Huy động tiền doanh nghiệp tài trợ lễ hội cũng là lãng phí
DNVN - Phải cắt giảm lễ hội, huy động tiền của doanh nghiệp tài trợ lễ hội cũng là lãng phí. Nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất như vậy trong phiên họp ngày 22/4.
Thủ tướng đề nghị báo chí giám sát việc dùng xe công đi lễ hội / Lễ hội du lịch Hải Tiến 2018: Tình biển, tình người
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến thu, chi ngân sách. Vì vậy, cần có biện pháp sắp xếp lại thu, chi ngân sách, cân đối ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định; giao thêm chỉ tiêu tiết kiệm ngân sách nhà nước năm 2020 trong tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài; tập trung ngân sách để bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục kinh tế; quyết liệt chỉ đạo để giải ngân hết kế hoạch vốn đầu tư công.
Cùng với đó, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả dịch Covid-19 bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lạm dụng chính sách…
Quang cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 22/4. (Ảnh: Quochoi.vn)
Cho ý kiến vào nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, qua kinh nghiệm ứng phó và xử lý dịch bệnh Covid-19 cho thấy, nếu tiếp tục thực hiện thay đổi cách sống, kiểu sống, cụ thể là thay đổi về lễ hội, giao lưu thì không chỉ tiết kiệm cho nhà nước, mà còn tiết kiệm cho toàn xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nêu thực tiễn việc thực hiện cách ly xã hội phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng giúp tiết kiệm được nguồn ngân sách đáng kể, ít nhất là chi phí hoạt động thường xuyên. Chính phủ nên có hướng dẫn, chỉ đạo, tránh sau khi hết thời gian cách ly có tình trạng “chi bù cho những cái lẽ ra phải chi”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng ý với Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, cho rằng lễ hội còn quá nhiều. Dù lễ hội không sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng huy động của xã hội, tiền đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cũng vẫn là lãng phí. Ví dụ, bắn pháo hoa nhiều, thời gian dài gây tốn tiền của các nhà tài trợ. Nếu huy động tiền tài trợ đó để làm cầu, đường nông thôn, giúp dân xóa đói giảm nghèo, hay huy động để ứng phó biến đổi khí hậu sẽ tốt hơn. Từ đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị lập lại trật tự trong lĩnh vực lễ hội, kể cả việc huy động, để dành nguồn lực cho nhân dân, giảm bớt tiêu dùng xa xỉ.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các quan hệ xã hội, kinh doanh, sản xuất, điều hành cũng phải có thay đổi. Phải đặc biệt chú ý đến công tác hỗ trợ của nhà nước. UBTVQH đã cho ý kiến và lưu ý về vấn đề này. Theo đó, số tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước lớn nên phải công khai, minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả, phải đến tay người dân.
“Ngay cả Quốc hội tới đây cũng sẽ có những hoạt động điều hành mang tính chất tiết kiệm rất cao. Quốc hội có thể có những kỳ họp trực tuyến cũng giúp giảm rất nhiều chi phí. Đấy là một điểm góp phần thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Cột tin quảng cáo