Kinh doanh

Hộ chiếu vaccine: Chìa khóa cho sự trở lại của ngành du lịch, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro

DNVN - Liên quan đến hộ chiếu vaccine, giám đốc Omega Tours cho rằng, việc áp dụng "hộ chiếu vaccine" có những lợi thế nhất định, nhưng tiềm ẩn đằng sau là những hạn chế mà chúng ta chưa thể tính toán hết được, có thể kéo theo những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng.

WHO khuyến cáo những người cần tiêm, hay không nên tiêm vaccine phòng Covid-19 của Oxford/AstraZeneca / Sắp tiêm mũi vaccine COVID-19 đầu tiên tại Việt Nam

Từ những ngày cuối tháng 2, rất nhiều nước đang thảo luận về một hình thức mới hỗ trợ người dân đi lại tự do trở lại đó chính là “hộ chiếu vaccine”. Hộ chiếu vaccine có thể dưới hai dạng, một ứng dụng hay một tấm giấy chứng tỏ bạn đã được tiêm vaccine Covid-19 hay đã từng nhiễm Covid-19 và do đó có kháng thể để chống lại virus.

Isarel và Anh, hai nước có chương trình tiêm chủng Covid-19 dẫn đầu thế giới tính đến thời điểm này, cũng là những nước đi đầu về ý tưởng "hộ chiếu vacccine". Anh đặt mục tiêu đến cuối tháng 7 sẽ tiêm phòng Covid-19 xong cho toàn bộ dân số là người trưởng thành. Thủ tướng Boris Johnson của nước này mới đây tuyên bố đến giữa tháng 6 sẽ hoàn tất việc rà soát cấp chứng chỉ miễn dịch Covid-19.

Tại Israel, một "hộ chiếu" vaccine đã được triển khai vào tuần trước. Saudi Arabia mới phát hành một "hộ chiếu" sức khỏe trên ứng dụng dành cho những người đã tiêm phòng Covid-19, trong khi Chính phủ Iceland đang tiến hành cấp "hộ chiếu vaccine" để thúc đẩy du lịch. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh điều hành yêu cầu các cơ quan hữu quan đánh giá tính khả thi của việc cấp chứng nhận điện tử cho những người đã tiêm vaccine Covid-19. Một số nước châu Âu khác cũng đang bàn thảo về việc có tự do đi lại với “hộ chiếu vaccine” với hy vọng sớm khôi phục lại nền kinh tế du lịch.

Bộ trưởng Bộ Du lịch Thái Lan cũng cho biết về kế hoạch mở cửa du lịch vào quý 3, dựa trên tín hiệu khả quan về vaccine và việc dựa vào hộ chiếu vaccine cho người nhập cảnh.

Đối với khu vực Đông Nam Á, ngày 4/3, trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam và Singapore, hai bên đã trao đổi nhiều ý kiến về kế hoạch tiêm chủng vaccine và khả năng áp dụng hộ chiếu vaccine.

Nhiều người cho rằng, hộ chiếu vaccine sẽ là chìa khóa cho sự trở lại của các ngành như du lịch, vận tải, dịch vụ và các ngành nghề khác liên quan. Ngành du lịch, sớm thôi, sẽ vượt qua cơn bĩ cực khi nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Về vấn đề này, Doanh nghiệp Việt Nam đã trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc công ty Omega Tours, Đà Nẵng về những điểm tích cực và tiêu cực của hình thức này, cũng như triển vọng mở cửa trở lại của Du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Thưa ông, ý kiến cá nhân của ông như thế nào về một số nước bắt đầu nghiên cứu và triển khai “hộ chiếu vaccine”?

Ông Nguyễn Ngọc Anh: Với quan điểm của tôi “hộ chiếu vaccine” có mặt tích cực nhưng cũng có nhiều bất cập cần được tính toán kỹ lưỡng khi đưa vào áp dụng.

Về mặt tích cực, hộ chiếu vaccine sẽ từng bước giúp cho việc đi lại và thông thương trở nên dễ dàng hơn, và các nền kinh tế sẽ được lợi từ việc hồi phục của các ngành như vận chuyển, logistic, hàng không, du lịch, khách sạn...

Tuy nhiên, xét trên thực tế hiện nay, việc sản xuất vaccine và tiêm chủng giữa các nước ở trạng thái không cân bằng. Một số nước đã bắt đầu tiêm vaccine và có kế hoạch tiêm chủng toàn bộ trong năm nay, ngược lại có những nước hoàn toàn chưa tiếp cận được với vaccine và cũng không có khả năng sản xuất.

Tại Việt Nam, tuy chúng ta đã bắt đầu nhập được vaccine nước ngoài nhưng số lượng còn hạn chế, vaccine trong nước vẫn đang trong thời gian thử nghiệm chưa sản xuất, việc tiêm chủng được thực hiện chậm hơn các nước khác. Việc tiêm chủng không đồng đều cũng dẫn tới những sự phân biệt đối xử và những cuộc đua không lành mạnh mà chúng ta chưa thể biết được, giữa các nước, giữa các khu vực, và ngay cả trong một đất nước.

Bên cạnh đó, hiện nay có khá nhiều loại vaccine trên thế giới, nhưng chỉ được công nhận bởi các quốc gia hoặc khu vực riêng lẻ, và cũng chưa đánh giá chính xác toàn bộ hiệu quả như là thời gian phòng bộ, tỉ lệ phòng bệnh, hiệu quả phòng bệnh … nhất là khi các biến chủng mới vẫn liên tục xuất hiện và ảnh hưởng tới hiệu quả theo những mức độ khác nhau của những loại vaccine khác nhau.

Vậy thì hộ chiếu vaccine sẽ được cấp khi người tiêu chủng bất kỳ loại vaccine nào cũng được, hay phải theo điều kiện tiêu chuẩn nào, và nước này có chấp nhận chứng nhận tiêm vaccine của nước khác hay không, hiện nay chưa có một cơ quan quốc tế nào đứng ra để xác nhận tiêu chuẩn chung.

Các loại vaccine phòng coronavirus hiện nay

Các loại vaccine phòng coronavirus hiện nay.

Điều này cũng dẫn tới nhiều bất cập có thể diễn ra khi áp dụng hộ chiếu vaccine, với nhiều tình huống không thể lường trước được. Các nước được tiêm vaccine sớm, rộng rãi sẽ có nhiều lợi thế hơn các nước nhỏ, chậm tiếp cận với vaccine tạo ra sự mất cân đối giữa các nước. Khi chúng ta mất rất nhiều thời gian để gần dỡ bỏ những cản trở do visa giữa các quốc gia (các cộng đồng áp dụng visa chung, miễn visa song phương, đa phương) thì hộ chiếu vaccine trở thành một loại visa di chuyển khác. Từ đó liệu có thể dẫn tới tình trạng "hộ chiếu vaccine giả" hay không.

Thời gian các nước được tiêm vaccine trên thế giới (ước tính 60 - 70% dân số đươc tiêm chủng). Nguồn: The Economist

Thời gian các nước được tiêm vaccine trên thế giới (ước tính 60 - 70% dân số đươc tiêm chủng). Nguồn: The Economist

Từ sự mất cân bằng trong việc sở hữu, sản xuất và tiêm chủng vaccine sẽ tạo ra sự mất bình đẳng giữa các nước giàu và các nước nghèo, người được tiêm và người chưa được tiêm. Trong khi đó lượng vaccine hiện nay còn rất ít so với dân số thế giới, vậy thì đến bao giờ điều kiện di chuyển mới trở nên bình thường.

Tuy còn rất nhiều điểm hạn chế và phải tính toán nhưng “hộ chiếu vaccine” vẫn là hy vọng duy nhất hiện nay cho ngành du lịch, với khả năng mở cửa từng phần giữa các quốc gia. Với tư cách là người làm du lịch, ông đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Như tôi nhận định, vaccine sẽ được tiêm cho từng đối tượng và phụ thuộc vào tài chính của mỗi quốc gia, mỗi người. Những người có nhu cầu, điều kiện sẽ được ưu tiên tiêm phòng trước. Trong khi đó, đối với ngành du lịch, chúng ta cố gắng mở rộng du lịch theo hướng đại trà chứ không phục vụ du lịch như những năm 1980 – 1990 chỉ dành cho những tầng lớp thượng lưu. Nhưng vaccine sẽ có khả năng một lần nữa sẽ tạo ra khoảng cách và rào cản đối với những người muốn đi du lịch do gia tăng chi phí đi lại.

Lấy ví dụ như thành phố Đà Nẵng, một thành phố sống dựa vào du lịch với khoảng 50% người lao động trong ngành dịch vụ, thì bao giờ chúng ta mới lại có thể đón làn sóng du lịch như trước đây, những khách hàng không nhắm tới những dịch vụ quá cao cấp.

Và khách hàng có ‘hộ chiếu vaccine’ đi du lịch tới Việt Nam, liệu họ có yêu cầu tất cả những người làm du lịch địa phương (hướng dẫn viên, lái xe, nhân viên khách sạn, những người lao động khác trong ngành dịch vụ…) cũng phải được tiêm vaccine phòng ngừa hay không, nếu có thì chúng ta có đáp ứng được hay không.

Một rủi ro khác chính là số lượng quốc gia và số người có “hộ chiếu vaccine” và đồng ý chấp nhận hình thức này là bao nhiêu. Nếu chúng ta mau chóng triển khai “hộ chiếu vaccine” thì liệu có nhận phải phản ứng trái chiều của những nước, những người không đồng ý thậm chí hiệu ứng bài trừ sau này hay không. Trong năm 2020, chúng ta đã có mở lại 6 đường bay thương mại quốc tế, nếu đi kèm với điều kiện ‘hộ chiếu vaccine’ thì việc áp dụng với 6 nước được mở đường bay có thay đổi hay không, hay mỗi quốc gia lại kèm theo những điều kiện khác nhau.

Chính sách này chỉ nên áp dụng từng phần và được đánh giá, đầu tiên là với những người chuyên gia, lao động, ở dài hạn hoặc bắt buộc phải di chuyển trước còn đối với khách du lịch thì cần phải có nghiên cứu kỹ lưỡng chứ chưa nên áp dụng ngay.

Đối với cá nhân tôi, việc áp dụng ‘hộ chiếu vaccine’ có những lợi thế nhất định, nhưng tiềm ẩn đằng sau là những hạn chế mà chúng ta chưa thể tính toán hết được, có thể kéo theo những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng, đặc biệt là sự bình đẳng về đi lại và đối xử giữa những người có và không có loại hộ chiếu này. Chúng ta phải tạo được sự cân bằng khi đối với tất cả các du khách, người nhập cảnh hay nói rộng hơn là với tất cả mọi người trong dài hạn hơn là vội vàng mở cửa vì lợi ích kinh tế ngắn hạn.

Xin cảm ơn Ông!

Minh Châu (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm