Hết cá nhân dùng 26 tài khoản thao túng giá cổ phiếu DPS đến Chủ tịch cũng bán "chui"
DNVN - Cổ phiếu DPS có diễn biến bất thường cả về giá và thanh khoản chưa kể giá cổ phiếu vô cùng thấp chỉ 500 đồng/cp kết phiên 13/9 và thuộc diện cảnh báo của HNX.
TTCK Việt Nam: Nhiều cổ phiếu xuống vùng giá thấp nhất trong lịch sử / Lãnh đạo Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình thi nhau bắt đáy cổ phiếu HBC
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa ban hành quyết định xử phạt ông Nguyễn Quang Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Sóc Sơn (Mã: DPS) 55 triệu đồng vì hành vi bán “chui” cổ phiếu DPS.
Từ ngày 10 - 11/7/2018, ông Nguyễn Quang Nguyên đã bán hết hơn 1 triệu cổ phiếu DPS nhưng không báo cáo UBCKNN, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội trước khi thực hiện giao dịch.
Ông Nguyên sinh năm 1963, trình độ Trung cấp Cơ điện. Từ năm 1981 – 1991 ông kinh doanh tự do. Giai đoạn năm 1992 – hiện tại ông là Giảng viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Việt Bắc.
Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của DPS vào đầu tháng 11/2016 thì từ ngày 5/2/2015 – thời điểm đó ông là thành viên Hội đồng quản trị Công ty.
Diễn biến giá cổ phiếu DPS từ lúc lên sàn đến nay (Nguồn: VNDirect)
Ông Nguyên – Chủ tịch DPS thực hiện bán “chui” cổ phiếu vào khoảng thời gian cổ phiếu đang lao dốc. Trong hai phiên 10 – 11/7/2018 giá cổ phiếu DPS ở vùng 900 đồng/cp, ước tính ông Nguyên thu về khoảng hơn 930 triệu đồng từ việc bán “chui”.
Không chỉ Chủ tịch bán “chui” cổ phiếu mà mới đây UBCKNN cũng xử phạt một nhà đầu tư có tên Nguyễn Quang Khải 550 triệu đồng vì đã sử dụng 26 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu DPS.
Căn cứ kết quả xác minh của Cơ quan công an, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu DPS của ông Nguyễn Quang Khải gây ra chưa đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh đó, căn cứ kết quả kiểm tra và các tài liệu có trong hồ sơ, xem xét tính toán số lợi bất hợp pháp từ việc thực hiện hành vi vi phạm cho thấy không có số lợi bất hợp pháp từ hành vi vi phạm của ông Nguyễn Quang Khải.
Tuy nhiên quyết định xử phạt không nói rõ hành vi thao túng giá cổ phiếu DPS của ông Khải xảy ra trong thời gian nào.
Cổ phiếu DPS lên sàn vào tháng 5/2015, tới cuối năm 2015 cố phiếu DPS lập đỉnh ở mức gần 20.000 đồng/cp sau đó liên tục “đổ đèo” về quanh mốc giá “trà đá”.
Kết phiên 13/9 cổ phiếu DPS chốt ở 500 đồng/cp. Cổ phiếu DPS bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 7/5/2019 do chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán 2018 quá 15 ngày.
Không chỉ vậy doanh nghiệp còn bị nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường do vi phạm quy định công bố thông tin 4 lần kể từ đầu năm, bổ sung thêm lý do đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo. Cho tới nay doanh nghiệp vẫn chưa chịu công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2018.
Cổ phiếu DPS có diễn biến giao dịch rất bất thường, hay tăng trần giảm sàn liên tục. Không chỉ diễn biến giá mà thanh khoản của DPS cũng rất bất thường, có phiên chỉ vài nghìn đơn vị khớp lệnh nhưng có phiên thanh khoản lên tới hơn 900.000 đơn vị.
Qua đó có thể thấy diễn biến cực kỳ bất thường của cổ phiếu DPS cả về giá và khối lượng là cơ sở để thao túng giá cổ phiếu.
DPS có vốn điều lệ gần 311 tỷ đồng, hoạt động chính trong mảng buôn bán sắt thép thành phẩm. Theo báo cáo tài chính quý IV/2018 chưa kiểm toán, năm 2018 DPS đạt 247 tỷ đồng doanh thu, giảm 77% so với năm 2017. Doanh thu giảm mạnh dẫn tới Công ty cũng báo lỗ hơn 6,7 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2018 tổng tài sản của DPS là 539 tỷ đồng với hơn 103 tỷ đồng hàng tồn kho. Bên cạnh đó DPS có tới 198 tỷ đồng nợ đi vay ngắn hạn.
Hoàng Kiều
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo