Thị trường

Kiểm soát kinh doanh qua mạng: Cần sự “bắt tay” đa ngành

Theo thông tin từ Tổng cục Thuế, qua rà soát, cơ quan này đã phát hiện hơn 14.000 tài khoản có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT). Tuy nhiên, từ việc phát hiện đến quản lý và cuối cùng là thu thuế vẫn là những khâu còn lỏng lẻo và thiếu chế tài cụ thể.

Muốn thu thuế phải bắt đầu từ các nhà mạng

Việc phát hiện những cá nhân có thu nhập “khủng” từ hoạt động kinh doanh TMĐT không phải là câu chuyện mới bởi trước đó, cũng tại Cục Thuế TP.HCM, cơ quan quản lý đã từng phát hiện một cá nhân kinh doanh trên Facebook có thu nhập tới hàng tỷ đồng mà không chịu kê khai thuế. Cơ quan Thuế cũng phải xử dụng các chế tài mạnh mẽ để xử phạt, thậm chí chỉ khi nhận được yêu cầu đưa hồ sơ sang cơ quan Công an và khởi tố cá nhân này mới chịu nộp thuế.

Trước thực tế này, theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, việc thu thuế kinh doanh trên mạng tương đối khó, do cơ quan Thuế không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động kinh doanh trên các mạng này. Đặc biệt, trong bối cảnh các loại hình kinh doanh qua mạng đang có xu thế bùng nổ nhanh chóng.

Mua bán qua mạng xã hội đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Thùy Linh.

Mua bán qua mạng xã hội đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Thùy Linh.


Hơn nữa, cho dù cơ quan Thuế có quản lý được đầu nguồn thông tin thì việc giám sát nguồn thu và thu thuế cũng đang gặp khó do sự phối hợp giữa cơ quan Thuế với các ngân hàng cũng như các nhà mạng thời gian qua vẫn chưa chặt chẽ, bài bản.

“Do không có sự quản lý một cách đầy đủ của phía cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh cũng như sự phối kết hợp giữa các nhà mạng, cơ quan Thuế và sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại nên mới xảy ra tình trạng thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh qua mạng”, PGS. Đinh Trọng Thịnh nhận định.

Ông Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc tiến hành thu thuế trước hết phải bắt đầu từ nhà mạng. Nhà mạng phải có trách nhiệm và nghĩa vụ kết hợp với cơ quan Thuế để quản lý các hoạt động kinh doanh, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các mạng xã hội. Đểtừ đó có được cái nhìn tổng thể nhất về các chủ thể kinh doanh qua mạng.

Cùng với đó, để quản lý hoạt động kinh doanh TMĐT, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ Công thương là đơn vị quản lý đăng ký kinh doanh cũng phải phối hợp với nhà mạng, trên cơ sở đó, cơ quan Thuế dựa vào các đăng ký kinh doanh trên mạng xã hội để có thể thường xuyên theo dõi, quản lý các chủ thể này giống như cách thức giám sát đối với chủ thể kinh doanh truyền thống.

“Việc truy thu thuế như vừa qua chỉ là việc cực chẳng đã. Đáng lẽ nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan thì có thể theo dõi được doanh thu, lợi nhuận cũng như khoản thuế phải đóng của các chủ tài khoản này, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Thịnh chỉ rõ.

Đề nghị ngân hàng kiểm tra dòng tiền

Nhận định về công tác quản lý hoạt động kinh doanh mới mẻ này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico cho rằng, trong khi các quốc gia trên thế giới đã tiến hành thu thuế những người có doanh thu từ Google và Facebook từ rất lâu thì đến nay Việt Nam mới bắt đầu tiến hành. Do vậy, vẫn còn sự lúng túng từ phía cơ quan quản lý.

“Ở Việt Nam vẫn đang làm theo kiểu tự phát, “mất bò mới lo làm chuồng” trong khi ở nước ngoài họ có những quy định rất rõ về việc thu thuế đối với những tổ chức, cá nhân có thu nhập từ Google, Facebook”, theo ông Trương Thanh Đức.

Hơn nữa, khi có sự việc xảy ra, việc truy thu thuế vẫn do các địa phương tự chủ động do vậy nhiều khâu còn lúng túng.

Thực tế, tại Việt Nam, hiện có rất nhiều người nổi tiếng, hot facebooker… thu nhập cao từ các trang mạng xã hội, YouTube. Tuy nhiên, những khoản thu nhập này phần lớn không được kê khai, nộp thuế hoặc nộp thuế không đầy đủ. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, nguyên nhân là do cơ chế quản lý, giám sát còn lỏng lẻo, lúng túng.

Để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng trước mắt có thể căn cứ theo Luật Quản lý thuế để đề nghị các ngân hàng kiểm tra lại dòng tiền được chuyển về Việt Nam từ các “ông lớn” công nghệ như Google, YouTube hay Facebook. Từ đó, nắm được thông tin các cá nhân, doanh nghiệp nhận thu nhập khủng từ nước ngoài nhưng không kê khai thuế để có giải pháp phù hợp, tăng nguồn thu thuế.

Theo Báo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo