Không còn dễ khi xuất khẩu sang Trung Quốc
Bình Phước: Nhà nông Đặng Xuân Trinh với “bí quyết” kiếm tiền tỷ / Gia Lai: Thu hàng trăm triệu đồng trên vùng đất sỏi đá nhờ chôm chôm
Nông sản Việt xuất khẩu sang Trung Quốc cần minh bạch thông tin nguồn gốc xuất xứ. |
Siết chặt tiêu chuẩn hàng hóa
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc là một trong 4 thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản chính của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm, chiếm 20,8% thị phần, nhưng giá trị đang giảm mạnh tới 10,3%. Xu hướng sụt giảm xuất khẩu nhóm hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc đã bắt đầu từ cuối năm 2018 và tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2019. Nguyên nhân được cho là, gần đây, Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn hàng hóa.
Nếu như trước đây, một số nông, thủy sản xuất khẩu chỉ cần ướp đá trong thùng xốp, thì nay, ngoài mã vùng sản xuất, nuôi trồng, sản phẩm phải được cấp đông mới đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bà Phương, chủ doanh nghiệp lớn tại Quảng Ninh chuyên xuất khẩu sứa chia sẻ, Công ty có hơn 100 container sứa đang chờ xuất khẩu. “Tiêu thụ nội địa không đáng kể, nên đành ngồi chờ Trung Quốc thông quan”, bà Phương nói.
Hiện tại, nhiều đơn vị xuất khẩu nông sản như doanh nghiệp của bà Phương cũng trong tình trạng tương tự, hàng tồn, ùn ứ, không tiêu thụ được. Trước đó, vào tháng 6/2019, bà con ngư dân ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) cũng lâm cảnh khó khăn khi hàng ngàn tấn mực khô ế ẩm, dù giá đã giảm xuống rất thấp.
Việc Trung Quốc thực hiện siết chặt hàng nông sản nhập khẩu từ đầu tháng 5/2019 đến nay không đột ngột, mà đã có lộ trình cụ thể. Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đã thông báo từ tháng 11/2018, sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa cảnh báo và hướng dẫn.
Tuy nhiên, nhiều địa phương, nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa đẩy mạnh việc xây dựng mã số vùng trồng hay đăng ký mã truy xuất nguồn gốc, tuân thủ những điều kiện mà nước bạn đưa ra.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận, bên cạnh một số địa phương làm rất tốt việc đăng ký mã số vùng trồng - một trong những bước quan trọng để truy xuất nguồn gốc, còn nhiều địa phương, lãnh đạo, ngành chức năng chưa thực sự quan tâm.
Cũng theo ông Hòa, yêu cầu thông tin truy xuất nguồn gốc là một giải pháp nhằm đảm bảo những nông sản đó có CO (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc hàng hóa) của Việt Nam.
“Bài học nhãn tiền đối với 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Tiền Giang và Long An bị phía Trung Quốc yêu cầu xem xét dừng xuất khẩu chính ngạch, bởi thông tin họ nắm được là năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp chỉ 100.000 tấn/năm, nhưng sản lượng xuất khẩu lại lên đến 130.000 tấn, số còn lại lấy ở đâu? Nếu chúng ta không nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, thực hiện đúng quy định, sẽ tự hại mình”, ông Hòa khẳng định.
Nâng giá trị, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ
TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách, Chiến lược nông nghiệp và phát triển nông thôn phân tích, trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ, Trung Quốc càng phải chặt chẽ khi nhập khẩu nông sản. Mặt khác, thị trường Trung Quốc hiện không còn “dễ tính”, khi thu nhập bình quân đầu người tăng cao, đòi hỏi chất lượng sản phẩm tốt, an toàn, truy xuất được nguồn gốc. Trong khi đó, doanh nghiệp nước ta thường xuất khẩu nông sản loại tốt đi các thị trường “khó tính”, còn những loại trung bình được đưa đến các thị trường “dễ tính” hơn, nhiều doanh nghiệp vẫn thích buôn bán tiểu ngạch do thủ tục đơn giản.
Do đó, khi đứng trước những yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp trong nước cảm thấy bất ngờ, trong khi, đó là xu thế không thể đảo ngược và Trung Quốc mới chỉ đưa ra những yêu cầu căn bản về hàng hóa, như chỉ định rõ doanh nghiệp sản xuất, địa điểm sản xuất, cơ sở đóng gói...
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV cho rằng, những yêu cầu về chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm là đòi hỏi cơ bản, tất yếu của tất cả các thị trường nhập khẩu, chứ không riêng Trung Quốc. “Một khi Việt Nam đã gia nhập thương mại thế giới, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), thì cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu của khách hàng đưa ra”, ông Thành nêu quan điểm.
Để giải quyết tình trạng trên, theo ông Sơn, sự thống nhất giữa Nhà nước và nông dân là hết sức quan trọng, đừng đổ hết lỗi cho doanh nghiệp. Nhà nước phải sớm định ra hệ thống mã số cho các địa phương, ngành hàng và các loại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nông dân phải tham gia vào hệ thống này, bám sát diễn biến thị trường để sản xuất theo nhu cầu của người tiêu dùng. Chỉ khi làm được những điều đó, doanh nghiệp mới vượt qua được hàng rào xuất xứ, đưa hàng hóa vào thị trường Trung Quốc.
“Đã đến lúc phải tái cơ cấu nền nông nghiệp một cách cơ bản, nâng cao giá trị gia tăng để hạ giá thành sản phẩm, đặc biệt là đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, ngăn chặn sử dụng chất cấm trong sản phẩm nông nghiệp để tranh thủ được các FTA thế hệ mới. Tôi nghĩ, việc đầu tiên phải làm là xây dựng chuỗi giá trị và vùng chuyên canh nông, thủy sản. Nếu không có hai yếu tố này, sẽ không xử lý được các vấn đề trên”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ở tầm vĩ mô, ông Trần Thành Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, ngành nông nghiệp phải chuyển đổi dần tư duy, nên hướng đến việc xuất khẩu hoàn toàn theo đường chính ngạch, đảm bảo chất lượng giá trị sản phẩm, truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác.
Từ ngày 1/5/2019, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch phải đáp ứng nhiều quy định mới liên quan đến chất lượng nông sản, trong đó có 2 yêu cầu quan trọng là phải có mã số vùng trồng (chứng nhận vùng sản xuất) và mã số cơ sở đóng gói do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp.
|
End of content
Không có tin nào tiếp theo