5 gợi ý giúp tăng trưởng doanh thu bán hàng dịp Tết
Công ty con chuyên kinh doanh ô tô của Tasco đổi tên / Nhà bán lẻ lạc quan vào cơ hội tăng trưởng trong năm 2024
Adjust - nền tảng đo lường và phân tích ứng dụng di động vừa công bố kết quả phân tích dữ liệu về các xu hướng và chiến lược dành cho các ứng dụng di động trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Với chủ đề: “Xu hướng ứng dụng và lên chiến lược marketing cho Tết Nguyên đán 2024”, các thông tin dựa trên phân tích dữ liệu sẽ giúp các chuyên gia marketing ứng dụng di động tận dụng mùa Tết Nguyên Đán để thúc đẩy lượng tương tác và giữ chân người dùng ứng dụng xuyên suốt các nền tảng khác nhau.
Chỉ còn vài ngày nữa đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đây là thời điểm này mang ý nghĩa văn hóa to lớn, đồng thời ghi nhận mức độ tiêu thụ cũng như mức độ tương tác mạnh mẽ trên toàn cầu. Các ứng dụng di động cũng góp phần làm thời khắc thiêng liêng này thêm trọn vẹn, chẳng hạn cùng người thân ở xa đón tết qua màn hình điện thoại, mua sắm thuận tiện hơn, hay gửi đi những lời chúc tết chân thành.
Vào dịp Tết Nguyên đán, số lượt cài đặt (install), số phiên truy cập (session) và thời lượng phiên (session length) của nhiều phân khúc ứng dụng tăng mạnh, cho thấy sự đa dạng trong thị hiếu của người dùng.
Các ứng dụng mua sắm tăng mạnh số lượt cài đặt: Tết Nguyên đán làm tăng mạnh số lượt cài đặt ứng dụng mua sắm. Số lượt cài đặt tăng 10% trong năm 2022 và tăng thêm 7% vào đầu năm 2023, cho thấy Tết là thời điểm nhu cầu mua sắm quà tết tăng cao.
Mức độ sử dụng ứng dụng marketplace tăng: Các ứng dụng marketplace cũng ghi nhận xu hướng tăng, cụ thể số lượt cài đặt toàn cầu tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Khu vực APAC dẫn đầu với mức tăng 27% so với trung bình tháng 1 năm 2023. Khu vực EMEA và khu vực Bắc Mỹ lần lượt tăng 7% và 6%. Thời lượng phiên tăng nhẹ từ 11,51 lên 11,91 phút trong giai đoạn 2022-2023.
Các ứng dụng giao đồ ăn phát triển mạnh: Số lượt cài đặt ứng dụng giao đồ ăn trên toàn cầu vào dịp Tết Nguyên đán tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng lúc đó, số phiên truy cập toàn cầu tăng 4% so với mức trung bình tháng 1. Thời lượng phiên toàn cầu cũng tăng từ 14,94 phút năm 2022 lên 17,39 phút năm 2023. Theo khu vực, số lượt cài đặt tại khu vực APAC tăng 7% so với mức trung bình tháng 1, Bắc Mỹ tăng 6% và EMEA tăng 4%.
Các ứng dụng chia sẻ công thức nấu ăn không nằm ngoài xu hướng chung: Các ứng dụng chia sẻ công thức nấu ăn ghi nhận lượt cài đặt và phiên truy cập tăng lần lượt 14% và 13% so với mức trung bình tháng 1. Thời lượng phiên toàn cầu tăng từ 12,32 phút năm 2022 lên 13,42 phút năm 2023. APAC dẫn đầu với mức tăng 17%, tiếp theo là Bắc Mỹ (9%) và EMEA (2%).
Game mobile nhằm mục đích giải trí tăng: Đầu năm 2023, số lượt cài đặt ứng dụng game trên toàn cầu tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022; trong khi đó số phiên tăng 4% so với mức trung bình tháng. Thời lượng phiên toàn cầu tăng từ 31,33 phút lên 32,29 phút trong giai đoạn 2022-2023. Xét theo khu vực, số lượt cài đặt game vào dịp Tết Nguyên đán ở cả hai khu vực APAC và Bắc Mỹ đều tăng 17% so với mức trung bình tháng 1 năm 2023. APAC còn ghi nhận thêm mức tăng 7% số phiên truy cập. Riêng EMEA, số lượt cài đặt tăng 8%.
Các ứng dụng săn khuyến mãi nhận được nhiều sự quan tâm: Các ứng dụng săn khuyến mãi ghi nhận số liệu tăng trưởng tích cực. Số lượt cài đặt vào dịp Tết Nguyên đán năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Xu hướng này diễn ra trên toàn thế giới, cụ thể số lượt cài đặt tại khu vực Bắc Mỹ tăng 10% so với trung bình tháng 1, khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) tăng 7%, còn khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi (EMEA) tăng 4%. Thời lượng phiên trung bình toàn cầu cũng tăng, từ 6,31 phút năm 2022 lên 6,96 phút năm 2023.
Trong không khí rộn ràng tết đến xuân về, người dùng thường xuyên tìm kiếm các sản phẩm và dịch vụ mang lại may mắn, thịnh vượng và khởi đầu mới. Các chuyên gia marketing có thể xây dựng chiến lược phù hợp với các nhu cầu này nhằm giữ chân người dùng ở lại lâu với ứng dụng, và cải thiện hình ảnh của thương hiệu.
Dưới đây là 5 chiến lược chính mà các doanh nghiệp, nhà bán hàng có thể áp dụng để tăng trưởng người dùng (UA), cải thiện tỷ lệ duy trì (retention) và tăng doanh thu trong những ngày xuân.
Mang đậm bản sắc văn hóa địa phương: Hiểu và tôn trọng nét riêng của các cộng đồng địa phương trong việc tổ chức đón Tết để chiến dịch quảng cáo thể hiện đúng đặc trưng Tết của từng nơi. Đảm bảo tiếp cận thống nhất các khía cạnh khác của chiến dịch như sử dụng ngôn ngữ phù hợp, nhận thức văn hóa và sử dụng hoạ tiết truyền thống. Xem các ngày lễ đặc biệt này là một dịp quan trọng để quảng bá, đồng thời kết hợp các yếu tố này vào hoạt động marketing để đến gần hơn với người dùng.
Đa dạng hóa và tích hợp các kênh marketing: Xây dựng chiến lược đồng bộ và kết hợp nhiều kênh marketing khác nhau. Sử dụng đồng thời quảng cáo tự động (programmatic advertising), quảng cáo trên mạng xã hội và quảng cáo qua email.
Tung ra các phẩm chào mừng Tết và các ưu đãi hấp dẫn: Giới thiệu các mặt hàng phiên bản giới hạn theo chủ đề Tết, cũng như triển khai các chương trình giảm giá dưới dạng bao lì xì. Hợp tác với nghệ sĩ trong nước để sản phẩm độc đáo và phù hợp với văn hóa địa phương.
Hợp tác với influencer và thu hút sự tham gia của người dùng: Hợp tác với influencer và khai thác nội dung do người dùng đăng tải để tăng tính chân thật và quảng bá rộng rãi thương hiệu. Lựa chọn influencer tôn trọng truyền thống văn hóa Tết, đồng thời khuyến khích người dùng chia sẻ những giây phút tuyệt vời trong ngày Tết.
Lên kế hoạch sớm: Triển khai chiến dịch Tết sớm để trở thành lựa chọn đầu tiên của người dùng trong suốt kỳ nghỉ lễ dài. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa chiến dịch tung ra vào “phút chót” không mang lại hiệu quả tích cực.
End of content
Không có tin nào tiếp theo