Kinh doanh

Kiểm soát tốt tiêu chuẩn gạo xuất khẩu sẽ mở rộng được thị trường nội địa

DNVN - Chia sẻ với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Chánh Trung- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết, nếu sản xuất lúa gạo theo hướng 50% dành cho thị trường trong nước, 50% dành cho thị trường xuất khẩu thì sản phẩm gạo tốt nhất sẽ bán được ở thị trường nội địa nhiều hơn.

Chuối Tân Long bất ngờ được giá / Chuối Tân Long bất ngờ được giá

Tân Long đã tham gia thị trường xuất khẩu tại thị trường châu Á truyền thống như Malaysia, châu Phi, châu Âu và Nhật Bản. Đối với thị trường Nhật Bản, một thị trường rất khó tính với hệ thống tiêu chuẩn rất khắt khe, cũng đón nhận gạo Việt từ Tân Long.

Cuối tháng 6/2022, Tập đoàn Tân Long thông báo về sự kiện gạo ST25 mang thương hiệu A An ra mắt và chính thức được phân phối trong hệ thống các siêu thị Nhật Bản, dưới sự chứng kiến của Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ngân hàng Kiraboshi Nhật Bản (đơn vị kết nối doanh nghiệp), đơn vị nhập khẩu Sun-Tommy và đơn vị phân phối Spice House.

Đặc biệt hơn khi đây cũng là thương hiệu gạo Việt đầu tiên được nhập khẩu vào Nhật Bản để phân phối đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Chánh Trung- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho rằng, kiểm soát tốt tiêu chuẩn gạo xuất khẩu sẽ mở rộng được thị trường nội địa.

Việc xuất khẩu thành công một thương hiệu gạo Việt Nam sang thị trường Nhật Bản là "một hành trình" vì đây là chặng đường không ít khó khăn. Các chính sách xuất khẩu, vấn đề kiểm định chất lượng và chi phí lớn là những trở ngại để các thương hiệu gạo Việt có thể tự tin xuất hiện tại thị trường cực kỳ khó tính như Nhật Bản.

“Gạo A An phải trải qua hơn một năm lựa chọn sản phẩm đạt yêu cầu về kỹ thuật và vượt qua đánh giá, phân tích kiểm định trên 450 tiêu chí dưới sự tài trợ của Chính phủ Nhật Bản để có thể chính thức xuất khẩu thành công vào thị trường này. Đây cũng là sản phẩm đã phục vụ người tiêu dùng Việt Nam từ năm 2021.

Việt Nam là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại Nhật Bản với khoảng hơn 430.000 người, cùng với khoảng hơn 700.000 người gốc Hoa và hơn 200.000 người Philipines. Đây là những quốc gia ưa thích dòng gạo thơm, hạt dài như ST21, ST24 hay ST25. Vì thế, gạo A An nói riêng và gạo Việt Nam chất lượng cao nói chung vẫn còn nhiều cơ hội tại thị trường khó tính nhưng cũng vẫn còn dư địa phát triển như Nhật Bản”, ông Trung nói.

Bên cạnh Nhật Bản, Đức, Czech là những thị trường quốc tế đã chinh phục thành công, gạo A An cũng đã xuất khẩu thành công lô hàng tiếp theo vào Thụy Điển và tích cực tham gia vào Hội chợ triển lãm nông sản tại các quốc gia EU.

Tân Long tiếp tục làm việc với các đơn vị phân phối bán lẻ để có những chương trình xúc tiến, tạo tiền đề để sản phẩm gạo chất lượng cao tiến sâu hơn vào các thị trường cao cấp quốc tế bằng chính thương hiệu Việt Nam.

Bàn về cơ hội và thách thức năm 2023 của ngành gạo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long nhấn mạnh, Việt Nam có nhiều cơ hội trên nền tảng đã đạt xuất khẩu gần 7,1 triệu tấn gạo lương thực trong năm 2022.

“Những thị trường xuất khẩu khá quan trọng của Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển. Hy vọng năm 2023 sẽ có bước chuyển biến thuận lợi hơn, thách thức từ giá nguyên liệu tăng, mức cước vận chuyển tăng sẽ không quá lớn như năm 2022”, ông Trung nói.

Với kinh nghiệm là một doanh nghiệp xuất khẩu gạo uy tín và thành công gần 10 năm nay, Tân Long đã đặt ra cách thức sản xuất gạo khác biệt. Đó là bám vào các yêu cầu của nước nhập khẩu, ban đầu là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc.

Gạo A An là thương hiệu gạo Việt Nam đầu tiên xuất hiện tại thị trường Nhật Bản.

Không có thị trường nào dễ khi xuất khẩu chính ngạch. Thị trường nào cũng có hàng rào kỹ thuật. Ở Trung Quốc yêu cầu rất cao về kiểm dịch thực vật, dư lượng thuốc kháng sinh thực vật. Thị trường Hàn Quốc kiểm tra khoảng 300 chất liên quan đến chất tăng trưởng ngoại sinh, ức chế, hoặc kích thích tăng trưởng trong sản phẩm lúa gạo. Nhật Bản thì khó hơn, họ kiểm soát cả về kim loại nặng, thuốc trừ sâu. Thị trường châu Âu cũng vậy, hàng rào kỹ thuật rất cao.

“Tân Long đi vào thị trường xuất khẩu thấy ổn hơn vì tham gia thị trường đó tập đoàn đã kiểm soát kỹ lưỡng vấn đề từ nội địa. Mọi người hay xem tiêu chuẩn xuất khẩu là tiêu chuẩn cao, nhưng nếu như sản xuất lúa gạo theo hướng mà tập đoàn đang làm là 50% dành cho thị trường trong nước, 50% dành cho thị trường xuất khẩu thì sản phẩm gạo tốt nhất mình sẽ bán được ở thị trường nội địa nhiều hơn”, ông Trung chia sẻ.

Để bảo đảm chất lượng gạo đáp ứng được các thị trường xuất khẩu khó tính, Tân Long sẽ tiếp tục tập trung vào phát triển vùng nguyên liệu, nâng cao hạ tầng hiện đại và xây dựng các điểm bán trên toàn quốc.

Việc phát triển vùng nguyên liệu nhằm bảo đảm nguồn cung lúa gạo đạt chất lượng và sản lượng ổn định, liên kết với nông dân và các hợp tác xã thực hiện tốt công tác truy suất nguồn gốc.

Chủ động trong các vấn đề xử lý để hạn chế thất thoát sau thu hoạch, giữ chất lượng lúa tốt nhất thông qua việc đầu tư vào các lò sấy, các nhà máy chế biến gạo hiện đại. Hiện Tập đoàn Tân Long đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà máy gạo Hạnh Phúc (Tri Tôn - An Giang). Đây được xem là nhà máy có quy mô lớn nhất và hiện đại nhất châu Á.

Đề xuất về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long cho rằng, tuy gạo của tập đoàn đã đạt được thương hiệu gạo quốc gia, tuy nhiên, ngành bán lẻ gạo Việt Nam có rất nhiều công ty, hệ thống phân phối truyền thống không chịu thuế. Nhưng những đơn vị như Tân Long và các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu bán lẻ trong nước của ngành lúa gạo hoàn toàn phải hạch toán về thuế VAT. Về lâu dài, cần có giai đoạn hỗ trợ điều chỉnh thuế VAT về 0% cho ngành bán lẻ lúa gạo để kích thích doanh nghiệp đầu ra bao tiêu liên kết với nông dân, thúc đẩy doanh nghiệp lúa gạo phát triển.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm