Thị trường

Hầu hết doanh nghiệp ngành nhựa đang sử dụng máy móc cũ, lạc hậu

DNVN - Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây với doanh nghiệp (DN) ngành nhựa, gần 80% DN không quan tâm đến định mức tiêu hao năng lượng, khoảng 78% DN không có kế hoạch cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng, hầu hết sử dụng các loại máy móc lạc hậu...

Bán thức ăn chăn nuôi kém chất lượng, một hộ kinh doanh bị xử phạt hơn 12 triệu đồng / Gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất năm 2023

Nhiều hạn chế, thách thức
Kết quả khảo sát, điều tra DN ngành nhựa do Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ Việt Nam thực hiện cho thấy, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm cũng như các DN ngành nhựa việc thực hiện quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, quy định về định mức tiêu hao năng lượng vẫn còn có những hạn chế nhất định.
Cụ thể, 57% DN đạt mức tiêu hao năng lượng, 43% DN còn lại phải thay đổi, cải tiến nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng để đạt mức tiêu hao năng lượng theo quy định Nhà nước đã ban hành.
Về nhận thức của DN liên quan đến quy định định mức, gần 80% DN không quan tâm đến định mức tiêu hao năng lượng. Gần 78% DN không có kế hoạch cải thiện hiệu suất tiêu hao năng lượng.
Cũng theo khảo sát, hơn 50% DN nộp báo cáo về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng như kiểm toán năng lượng đối với các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong ngành nhựa.
Đánh giá về kết quả khảo sát này, ông Dương Chí Công - Kiểm toán trưởng Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ Việt Nam - đơn vị phối hợp với Bộ Công Thương triển khai các chương trình về tiết kiệm năng lượng điện cho ngành nhựa cho biết, định mức tiêu hao năng lượng quá khó với các DN ngành nhựa. Với các DN quy mô nhỏ, việc tuân thủ về định mức tiêu hao năng lượng, đo lường tiết kiệm năng lượng gặp khó khăn. Hầu hết DN thiếu đồng hồ phụ, thiếu phần mềm để kiểm soát và thu thập số liệu tiêu thụ năng lượng nên gặp khó khăn trong tính toán suất tiêu hao năng lượng.

Ông Dương Chí Công - Kiểm toán trưởng Công ty Cổ phần giải pháp công nghệ Việt Nam.
Hầu hết các DN đang sử dụng các loại máy móc lạc hậu, cũ. DN rất khó để thay đổi công nghệ do vấn đề về vốn đầu tư. Thêm vào đó, DN không nhận được sự hỗ trợ các sở công thương.
Đối với nhựa vật liệu xây dựng, định mức tiêu thụ năng lượng không xem xét sự khác biệt của nguyên liệu (PVC, PP-R, HDPE). Do đó, các DN gặp khó trong quá trình tính toán định mức.
Sản phẩm của các DN sản xuất sản phẩm nhựa rất đa dạng, nhiều chủng loại, kích thước, thay đổi tùy theo đơn hàng của khách hàng và nhu cầu thực tế, một số linh kiện chỉ cần sản xuất một lần là xong đơn hàng.
Chuẩn bị cho lộ trình kiểm kê khí nhà kính
Liên quan đến quy định thực hiện kiểm kê khí nhà kính (KNK) và lộ trình thực hiện chuẩn bị cho thị trường carbon, ông Công cho rằng, các DN có tên trong danh mục kiểm kê cần có sự chuẩn bị nhất định để đến năm 2025 có báo cáo kiểm kê KNK nộp lên Bộ Tài nguyên & Môi trường. DN cũng phải xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK dựa trên kết quả kiểm kê KNK.
Các DN thuộc danh sách phải thực hiện kiểm kê sẽ được phân bổ hạn ngạch phát thải KNK dựa trên kết quả kiểm kê. Đây là quyền lợi của DN trong thị trường carbon sau này. Nếu không dùng hết hạn ngạch DN có thể sử dụng hạn ngạch còn lại để bán cho các DN khác. Đây là động lực cho DN thu lợi từ thị trường carbon nếu thực hiện tốt các giải pháp về giảm phát thải KNK.
"Trong ngành công nghiệp có khoảng 70 - 80% phát thải KNK từ năng lượng nên các biện pháp tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng, các biện pháp tiết kiệm năng lượng cũng sẽ là 1 trong những biện pháp để giảm phát thải KNK, nâng hạn mức sử dụng để mua bán tín chỉ carbon trên thị trường carbon", ông Công nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo cũng sẽ là các giải pháp tốt để sử dụng nguồn năng lượng sạch hơn, phát thải KNK ít hơn và không phát thải KNK. Qua đó, DN có thêm hạn mức để thực hiện mua bán tín chỉ carbon và thu lợi từ thị trường carbon.
Đối với DN nào sử dụng quá hạn mức cho phép thì phải mua tín chỉ carbon từ DN khác. Với việc thị trường carbon sẽ chính thức đi vào hoạt động từ năm 2018 sau khi thử nghiệm vào năm 2025, DN có thể mua bán tín chỉ carbon trong thị trường Việt Nam cũng như thị trường quốc tế.
Với việc thực hiện kiểm kê KNK, DN sẽ được công nhận hành động tự nguyện sớm về kiểm kê KNK. Do đó, ông Công khuyến nghị DN cần chủ động rà soát và hoàn thiện cơ sở dữ liệu để đáp ứng yêu cầu cung cấp số liệu theo quy định. Chủ động đề xuất phương pháp luận kiểm kê cho mình để tạo điều kiện thuận lợi cho các kỳ kiểm kê khí nhà kính tiếp theo.
Cùng với đó, chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ về phát thải carbon trong quá trình sản xuất khi tiếp cận các thị trường đang thiết lập hàng rào carbon, áp dụng thuế carbon với các sản phẩm nhập khẩu. Đồng thời chủ động xác định ngưỡng phát thải KNK của DN để xem xét các hành động giảm phát thải phù hợp.
Việc DN thực hiện tốt các quy định trên sẽ hỗ trợ DN hoàn thành các nghĩa vụ khác, bên cạnh đó sẽ nâng cao hình ảnh DN và sức cạnh tranh của DN trên thị trường.
Trong bối cảnh Chính phủ, các bộ, ban ngành đưa ra nhiều quy định cùng với việc nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nếu DN không chủ động và chuẩn bị tốt thì đến một lúc nào đó DN có thể phải dừng cuộc chơi.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm