Không tháo gỡ vướng mắc chính sách, Việt Nam chắc chắn sẽ thiếu khí
DNVN - Theo Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, trong bối cảnh nguồn cung khí nội địa đang suy giảm, nhu cầu tiêu thụ ngày càng gia tăng, nếu vướng mắc về chính sách không được tháo gỡ thì trong tương lai, Việt Nam chắc chắn sẽ thiếu khí, thậm chí thiếu khí trầm trọng.
Giá vàng ngày 23/8/2022: Vàng tiếp tục giảm mạnh / Giá heo hơi ngày 23/8/2022: Bất ngờ tăng mạnh 6.000 đồng/kg
Cung giảm, cầu tăng
Ngành công nghiệp khí và thị trường khí đã và đang khẳng định là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Trong giai đoạn 2010 - 2020, năng lượng khí của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,7% xét trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, chiếm tỷ trọng 2,3%.
Tuy nhiên, xét về cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam, tỷ trọng của năng lượng khí đối với tổng nguồn năng lượng sơ cấp đang có xu hướng giảm, từ 16,1% trong năm 2010 xuống 8,2% trong năm 2020.
Tại diễn đàn "Phát triển thị trường khí Việt Nam: Xây dựng thị trường khí Việt Nam cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả" sáng 25/8 tại Hà Nội, ông Đặng Hải Anh - Trưởng phòng Dầu khí, Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển công nghiệp khí sở hữu, do nguồn tài nguyên dầu khí, cơ sở hạ tầng công nghiệp khí đã được xây dựng tương đối đồng bộ. Chính phủ luôn quan tâm đầu tư và phát triển ngành công nghiệp khí.
Các diễn giả tại diễn đàn đều có chung nhận định, nguồn cung khí giảm trong khi nhu cầu ngày càng gia tăng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sản lượng khai thác khí hàng năm suy giảm, trong khi nhu cầu sử dụng khí tăng cao. Nhu cầu tiêu thụ khí thiên nhiên hóa lỏng (LPG) hàng năm tại Việt Nam vào khoảng 2 - 2,2 triệu tấn, chủ yếu phục vụ nhu cầu dân dụng và thương mại, trong đó nguồn nhập khẩu khoảng 1 – 1,2 triệu tấn/năm.
Một số cơ chế, chính sách đang được rà soát, hoàn thiện. Việc phát triển công nghiệp khí đòi hỏi công nghệ phức tạp, vốn đầu tư lớn. Sự phát triển của ngành chịu tác động lớn bởi sự biến động của thị trường dầu khí thế giới và tình hình chính trị thế giới.
Vướng cơ chế chính sách
Chia sẻ về thực trạng phát triển ngành khí cũng như những vướng mắc về cơ chế chính sách, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, nguồn cung khí nội địa đang suy giảm, hiện rơi vào khoảng dưới 10 tỷ m3, đến năm 2025 chỉ còn khoảng dưới 7 tỷ m3. Nhu cầu khí cho điện, cho các thị trường công nghiệp tăng rất mạnh, có thể lên đến hơn 20 tỷ m3 vào năm 2030. Trong khi đó, các mỏ khí mới vướng nhiều cơ chế chính sách, chưa đi vào trực tiếp khai thác, cung cấp ra thị trường. Thời gian tới có thể thị trường khí Việt Nam sẽ thiếu nguồn cung cho điện và khách hàng công nghiệp.
Do đó, xu thế nhập khẩu khí LNG là tất yếu để phục vụ nhu cầu của thị trường. Nguồn cung khí cho thị trường Việt Nam trong tương lai phụ thuộc hoàn toàn nguồn nhập khẩu.
Ở trong nước, cơ chế chính sách hiện nay không cho phép thực hiện cung cấp LNG cho các nhà máy điện. Các nhà máy điện có những hợp đồng rất lớn mang tính dài hạn từ 10 năm - 20 năm, có thể mua được điện với giá tốt, đảm bảo cung cấp ổn định cho các nhà máy điện. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa có cơ chế bao tiêu nhiên liệu sản xuất khí để sản xuất điện.
"Do đó không những không thể nhập khẩu mà ngay cả nguồn khí nội địa rất khó khăn trong việc xin cơ chế bao tiêu. Nếu không có cơ chế bao tiêu thì không thể có khí LNG cho nhà máy điện, đồng thời cơ sở hạ tầng xây ra cũng không thể đưa vào hoạt động được. Nếu không giải quyết được bài toán này thì chúng ta chắc chắn sẽ thiếu khí và thiếu khí trầm trọng", Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam nhấn mạnh.
Tạo điều kiện cho thị trường phát triển
Từ thực trạng này, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam bày tỏ mong muốn Nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho thị trường khí phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao trong thời gian tới.
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Nguyễn Hoàng Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, để xây dựng các định hướng phát triển hạ tầng dự trữ, cung ứng khí Việt Nam khả thi, có hiệu quả, cần có sự phối hợp, chung tay của nhiều bộ, ngành, địa phương, người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, cần có định hướng mở rộng và xây mới kho LPG để nhập khẩu LPG đủ cho nhu cầu phát triển các nhà máy công nghiệp và các khách hàng dân dụng tại các vùng cung ứng bảo đảm nhu cầu tiêu thụ LPG tăng trưởng từ khoảng 5%. Xây mới và mở rộng kho LNG hiện có đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho các dự án điện khí, các khách hàng công nghiệp và dân dụng.
Định hướng xây dựng mới các tuyến ống dẫn khí từ trạm chế biến khí trên bờ và kho LNG đến các khách hàng công nghiệp và dân dụng, đặc biệt quan tâm phát triển mạng tuyến ống khí thấp áp đến các nhà máy, sân bay, bệnh viện, khách sạn lớn, trường học.
Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu tuyến ống khí kết nối Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ cũng như xây dựng thêm các trạm phân phối khí thiên nhiên, các trạm chiết nạp LPG...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo