Hoạt động cấp phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đang bị ách tắc
Vận tải hàng hóa qua nhiều cảng biển tăng mạnh / Giảm phí trong cước vận tải không phải là giải pháp chính gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam, Bộ Giao Thông vận tải đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật quản lý hoạt động vận tải ô tô và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, trước những diễn biến của thực tiễn, hoạt động vận tải ô tô vẫn đang còn nhiều số khó khăn, ách tắc cần được tháo gỡ.
Đó là sự ách tắc trong công tác kiểm định xe cơ giới, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải ô tô. Bộ Giao thông vận tải đã sửa đổi Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Theo đó, đã miễn kiểm định lần đầu đối với xe ô tô mới và điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với xe không kinh doanh vận tải.
Theo thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam, sẽ có trên 500.000 xe được miễn kiểm định lần đầu và 3,1 triệu xe được dãn chu kỳ kiểm định. Qua đó góp phần vào việc giảm nhu cầu kiểm định và giảm ách tắc trong công trình lã tác kiểm định hiện nay.
“Nhưng với 3,1 triệu xe được dãn chu kỳ kiểm định thì phải đến chu kỳ kiểm định tiếp theo mới được hưởng chính sách này và như vậy, tình trạng xe phải chờ đợi kiểm định kéo dài 2 - 3 ngày, có khi lên 4 - 5 ngày vẫn tồn tại, chưa có dấu hiệu suy giảm”, ông Quyền nói.
Để khắc phục tình trạng trên, trong cuộc họp Ban Thường vụ của Hiệp hội ô tô vận tải Việt Nam ngày 1/4/2023 đã thống nhất kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải cho phép các xe ô tô không kinh doanh vận tải được dãn chu kỳ kiểm định ngay chứ không phải đến chu kỳ kiểm định tiếp theo như nói ở trên.
Giải pháp thực hiện được đưa ra là các xe thuộc diện được dãn chu kỳ kiểm định lần đầu khi đến hạn kiểm định cho phép chủ xe/lái xe chỉ mang hồ sơ gồm đăng ký và sổ kiểm định đến trạm kiểm định kiểm tra đối chiếu dữ liệu trên hệ thống, nếu đúng thì cấp kiểm định mới cho chủ xe/lái xe với thời hạn mới phù hợp.
Điều này sẽ khắc phục ngay tình trạng quá tải ở các trạm đăng kiểm hiện nay; giải tỏa nguy cơ các đơn vị kinh doanh vận tải bị phạt chậm thực hiện hợp đồng và giải toả ách tắc hàng hóa tại các đầu mối.
Về vấn đề cấp phép vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng đang bị ách tắc, theo ông Quyền, hàng siêu trường siêu trọng là các loại thiết bị, cấu kiện không thể tháo rời nhưng vẫn phải vận chuyển từ nơi sản xuất, bến cảng, cửa khẩu... đến nơi sử dụng, lắp đặt.
Hiện nay, cả nước có khoảng 50 công ty chuyên vận tải hàng siêu trọng, trong đó đã có 16 công ty thuộc chi hội vận tải hàng siêu trường, siêu trọng trực thuộc Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam.
Hiệp hội Vận tải Hải Phòng cũng có 1 chi hội vận tải hàng siêu trường, siêu trọng. Các công ty này đã đầu tư nhiều phương tiện vận tải chuyên dùng hiện đại, xe có nhiều trục, nhiều module có thể ghép nối với nhau; có xe gắn các thiết bị nâng hạ để xử lý các tình huống trong quá trình vận chuyển.
Từ cuối năm 2022 về trước, việc cấp giấy phép cho xe vận tải hàng siêu trường, siêu trọng được thực hiện theo Thông tư 46/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.
Quá trình thực hiện Thông tư 46/2015 đã có một số vướng mắc, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, giao cho Cục Đường bộ Việt Nam có văn bản hướng dẫn số 8146/TCĐBVN-ATGT ngày 19/12/2017 về việc hướng dẫn một số nội dung trong Thông tư 46, qua đó đã tháo gỡ những bất cập của Thông tư 46.
Qua đó, hoạt động vận tải đảm bảo nhu cầu một cách kịp thời, đảm bảo an toàn giao thông và an toàn cầu đường.
“Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 lại bắt đầu có sự ách tắc. Nhiều cơ quan có thẩm quyền dừng cấp phép, một số cơ quan có thẩm quyền như một số các khu quản lý đường bộ, sở giao thông vận tải vẫn cấp phép. Từ khoảng giữa tháng 3 đến nay hầu như không có cơ quan nào cấp phép, hoạt động vận tải hàng siêu trường, siêu trọng gần như bị đóng băng”, ông Quyền nói.
Hiện các loại hàng siêu trường, siêu trọng bị ùn tắc tại các cảng, cửa khẩu, nhà máy các thiết bị thi công không được đưa đến các công trình kịp thời. Các cấu kiện như dầm cầu đúc sẵn không được vận chuyển...
Nhiều đơn vị vận tải có nguy cơ bị phạt vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đầu tư xây dựng các công trình, nhà máy và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây chậm trễ tiến độ đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đã có nhiều văn bản kiến nghị đến Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam nhưng tình hình trên vẫn chưa được giải quyết. Tình trạng này rất đáng lo ngại, nếu không được khắc phục kịp thời có thể ảnh hưởng không nhỏ đến cả nền kinh tế.
End of content
Không có tin nào tiếp theo