Kinh doanh

Lãi lớn nhất 10 năm qua: Quyết định khiến ngân hàng phải 'hãm phanh'

Hàng loạt ngân hàng dồn dập báo lãi tăng hàng chục phần trăm cho tới vài lần và kiếm lợi nhuận ngàn tỷ dễ dàng. Đây có thể dấu hiệu cho thấy một mùa kinh doanh tốt đẹp nhất trong 10 năm qua.

Chày Lập Farmstay - “viên ngọc xanh” trước cửa ngõ di sản / Hà Nội: Xử phạt gần 1,5 tỷ đồng về vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm

Tuy nhiên, động thái mới từ cơ quan quản lý khiến các ông chủ nhà băng phải thận trọng trong những tháng cuối năm.

Dồn dập lãi ngàn tỷ

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LienVietPostBank (LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 năm 2018 với lợi trước thuế đạt 600 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng thêm 13 ngàn tỷ đồng lên 176 ngàn tỷ đồng. LPB đặt mục tiêu lãi trước thuế 1,2 ngàn tỷ trong năm 2018.

Điểm sáng trong kết quả kinh doanh quý 2 của LienVietPostBank là lợi nhuận từ mảng dịch vụ tăng mạnh, tăng gần 195% so với năm trước. Các tỷ lệ an toàn đều đảm bảo theo quy định của NHNN và có sự thay đổi tích cực so với năm 2017 nhằm đảm bảo các quy định khắt khe hơn của NHNN.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội - SHB (Mã CK: SHB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2018 với lợi nhuận sau thuế đạt gần 433 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, thu nhập từ lãi thuần giảm 7% với 1.098 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm mạnh gần 55% chỉ còn 47 tỷ đồng. Hoạt động đầu tư chứng khoán với mức lãi đột biến hơn 235 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 6 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác cũng lãi hơn 21 tỷ đồng thoát khỏi bóng lỗ năm ngoái (lỗ gần 30 tỷ).

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh quý II tăng xấp xỉ 22% với 724 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của SHB đạt 1.045 tỷ đồng, tăng hơn 30% và bằng 50,8% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 835 tỷ đồng.

Lãi lớn nhất 10 năm qua: Quyết định khiến ngân hàng phải 'hãm phanh'
Ngân hàng Việt Nam dựa nhiều vào hoạt động cho vay.

Trong nửa đầu năm 2018, Ngân hàng TMCP Kỹ thương - Techcombank (TCB) bất ngờ vươn lên chiếm vị trí số 3 thường thấy của BIDV. Techcombank ghi nhận mức lãi trước thuế kỷ lục gần 5,2 ngàn tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt mức kỷ lục: 4.150 tỷ đồng. Thu nhập lãi thuần của ngân hàng trong 6 tháng đạt hơn 5 ngàn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập từ hoạt động đạt gần 8,7 ngàn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Hiện xét theo tổng tài sản và vốn điều lệ, Techcombank đứng sau nhiều ngân hàng. Nhưng về lợi nhuận, Techcombank đang là quán quân của khối ngân hàng TMCP và chỉ kém hai ngân hàng quốc doanh Vietcombank và Vietinbank.

Một ngân hàng cổ phần có lợi nhuận lớn là Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB), trong nửa đầu năm 2018 có lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt hơn 4.375 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất trong kỳ đạt hơn 14.510 tỷ đồng, tăng hơn 3.213 tỷ đồng, tương đương tăng 28%.

Như vậy, với kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 10.800 tỷ thì VPBank đã hoàn thành được 40% mục tiêu lợi nhuận đặt ra trong năm.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam -Vietcombank (VCB) báo cáo lợi nhuận khủng hơn 8 ngàn tỷ đồng trong 6 tháng, tăng gần 53% so với cùng kỳ, hoàn thành 57% kế hoạch năm và dự kiến đạt 14 ngàn tỷ lợi nhuận trong cả năm. Lợi nhuận có thể còn cao hơn thêm cả ngàn tỷ đồng nếu VCB thoái vốn khỏi Eximbank và MBBank.

VietinBank ghi nhận lợi nhuận gần 5,3 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 9,4%. BIDV hụt hơi và bị Techcombank vượt mặt nhưng cũng ghi nhận lợi nhuận hơn 5 ngàn tỷ đồng.

ACB ghi nhận một kỳ kinh doanh ấn tượng lợi nhuận trước thuế đạt gần 3,2 ngàn tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2017. Eximbank và HDBank ghi nhận lợi nhuận tăng gấp 2,3 lần, trong khi TPBank tăng gấp 2,1 lần.

Ngân hàng TMCP Quân Đội - MBBank (MBB) báo lãi 3,8 ngàn tỷ đồng. MBBank dự kiến lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2018 đạt 6,8 ngàn tỷ đồng.

Hết room tín dụng: Thận trọng cuối năm

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VPBS, trong 6 tháng đầu năm nay tốc độ bình quân tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của 17 ngân hàng niêm yết đạt gần 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo điều tra của NHNN, lợi nhuận của cả hệ thống ngân hàng năm 2018 được kỳ vọng tăng trên 19% so với năm 2017, cao hơn so với mức kỳ vọng tăng 18,2% ghi nhận tại cuộc điều tra trước đó.

Lãi lớn nhất 10 năm qua: Quyết định khiến ngân hàng phải 'hãm phanh'
Triển vọng không còn tươi sáng như 6 tháng đầu năm 2018.

Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt đầu chứng kiến lợi nhuận tăng mạnh ở các mảng dịch vụ. Tuy nhiên, đa số vẫn phụ thuộc chính vào hoạt động buôn tiền và lợi nhuận trồi sụt theo định hướng tín dụng của NHNN. Gần đây, nhiều ngân hàng đã bắt đầu lo lắng về triển vọng 6 tháng cuối năm không còn được tươi sáng như nửa đầu năm.

LienVietPostBank vừa điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận 2018 từ 1.800 tỷ xuống 1.200 tỷ đồng và cắt giảm hàng loạt các chỉ tiêu kinh doanh của năm 2018. Tổng tài sản giảm từ 190 ngàn tỷ xuống 180 ngàn tỷ; huy động vốn thị trường 1 giảm từ 170 ngàn tỷ xuống 160 ngàn tỷ; tỷ lệ chi trả cổ tức giảm từ 12% xuống 10%...

Lý giải lý do điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh 2018, lãnh đạo LienVietPostBank cho biết, việc giảm chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn, cho vay và lợi nhuận là để tương ứng với room tín dụng mà NHNN cấp cho LienVietPostBank (kế hoạch ban đầu xây dựng chiến lược tín dụng tăng 20% nhưng được phê duyệt 14%).

Bên cạnh đó, lý do còn là vì LienVietPostBank xác định chiến lược tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới vì mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu và phục vụ cho mọi người dân đến tận tất cả các xã/phường, huyện/thị trên toàn quốc.

NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 sẽ chỉ khoảng 17%, thấp hơn mức đạt được trong năm ngoái là 18,2%. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng có tăng trưởng hơn 10%, có nghĩa room tín dụng sắp hết.

Trong khi đó, NHNN gần đây đã có hàng loạt chỉ đạo cho thấy sẽ quyết tâm kiểm soát hoạt động cho vay của các ngân hàng, không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biết là ngân hàng tham gia tái cơ cấu, TCTD yếu kém). Điều này có thể sẽ khiến không ít ngân hàng phải chật vật trong nửa cuối năm.

TPBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng tính cả trái phiếu doanh nghiệp trong 6 tháng đã lên tới 14%, sát trần được NHNN phê duyệt cho TPBank là 15%. Như vậy, ngân hàng chỉ còn room vài trăm tỷ để giải ngân cho vay trong 6 tháng còn lại.

Vietcombank ghi nhận tăng trưởng cho vay khách hàng đạt 11,5% trong khi kế hoạch tăng trưởng tín dụng cho cả năm chỉ ở mức 14-15%. ACB và MBB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 15% cho cả năm nhưng 6 tháng dư nợ cho vay cũng đã tăng hơn 11%.

Từ đầu năm tới nay, lạm phát và tỷ giá đã tăng mạnh. Áp lực lên mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là rất lớn. Các nhà băng sẽ khó lòng dựa vào hoạt động cho vay. Để cải thiện tình hình, các ngân hàng sẽ gia phải tăng nguồn thu ngoài lãi như thu phí dịch vụ, hoa hồng bảo hiểm, kinh doanh chứng khoán... nhưng tỷ trọng của mảng này vẫn còn khá nhỏ trong nguồn lợi nhuận của các ngân hàng.

Theo vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm