NH CSXH TP Hà Nội đã gia hạn và điều chỉnh kỳ hạn nợ cho 3.380 khách hàng với dư nợ được điều chỉnh kỳ hạn và gia hạn nợ là 126 tỷ đồng. HĐND, UBND TP đã nhanh chóng thông qua việc chuyển 650 tỷ đồng từ ngân sách địa phương sang NHCSXH TP Hà Nội, đáp ứng khoảng 65% nhu cầu vốn cần thiết bổ sung để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Bùi Danh Liên – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, NHNN và các cơ quan đã thực hiện các chính sách hỗ trợ kịp thời nhanh chóng giúp các đơn vị vận tải khắc phục khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh. NHNN đã thực hiện nghiêm Chỉ thị của Thủ tướng CP và thực hiện quyết liệt, nhanh nhất, tạo hào khí mới cho các DN vận tải trong đại dịch vừa qua.

Về phía ngân hàng, ông Bùi Danh Liên nhắc lại động thái của Ngân hàng với ngành vận tải. Ngày 6/3/2020, Hiệp hội Vận tải Hà Nội có văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ và NHNN đề ra các giải pháp trong đó có đề nghị Ngân hàng thực hiện 1 số giải pháp như khoanh nợ, giảm nợ, hạ lãi suất ngân hàng. Đến nay, các DN vận tải đã được hưởng các chính sách hỗ trợ đó và Hiệp hội vận tải Hà Nội không nhận thêm thắc mắc nào của các đơn vị liên quan đến ngành Ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc Công ty cổ phần truyền dẫn Long Biên cũng cho biết, Công ty cổ phần truyền dẫn Long Biên hoạt động trong lĩnh vực thiết bị điện và bảo hộ lao động, hợp tác với Ngân hàng MB 7 năm. Chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, những tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian đầy thách thức với công ty. Hiếm có dịch bệnh nào có tác động hầu hết đến các lãnh thổ, quốc gia như Covid-19. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, cả nước có gần 35.000 DN giải thể, phá sản trong 3 tháng đầu năm, hàng ngàn DN đang chờ làm thủ tục giải thể.

“Chúng tôi đánh giá cao việc NHNN đã ban hành và có những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhằm hỗ trợ DN, trong đó có Thông tư 01. MB Chi nhánh Sở giao dịch 1 đã phản ứng nhanh trong việc đồng hành và chia sẻ cùng DN. Ngay sau khi có Thông tư 01, MB đã chủ động phối hợp cùng chúng tôi ngay lập tức rà soát toàn bộ các dự án mà chúng tôi đang tham gia, thực hiện đánh giá tổng thể nhằm đưa ra các giải pháp. Rà soát cảnh báo các dự án sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch, tăng thời gian cho vay trên khế ước, cơ cấu gia hạn thời gian đến hạn vay các khế ước nhận nợ của các dự án ảnh hưởng bởi dịch cộng thêm 6 tháng, giảm lãi vay… Bên cạnh đó, khi sử dụng các giao dịch chuyển tiền trong và ngoài nước đều được miễn phí giao dịch”. bà Thu Hằng cho hay.

Với những chia sẻ và đồng hành kịp thời thiết thực của MB, giúp công ty của bà Hằng giảm được đáng kể áp lực tài chính, chi phí liên quan đến các khoản vay, chủ động đc với các nguồn tiền giúp khách hàng hoạt động ổn định, đảm bảo đời sống cho cán bộ nhân viên…

Bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho rằng, với bối cảnh khác so với các năm trước, khi bối cảnh dịch bệnh diễn ra. Thông tư 01 có lẽ là Thông tư đi vào lịch sử, được cộng đồng DN, khách hàng cá nhân rất quan tâm.

MB đã tiếp thu toàn bộ hướng dẫn chỉ đạo, quán triệt Thông tư 01, ngay lập tức đã ban hành hướng dẫn toàn hệ thống, tập huấn toàn hệ thống. Khu vực HN chiếm 1/3 dư nợ toàn hệ thống, đây là khu vực trọng điểm nên các chi nhánh tại HN cũng triển khai trực tiếp. MB đã chủ động giải thích với khách hàng, hệ thống chi nhánh phải lưu ý đối tượng, phạm vi, thời gian để thực hiện đúng quy định, đối tượng khách hàng thuộc phạm vi của Thông tư 01.

Với Chỉ thị 02 cơ bản thuộc về ngành Ngân hàng nhưng cũng liên quan các DN thì MB đã thực hiện cắt giảm miễn, giảm phí và triển khai các App giao dịch điện tử và thực hiện các dịch vụ chuyển tiền ủng hộ, từ thiện miễn phí, giảm lãi suất huy động làm cơ sở giảm lãi suất cho vay. MB đánh giá việc vào cuộc của các TCTD, trong đó có MB đã vào cuộc rất nhanh.

“Đến nay, chỉ có 1, 2 ý kiến cơ bản là các khoản nợ của DN đó bị quá hạn, nguồn thanh toán các DN chứng minh cũng không rõ ràng, sau khi giải thích với khách hàng thì khách hàng không có ý kiến gì nữa”, bà Trung Hà cho biết.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo