Thị trường

Hoan nghênh các DN mong muốn đầu tư, chuyển đổi sản xuất khẩu trang y tế

DNVN - Bộ Y tế vừa ban hành công văn gửi Bộ Công Thương về việc phối hợp quản lý mặt hàng khẩu trang y tế. Công văn của Bộ Y tế nhấn mạnh việc hoan nghênh các DN quan tâm, có mong muốn đầu tư, chuyển đổi sản xuất mặt hàng khẩu trang y tế.

Trong giai đoạn chống dịch Covid-19: Xuất khẩu khẩu trang y tế phải xin giấy phép / Tiêu hủy gần 80.000 chiếc khẩu trang y tế của cơ sở sản xuất chưa đủ điều kiện lưu hành

Theo công văn số 2018/BYT-TB-CT, để thống nhất trong quản lý và hỗ trợ các đơn vị tham gia sản xuất, cung ứng mặt hàng khẩu trang phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công Thương cùng phối hợp triển khai, hướng dẫn các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý nội dung liên quan đến mặt hàng khẩu trang y tế và mặt hàng khẩu trang vải và khẩu trang kháng giọt bắn, kháng khuẩn.
Cụ thể, đối với mặt hàng khẩu trang y tế, Bộ Y tế cho biết đây là trang thiết bị y tế và phải đáp ứng các quy định về quản lý trang thiết bị y tế theo yêu cầu của Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 15/5/2016, Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 và Nghị định số 03/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế.
Theo đó, khẩu trang y tế phải đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu TCVN 8389-1:2010, TCVN 8389-2:2010, TCVN 8389-3:2010 và có số lưu hành do Sở Y tế, trên địa bàn doanh nghiệp sản xuất hoạt động, cấp dưới dạng "Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng của trang thiết bị y tế thuộc loại A".

Ảnh minh họa.
Theo công văn này, Bộ Y tế hoan nghênh các DN quan tâm, có mong muốn đầu tư, chuyển đổi sản xuất mặt hàng khẩu trang y tế. Do đó, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công Thương tổng hợp danh sách gửi Bộ Y tế và phối hợp thông báo cho các DN liên hệ với Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) để được hướng dẫn, hỗ trợ triển khai theo quy định và tham gia cung ứng, xuất khẩu theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đối với mặt hàng khẩu trang vải và khẩu trang kháng giọt bắn, kháng khuẩn, đây không phải là trang thiết bị y tế và không thuộc diện phải cấp phép xuất khẩu theo Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các tổ chức, cá nhân liên quan nghiên cứu thực hiện theo đúng quy định hiện hành về sản xuất, cung ứng, sử dụng và xuất khẩu hàng hóa.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp dệt may, hiện nay Chính phủ chỉ cho phép dùng trong nước 75% sản lượng khẩu trang y tế và 25% còn lại thì phải có chỉ định, hợp đồng, điều này sẽ “bó” các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh khẩu trang.
Về vấn đề này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định tại Nghị quyết 20/NQ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ, khẩu trang y tế chỉ được xuất khẩu trong trường hợp viện trợ, hỗ trợ quốc tế được Chính phủ Việt Nam cho phép. Và nếu được cấp phép thì cũng chỉ cho xuất khẩu tối đa 25% sản lượng của doanh nghiệp.
Quy định trên được đưa ra để dành ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh ở trong nước, đảm bảo có đủ trang thiết bị cho đội ngũ y bác sỹ, cán bộ y tế trên tuyến đầu chống dịch. Hiện nay, chúng ta vẫn chưa lường được hết diễn biến của dịch bệnh nên vẫn phải luôn đề phòng khả năng dịch bệnh bùng phát, số ca nhiễm tăng cao. Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang thực hiện mua dự trữ khẩu trang y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch về lâu dài, vì vậy việc quản lý chặt chẽ xuất khẩu khẩu trang y tế là cần thiết.
Trong trường hợp Việt Nam và các nước khác khống chế được dịch Covid-19, khả năng cung ứng và dự trữ trong nước đối với mặt hàng này đáp ứng đủ nhu cầu, các Bộ ngành có thể phối hợp xem xét, kiến nghị Chính phủ biện pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm