Hòa Bình: Những mô hình do phụ nữ làm chủ cho thu nhập khủng
Việc triển khai các mô hình kinh tế hợp tác (KTHT) mới đang ở bước đầu, tuy nhiên đã khẳng định hướng đi đúng đắn trong công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong hơn 100 mô hình khởi nghiệp thành công của tỉnh Hòa Bình, nhiều mô hình khởi nghiệp do những phụ nữ trẻ điều hành, đã mang lại giá trị lớn cho cộng đồng.
Khởi nghiệp từ số vốn ít ỏi
Năm 2011, với số vốn ít ỏi, vợ chồng chị Bùi Thị Sa, xóm Đảng, xã Chí Thiện (huyện Lạc Sơn) quyết tâm phát triển mô hình chăn nuôi gà thả vườn. Để có con giống bảo đảm, chị và chồng lặn lội về tận Thanh Hóa thuê lò ấp. Nhận thấy tại địa phương, nhu cầu giống gà bản địa rất lớn mà chưa có lò ấp, gia đình chị mạnh dạn vay vốn đầu tư một máy ấp trứng.
Cùng với mở lò ấp, chị tận dụng đất vườn chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng. Qua 5 năm gây dựng mô hình, chị Sa đã đầu tư được 4 lò ấp trứng gà, một trang trại gà đẻ và gà thịt hơn 5.000 con. Trung bình mỗi năm thu nhập từ gà thịt và trứng hơn 200 triệu đồng.
Nhận thấy tiềm năng từ mô hình của gia đình chị Sa, Hội LHPN huyện Lạc Sơn đã khảo sát và hỗ trợ chị Sa cùng hơn 20 hội viên phụ nữ xóm Đảng thành lập mô hình HTX kiểu mới do phụ nữ làm chủ. Đến nay, trung bình mỗi thành viên trong HTX Chăn nuôi và cung ứng gà xã Chí Thiện nuôi 1.000 con gà thịt và gà đẻ.
Ngay sau khi thành lập, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các ngành hướng dẫn thành viên tham gia chương trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời hỗ trợ công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường. Nhờ đó, HTX có nhiều cơ hội để phát triển.
HTX do chị Sa làm chủ là một trong những HTX do Hội Phụ nữ hỗ trợ thành lập đang hoạt động hiệu quả. Trong 5 năm, tỉnh Hòa Bình đã hỗ trợ, xây dựng mới 112 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ; tổ chức 112 lớp tập huấn cho 3.450 hội viên, thanh niên, thành viên HTX, tổ hợp tác, CLB thanh niên phát triển kinh tế; 43 buổi tọa đàm giúp thanh niên phát triển kinh tế...
Doanh thu hàng tỷ đồng
Cũng giống như chị Sa, chị Trịnh Thị Thanh Hòa (thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc) vốn là thạc sĩ về khoa học cây trồng. Với kiến thức kinh doanh bằng 0, nhưng chị đã mạnh dạn khởi nghiệp và trở thành chủ một dự án có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho 250 hộ dân.
Chị Hòa cho biết: “Trong quá trình làm cán bộ khuyến nông, tôi nhận thấy sự thay đổi của khí hậu ngày càng gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, chẳng hạn hạn hán khiến nhiều cây trồng trước đây không thích ứng được, người dân thì bỏ đất đi làm thuê nhiều nên đã trăn trở việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng”.
Chị nghiên cứu và thấy cây sachi phù hợp với khí hậu và mang lại nguồn lợi kinh tế cao nên đã thành lập dự án để phát triển vùng cây sachi và thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình. Ban đầu, chị Hòa gặp khó khăn về vốn sản xuất; về quản trị dòng tiền vì chưa có kiến thức chuyên sâu về tài chính; về công nghệ sản xuất… Sau khi tham gia chương trình thanh niên khởi nghiệp, được tập huấn về quản trị kinh doanh và hỗ trợ kết nối tham gia Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hòa Bình, chị được giúp đỡ, tư vấn để làm nên thành công ngày hôm nay.
Năm 2018, dự án của chị tham gia Cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên tỉnh Hòa Bình lần 1 đã đạt giải Nhì. Doanh thu từ loại cây này đạt trên 1 tỷ đồng vào năm 2018 đã góp phần giải quyết việc làm cho 250 hộ nông dân và giúp họ tham gia liên kết hình thành thói quen sản xuất hàng hóa theo chuỗi liên kết giá trị; đồng thời tạo ra được sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người có nguồn gốc hoàn toàn từ thiên nhiên.
Chị Phạm Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hòa Bình, cho biết việc xây dựng các mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ là góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động trẻ, góp phần giải quyết việc làm cho thanh niên tại địa phương; đồng thời cung cấp cho thị trường các loại sản phẩm hàng hóa năng suất và chất lượng cao…
End of content
Không có tin nào tiếp theo