Thị trường

Hoa hồng Đà Lạt rớt giá thê thảm, hoa sáp “cháy hàng”

DNVN - Chỉ còn 2 ngày nữa là tới 8/3 nhưng giá bán sỉ hoa hồng tại các nhà vườn Đà Lạt bị rớt giá thê thảm, chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm trước. Theo người trồng hoa tác động của dịch bệnh COVID-19 khiến thị trường hoa Đà Lạt năm nay biến động bất thường.

Thông thường vào trước dịp lễ 8/3 hàng năm, chủ các nhà vườn trồng hoa hồng tại Đà Lạt và Lạc Dương (Lâm Đồng) luôn bận bịu cùng các công nhân thu hoạch, đóng gói để vận chuyển cho kịp các đơn hàng của thương lái đi các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội,.. Thế nhưng năm nay thị trường khá im ắng khác thường, mặc dù các chủ nhà vườn đã chủ động cắt giảm số lượng hoa cung ứng ra thị trường.

Anh Nguyễn Văn Tùng, chủ xưởng hoa Ông Đen (Làng hoa Vạn Thành, Phường 5, TP Đà Lạt) cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu thị trường dịp 8/3, xưởng hoa của chúng tôi đang đóng gói mỗi ngày khoảng 10.000 bông gửi xuống cho các thương lái chợ hoa Hồ Thị Kỷ (Q.10, TP.HCM), nơi chuyên bán sỉ lẻ hoa lớn nhất TP.HCM. Nhưng chưa có năm nào giá hoa rớt thê thảm như năm nay. Giá hoa ngày thường chỉ được 200 – 300 đồng/ bông và 500 đồng với loại bông đẹp. Mấy ngày nay tuy lễ 8/3 sắp đến giá hoa cũng chỉ lên được 2.000-3.000 đồng/ bông. Trong khi dịp 8/3 năm ngoái giá hoa hồng đạt 7.000-8.000 đồng/bông”

Hoa hồng đang được đóng gói để xuất bán xuống chợ hoa Hồ Thị Kỷ (TP.HCM).

Hoa hồng đang được đóng gói để xuất bán xuống chợ hoa Hồ Thị Kỷ (TP.HCM).

Trồng hoa hồng lâu năm tại xã Lát, Lạc Dương, Lâm Đồng, chị Nguyễn Thị Phương Oanh vừa thu hoạch hoa vừa chia sẻ: “Gia đình chúng tôi trồng 3 loại hoa hồng chính là Đỏ Sa, Đỏ Cờ và Trắng Xoáy. Sở dĩ hoa hồng Đà Lạt rất được khách hàng ưa chuộng bởi vì cánh dày, độ tươi lâu, rất phong phú về màu sắc và giá cũng hợp lý so với hoa hồng ngoại. Tuy nhiên năm nay thời tiết nắng nóng, khô hạn dẫn chất lượng bông hồng nhỏ hơn, nở sớm hơn mà giá cả chỉ bằng một nửa thậm chí 1/3 năm ngoái khiến nhà vườn chúng tôi thiệt đơn thiệt kép…”

Thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng hoa hồng.

Thời tiết nắng nóng, khô hạn kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng hoa hồng.

Nguyên nhân chính được cho là do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khiến tâm lý người dân ngại ra chỗ đông người, các khách sạn cũng ít khách nên không trang trí nhiều hoa. Số hoa được đưa đến các tỉnh thành khác đã ít đi nhiều vì không có khách mua, nhu cầu tiêu thụ thấp. Ngoài ra, trong những năm gần đây có xu hướng khách hàng chuyển dần qua mua các loại hoa hồng giả như hoa hồng sáp, hoa hồng giấy. Do các loại hoa giả này được sản xuất này càng bắt mắt, giống như hoa thật mà lại trưng được lâu mà không cần bảo quản cầu kỳ.

Chị Hằng chủ sạp hoa tại khu vực Ngã 5 đại học, TP Đà Lạt cho biết từ đầu tháng 3 học sinh và sinh viên các trường đã đi học trở lại, nhưng dịp quốc tế phụ nữ 8/3 này các đơn đặt hàng tại cửa hàng cũng rất ít, hiện chỉ bằng nửa so với các đơn hàng năm ngoái. Trong các đơn hàng này hoa hồng tươi chỉ chiếm 30% và thường được đặt mua bởi các cơ quan, trường học. Còn lại chủ yếu là hoa hồng sáp và hoa hồng giấy, mặc dù các bó hoa này có giá từ 300.000 – 500.000 đồng. Hoa giả đang có giá khá cao vì theo chị Hằng nguyên liệu nhập từ TP.HCM về hiện đang “cháy hàng”, phải đặt trước từ 10 ngày mới có.

Phần lớn hoa hồng trong sạp của cô Hằng là hoa sáp và hoa giấy.

Phần lớn hoa hồng trong sạp của chị Hằng là hoa sáp và hoa giấy.

Trước tình hình kinh doanh hoa ế ẩm mùa dịch, chủ các cửa hàng hoa truyền thống đã chủ động tìm kiếm lượng khách hàng online bằng cách chụp các bó hoa bắt mắt, cắm các giỏ hoa theo chủ đề yêu thương để đăng lên các kênh như Facebook, Website, Forum rao vặt.

Bài và ảnh: Trung Đức
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo