Thị trường

Hướng đi nào cho tiêu thụ nông sản nửa cuối năm trước sức ép của COVID-19?

6 tháng đầu năm, trong bối cảnh COVID-19, nông nghiệp vẫn chứng tỏ sức bật đáng kể. Nửa cuối năm, nông nghiệp sẽ tiếp tục vượt khó thế nào, đặc biệt là tiêu thụ nông sản.

Nhập khẩu ô tô nguyên chiếc tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2021 / Diêm dân xứ Nghệ loay hoay tìm đầu ra cho hạt muối

Nông nghiệp 6 tháng đầu năm tăng trưởng toàn diện

COVID-19 đang làm thay đổi các phương thức sản xuất và giao dịch truyền thống, khiến chúng ta phải thay đổi để thích ứng.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra sáng 1/7 tại Hà Nội, các bên đều có chung nhận định, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng do thời tiết thuận lợi, công tác chỉ đạo điều hành chủ động sáng tạo, sản xuất nông nghiệp đạt kết quả cao, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, đảm bảo lương thực, thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 3,84%. Tốc độ tăng GDP ngành khoảng 3,82%. Mặc dù chịu tác động từ đại dịch bệnh COVID-19, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm nay vẫn tăng mạnh, đạt hơn 24 tỷ USD, tăng hơn 28% so với cùng kỳ năm 2020. Thặng dư thương mại là 3,14 tỷ USD.

Xuất khẩu vải qua thương mại điện tử xuyên biên giới

Nói đến tiêu thụ nông sản, nóng nhất gần đây phải kể đến vải thiều. Hơn một nửa vụ vải thiều đi qua, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng việc tiêu thụ, xuất khẩu vẫn diễn ra khá thuận lợi.

Cho đến thời điểm này, sản lượng tiêu thụ vải thiều Bắc Giang đã đạt gần 200.000 tấn, tương đương gần 95% tổng sản lượng vải thiều. Theo UBND tỉnh Bắc Giang, kết quả này đạt 109% kế hoạch.

Hướng đi nào cho tiêu thụ nông sản nửa cuối năm trước sức ép của COVID-19? - Ảnh 1.

Vải thiều tại huyện Lục Nam, Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) năm nay đạt sản lượng cao do thời tiết thuận lợi. (Ảnh: NLĐ)

Đáng chú ý, chỉ trong chưa đầy 2 tuần, gần 2 tấn vải thiều đã được nhập khẩu vào Pháp, theo đường chính ngạch, vượt qua hàng rào kiểm dịch thực phẩm rất chặt chẽ. Năm nay cũng là năm đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu sang EU theo mô hình "Thương mại điện tử xuyên biên giới" trên nền tảng của chính Việt Nam, do người Việt Nam vận hành và phát triển.

Sau khi người tiêu dùng đặt đơn, sàn thương mại điện tử sẽ thực hiện gom đơn, vải thiều được thu hoạch tại Việt Nam và vận chuyển bằng đường hàng không sang Đức, thông qua các đối tác vận tải để giao tới tận nhà người tiêu dùng tại Đức.

Quả vải Việt Nam đến tay người tiêu dùng Đức là loại vải đạt chuẩn GlobalGAP, đã được sơ chế loại bỏ quả sâu hỏng, đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật và kiểm định chất lượng tại Việt Nam và châu Âu, được truy xuất nguồn gốc tới tận vườn trồng.

Còn tại Pháp, vải thiều Việt Nam được nhập khẩu có xuất xứ trồng ở Thanh Hà, Hải Dương và Lục Ngạn, Bắc Giang. Các lô hàng được nhập vào Pháp theo đường hàng không nên giá khá cao. Trên kệ, giá niêm yết là 16,5 Euro/kg, tức hơn 450.000 đồng.

Mỗi đợt nhập khẩu vải thiều vào Pháp từ 500 kg đến 1 tấn. Đơn vị nhập khẩu chỉ bán trong 5 - 7 ngày là hết. Dự kiến mùa vải năm nay sẽ có khoảng từ 5 - 10 tấn vải thiều tươi chất lượng cao của Việt Nam sẽ được nhập khẩu vào Pháp và thị phần ngày càng được mở rộng không chỉ ở Pháp, mà còn tại các nước khác ở châu Âu.

 

Thách thức tiêu thụ nông sản từ nay đến cuối năm

Có thể nói, trong dịch bệnh, sự chủ động và quyết tâm vào cuộc hỗ trợ nông dân đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh quả vải, còn rất nhiều mặt hàng nông sản khác cũng đang bước vào vụ thu hoạch.

Toàn miền Bắc, trong 3 tháng tới đây, sẽ có một số loại cây ăn quả chủ lực thu hoạch rộ. Thách thức phía trước là rất lớn. Trong đó, nhãn là khoảng 300.000 tấn; xoài là hơn 100.000 tấn; chuối là hơn 1 triệu tấn.

Hướng đi nào cho tiêu thụ nông sản nửa cuối năm trước sức ép của COVID-19? - Ảnh 2.

Dịch COVID-19 đã và sẽ còn tiếp tục gây nhiều sức ép tới tiêu thụ nông sản. (Ảnh minh họa: NLĐ)

Từ nay đến cuối năm, cả nước dự kiến sẽ có khoảng hơn 4 triệu tấn nông sản các loại cần được tìm đầu ra.

 

Dịch COVID-19 rõ ràng đã và sẽ còn tiếp tục gây nhiều sức ép tới tiêu thụ nông sản. Giao thông đình trệ, giá cước vận tải tăng cao, hàng rào kiểm soát ngặt nghèo hơn khiến việc vận chuyển sẽ còn khó khăn. Tuy nhiên, với kết quả 6 tháng đầu năm cho thấy, nếu tích cực chủ động vào cuộc thì nông sản Việt Nam sẽ tìm ra hướng đi. Đó cũng là tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ với ngành nông nghiệp trước những khó khăn, thách thức do dịch bệnh và những tồn tại lâu nay. Ngành nông nghiệp cũng cần chủ động tiến công, linh hoạt sáng tạo để biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm