Kinh doanh

Chuyên gia bàn “chiến thuật” ứng dụng công nghệ marketing hiệu quả trong kinh doanh hậu đại dịch

DNVN - Tại sự kiện Trends Summit #01 do DigiMindGroup, Genius Việt Nam và Teso tổ chức ngày 16/12, các chuyên gia “mổ xẻ” động lực phát triển công nghệ marketing (MarTech) cũng như bài học, tiềm năng ứng dụng vào doanh nghiệp sao cho hiệu quả.

"Doanh nghiệp xăng dầu không tự cứu được mình lấy đâu ra chiết khấu cho đại lý" / Doanh nghiệp cần tái cấu trúc, tìm phương án đầu tư mới để "hồi sinh"

Doanh nghiệp đẩy mạnh kinh doanh online, áp dụng MarTech để thích ứng

Đại diện cho doanh nghiệp bán lẻ đã thích ứng trong mùa COVID-19, CEO của Sakuko Việt Nam Cao Thị Dung nhận định xu hướng dịch chuyển trên môi trường kinh doanh online đang diễn ra nhanh chóng.

Như trường hợp Sakuko vốn bắt nguồn từ thị trường kinh doanh offline, để đáp ứng được nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng cũng như xu thế mới nên đã nhanh chóng chuyển đổi số sang dùng ứng dụng (App) để bán hàng.

Các chuyên gia trao đổi tại sự kiện.

Sự dịch chuyển của khách hàng trên các nền tảng thương mại điện tử buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng nắm bắt và thích ứng. Ví dụ như việc các khách hàng dịch chuyển nhanh chóng từ Shopee, Tiki, Lazada sang TikTok Shop khiến cho doanh nghiệp và các nhà bán lẻ “trở tay không kịp".

Theo ông Tình Nguyễn, Co-Founder Ladipage, báo cáo của Emergen Research cho thấy, quy mô thị trường công nghệ Marketing (MarTech) toàn cầu dự kiến đạt 6.612 tỷ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng hàng năm ước đạt 44,4%.

Theo đó, quy mô thị trường MarTech Việt Nam có thể rơi vào tầm 10-30 triệu USD một năm. Dù thị trường Việt Nam còn chưa vận dụng MarTech nhiều nhưng khi các nền tảng mạng xã hội ngày càng phát triển đi kèm với các nguyên lý marketing mở rộng thì lĩnh vực này vẫn còn nhiều hứa hẹn.

MarTech giúp các doanh nghiệp chi tiền trên các nền tảng thông minh và hiệu quả hơn. Vì vậy ông Tình Nguyễn cho rằng MarTech không phải là những điều gì đó xa vời mà là những giải pháp đáp ứng nhu cầu hiện tại của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nói cách khác, MarTech đảm bảo tính thích ứng nhanh và linh hoạt.

Tại sự kiện, ông Tình Nguyễn cũng đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp muốn phát triển MarTech thì cần dựa vào năng lực đặc biệt là năng lực và kỹ năng về công nghệ, nguồn lực và bối cảnh thị trường để ứng dụng cho phù hợp.

Ông Kiên Đoàn, CEO Digityze Asia cho rằng việc tiếp cận và sử dụng được ngay là 2 khía cạnh quan trọng của các xu hướng nhanh.

Còn theo đại diện của công ty MM Mega Market (doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển đổi số hoàn toàn từ năm 2020 và đang duy trì mô hình chuyên sâu cho đến thời điểm hiện tại) thì các doanh nghiệp nhỏ dễ dàng chuyển đổi số hơn so với các doanh nghiệp lớn. Lý do là các doanh nghiệp lớn cần phải quan sát và mỗi quyết định đều mang sức ép rất lớn.

Ngoài việc bán hàng, các doanh nghiệp lớn còn tập trung vào một vấn đề nữa là trải nghiệm khách hàng. Khi khách hàng có thể đánh giá công khai trên các phương tiện truyền thông mạng xã hội như hiện nay thì chỉ 1 khách hàng không hài lòng cũng có thể ảnh hưởng đến danh tiếng của cả thương hiệu.

Vì vậy, trải nghiệm khách hàng cũng là một vấn đề các doanh nghiệp cần quan tâm khi ứng dụng MarTech.

Bà Cao Thị Dung - CEO Sakuko (bên trái) và bà Tracy Vũ - Founder Trends Việt Nam.

MarTech - có nên “thử" ngay?

Đại diện cho các doanh nghiệp bán lẻ, bà Cao Thị Dung cũng nêu ra những khó khăn và cơ hội của cả doanh nghiệp lớn, nhỏ và cả tầm trung. Qua đó, bà cho rằng việc lựa chọn giải pháp MarTech cần dựa vào 3 chữ “hiểu": hiểu mình, hiểu đội ngũ nhân sự, hiểu doanh nghiệp của mình. Từ đó, đưa ra những giải pháp chiến lược cho năm mới. Và với Sakuko, một doanh nghiệp tầm trung thì sự hiệu quả và khách hàng trung thành là 2 vấn đề chính.

Theo ông Tình Nguyễn, giải pháp MarTech sẽ nâng cao trải nghiệm khách hàng trên các điểm chạm về Marketing. Ngoài MarTech còn có FinTech, SaleTech, HRTech.

Doanh nghiệp cần nhận ra khách hàng của minh đang ở đâu, nếu đó là các nền tảng xã hội thì việc sử dụng MarTech không chỉ là “nhanh" mà còn là “ngay bây giờ" để tối ưu hóa các quy trình và tiếp cận khách hàng một cách hiệu quả nhất.

“Trải nghiệm khách hàng là cần thiết nhưng tiếp cận đúng đối tượng khách hàng còn quan trọng hơn. Vì khi tiếp cận, các doanh nghiệp sẽ nhận được phản hồi và ngày càng hoàn thiện hơn, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ”.

Ông Kiên Đoàn nhấn mạnh: Dù là doanh nghiệp nhỏ hay lớn thì cũng cần phải “thử”. Vì dù thành công hay thất bại thì các doanh nghiệp cũng sẽ có những bài học. Từ đó, để hệ thống hóa và xây dựng những điều lớn hơn.

Đứng ở vị trí doanh nghiệp bán lẻ cũng như là một khách hàng của MarTech, bà Cao Thị Dung đưa ra những lời khuyên cho các doanh nghiệp: Bản thân từ lãnh đạo doanh nghiệp và nội bộ tổ chức mới là cái khó nhất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần nhận thức được những gì mình cần, đưa công nghệ vào thì sẽ giải quyết được vấn đề gì, bức tranh doanh nghiệp sẽ đi đến đâu. Đồng thời, nguồn lực cũng là yếu tố cần phải quan tâm.

Điều quan trọng là, các doanh nghiệp không phải chỉ chạy theo xu hướng mà phải từ xu hướng định hướng cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Và khi định hướng thành công, thì việc ứng dụng nhất quán, rõ ràng và quyết tâm thực hiện là điều tối quan trọng.

Tại sự kiện, bà Tracy Vũ - Founder của Trends Việt Nam nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp muốn triển khai MarTech nhanh, hiệu quả thì phải… từ từ. “Từ từ” ở đây có nghĩa là các doanh nghiệp cần xác định rõ ràng mục tiêu, nội lực, nguồn lực, nghiên cứu thị trường hiện tại và tìm ra giải pháp phù hợp nhất, cần có chiến lược bài bản.

Hoàng Phương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm