Thị trường

Hợp tác xã kiểu mới: Giúp nông dân tiết kiệm 50% chi phí sản xuất, không lo bị thương lái ép giá

Tham gia vào mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới giúp nông dân tiết kiệm tới 50% chi phí sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn, không còn cảnh bị thương lái ép giá.

Chia sẻ tại buổi họp báo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc HTX Dịch vụ nông nhiệp Nhân Lý, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, từ khi Luật Hợp tác xã (HTX) 2012 có hiệu lực đến nay đã có 100% hộ gia đình ở xã Nhân Lý vào HTX, tổng số có 637 hộ và 2.460 thành viên. Mô hình hợp tác xã kiểu mới mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, nên đã thu hút nông dân tự nguyện tham gia.

Máy móc giúp giải bài toán thiếu nhân lực ở nông thôn

Chia sẻ về những lợi ích khi HTX đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất nông sản, bà Hương cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và huyện Bình Xuyên có rất nhiều khu công nghiệp mở ra, nên những người trẻ đa số đi làm tại các khu công nghiệp lương cao hơn. Chỉ những người có tuổi, không đi vào nhà máy được mới ở lại đi lao động ở quê. Việc thuê nhân công làm ở HTX rất khó, tiền công từ 400.000 - 500.000 đồng/ngày cũng không thuê được.

Để giải quyết bài toán thiếu nhân lực trong sản xuất nông nghiệp, Ban quản trị HTX Nhân Lý đã lựa chọn giải pháp phải đưa máy móc cơ giới hóa vào sản xuất khép kín từ gieo hạt đến gặt. Ban quản trị HTX đã thống nhất dùng sổ đỏ của gia đình mình để thế chấp vay ngân hàng, có tiền để mua máy cấy, máy gieo mạ, mua khay mạ. Sau đó, Ban quản trị còn đi học cách làm, cách điều khiển máy, thuê công nhân làm máy rồi hướng dẫn lại cho nông dân. Sau một thời gian dùng máy móc đạt hiệu quả, tiết kiệm chi phí thì nhiều hộ nông dân tự nguyện tiếp tục góp vốn vào để mua thêm máy móc áp dụng vào sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HTX Nhân Lý, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (áo xanh).

Bà Hương cho biết, việc ứng dụng cơ giới hóa khép kín trong sản xuất giảm chi phí tới 50% trong sản xuất nông nghiệp. Ví dụ, trước kia chi phí để làm một sào lúa phải từ 900.000 đồng -1 triệu đồng/sào, nay khi đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất khép kín, thì nông dân chỉ nộp cho HTX cao nhất chi phí là 450.000 đồng/sào. Nông dân cũng không phải vất vả làm đồng như trước đây mà chỉ làm khâu bón phân.

Khi tham gia vào HTX, nông dân được hưởng lợi rất nhiều nhờ cơ chế hỗ trợ cho các HTX như giảm giá 70% giá giống, mua phân bón giảm giá, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn. Nông dân thay vì canh tác nhỏ lẻ nay đã khoanh vùng thành cánh đồng lớn, trồng chung 1 giống, rồi cùng nhau tiêu thụ sản phẩm cho nhau. HTX hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm, đứng ra tìm thị trường, ký hợp đồng, nông dân thu hoạch về sẽ bán cho HTX để tiêu thụ. Với mô hình tiêu thụ chung sản phẩm, nông dân sẽ đỡ rủi ro hơn, không còn bị ép giá như khi họ tự bán ngoài thị trường.

Đề xuất tháo gỡ những khó khăn cho mô hình HTX, bà Nguyễn Thị Hương cho rằng, muốn mô hình HTX phát triển, Nhà nước cần xem xét có cơ chế để đầu tư trụ sở làm việc, đầu tư mương máng nội đồng cho HTX và tạo cơ chế cho nông dân được tiếp cận nguồn vốn và vay vốn ưu đãi.

Hợp tác xã kiểu mới sẽ làm thay những việc tự nông dân không làm được

Trả lời phỏng vấn của DNVN về mô hình HTX kiểu mới khác với mô hình HTX kiểu cũ như thế nào? Bà Phạm Thị Thanh Hà (chuyên gia tư vấn về triển khai mô hình HTX) cho biết, mô hình HTX kiểu cũ là gom chung tất cả ruộng đất, cũng như sản phẩm làm ra được là sở hữu chung của HTX. Nhưng với mô hình HTX kiểu mới thì đất đai vẫn sở hữu của nông dân, họ vẫn tự canh tác trên đồng ruộng của mình. Họ tham gia vào HTX chỉ là để HTX đứng ra đứng mũi chịu sào, làm những việc mà tự một mình nông dân không làm được như: Cùng nhau mua chung dịch vụ đầu vào để được hưởng giá rẻ hơn, bán chung sản phẩm đầu ra để được giá cao hơn, hoặc mua chung máy móc để sử dụng trong quá trình canh tác.

Bà Phạm Thị Thanh Hà, chuyên gia tư vấn về kinh tế HTX.

HTX kiểu mới sẽ thay mặt nông dân làm những cái mà tự nông dân không làm được, như kênh mương nội đồng, mua chung hay bán chung sản phẩm. Nông dân có lợi hơn vì họ sẽ không lo bị ép giá khi tự mình tiêu thụ sản phẩm. Thêm vào đó, trong trường hợp HTX bán sản phẩm ra thị trường được giá cao hơn giá thu mua của nông dân, cuối năm HTX có lãi thì thành viên còn được chia thêm một lần lãi nữa.

“Tôi muốn lưu ý thêm về vấn đề quản trị HTX, tất cả các quan hệ giữa thành viên với HTX đều phải thông qua hợp đồng để tránh những tình trạng thị trường cạnh tranh không lành mạnh như trường hợp giá thị trường cao, nông dân lại không bán sản phẩm cho HTX nữa, mà mang ra ngoài bán “trộm””. Do đó, tất cả đều phải thông qua hợp đồng với những điều khoản chi tiết”, bà Thanh Hà nhấn mạnh.

Những năm gần đây, sau khi Luật HTX 2012 có hiệu lực, hoạt động của HTX đi vào thực chất hơn. Tính đến hết năm 2018, cả nước có 22.861 HTX, thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 1.215.490 người, thu nhập bình quân 36,6 triệu đồng/năm.

Nhật Xuân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo